Gần đây, câu chuyện về một nữ MC chia tay chồng đã dấy lên nhiều tranh luận về việc: "Sự chia sẻ từ người chồng" có phải yếu tố quyết định hạnh phúc đối với người phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân và gia đình?
Ly hôn là cách giải quyết cho một cuộc hôn nhân không tồn tại khái niệm Chia sẻ
Nữ MC nọ giỏi giang theo chồng bỏ cuộc chơi, ngỡ tưởng toàn vẹn hạnh phúc thì đột ngột thông báo đã chia tay và lý do đó là: cô không nhận được sự sẻ chia từ người chồng trong hành trình làm vợ và làm mẹ. Cơn cớ từ những buổi tối 9h -10h tối đứng một mình rửa hàng chồng bát đĩa và những đêm vò võ thức trắng trông con còn người chồng như vẫn "sống một cuộc sống độc thân". "Ly hôn vì chồng không rửa bát giúp" thực ra chỉ là cái vỏ bọc, là phần nổi của tảng băng chìm. Thẳm sâu trong đó là những vần vũ vốn mang nhiều chấp niệm: là giải thoát bản thân khỏi một cuộc hôn nhân chỉ có sự "hy sinh của người phụ nữ", "sự đơn độc không được sẻ chia" và rời khỏi "một người chồng không có trách nhiệm".
Câu chuyện của nữ MC lại khiến tôi nhớ đến một người bạn lâu năm của mình. Cô ấy cũng đã li dị chồng chỉ vì suốt hai năm lấy nhau, chồng cô ấy chưa một lần vào bếp giúp vợ, kể cả khi vợ mang bầu đến gần ngày sinh. Cái ngày quyết định "bỏ chồng", cô ấy bảo tôi: Đàn ông Á Đông cho rằng vợ có Nghĩa Vụ phải làm mọi công việc nhà và có Quyền chỉ phải đi làm, được nghỉ ngơi khi thấy mệt. Vậy việc gì chúng ta phải lấy một người để phải làm thêm cả tá việc nhà, và không được nghỉ ngơi khi mệt.
Khắp cõi mạng bàn tán câu chuyện đàn ông rửa bát (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Nhưng có mấy người phụ nữ Việt Nam làm được như nữ MC nọ và cô bạn của tôi?
Và kể cả bản thân tôi dù chưa biến thành hành động như cô ấy, nhưng đã rất nhiều lần nghĩ về điều đó. Và tôi nghĩ có lẽ rất nhiều phụ nữ ít nhiều trong cuộc đời làm vợ của mình có vài lần muốn bỏ quách ông chồng ‘vừa lười vừa gia trưởng".
Phụ nữ Á Đông từ lâu mang nặng tư tưởng hy sinh cho chồng cho con, ôm đồm việc nhà và có nhiều người thậm chí nghĩ rằng, việc bếp núc là trách nhiệm của bản thân. Chính vì vậy nhiều đàn ông cứ đi làm về đến nhà là có thể khểnh chân nằm xem ti vi, đến bữa vợ gọi ra ăn cơm. Ăn cơm xong vợ dọn, đi rửa bát. Khi có con nhỏ, việc nội trợ gia đình đã nhân lên gấp nhiều lần. Nhiều "chị mẹ" một lúc chăm cả con lẫn chồng, vẫn đi làm kiếm tiền thậm chí còn nhiều hơn cả ông chồng. Và người ta gọi đó là những ‘nữ cường nhân’.
Danh xưng này khiến nhiều người nhầm tưởng có điều gì đó vẻ vang, đúng câu nói "Phụ nữ đảm việc nước giỏi việc nhà", nhưng thực ra đã ràng buộc một cách vô tình mọi gánh nặng lên vai người phụ nữ.
Vậy làm việc nhà có phải là Trách nhiệm của riêng người Phụ nữ?
Tất nhiên là không. Sự sẻ chia trong cuộc sống gia đình từ tinh thần đến vật chất và các công việc bếp núc chính là nền tảng để duy trì một gia đình hạnh phúc. Chưa bàn đến sẻ chia vật chất, thu nhập để lo các vấn đề tài chính, đôi khi một gia đình có sự phân chia rõ ràng về công việc nội trợ, bếp núc sẽ giúp người phụ nữ có thời gian dành cho bản thân nhiều hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự sẻ chia đó cũng là liều thuốc gắn kết giữa người Vợ và người Chồng. Hãy tưởng tượng một khung cảnh, cùng đi làm về, vợ vào bếp chuẩn bị bữa cơm, chồng giúp tắm rửa cho con. Cả hai cùng vừa làm vừa trò chuyện công việc, trao đổi việc học của con cái.
Xây dựng khái niệm phân phối nghĩa vụ lao động.
Theo nhà nghiên cứu truyền thông Nguyễn Thu Giang, ở Việt Nam, thay vì bảo người phụ nữ hãy từ bỏ vị trí chăm sóc của mình để giải phóng lao động, thì xã hội cần phải nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng của chăm sóc, và phân phối nghĩa vụ lao động này một cách đồng đều hơn.
Điều này có nghĩa là, hiện tại, phụ nữ cũng như nam giới đều phải đi làm việc kiếm thu nhập thì đồng nghĩa ở gia đình, việc chăm sóc nuôi dậy con cái, nội trợ, việc nhà sẽ được chia đều cho cả hai. Khi phân phối đồng đều giữa vai trò và trách nhiệm, sự phân biệt giới tính sẽ không còn quan trọng như trước nữa.
Đàn ông và phụ nữ có thể cùng san sẻ nhau chuyện bếp núc, việc nhà và chăm sóc gia đình, cùng lúc đó họ vẫn ra ngoài xã hội lao động theo nguyện vọng của mình.
Chăm lo gia đình, nuôi dậy con cái sẽ không còn là trách nhiệm "độc quyền" của một ai nữa, thậm chí tiến tới quan điểm người chồng, người đàn ông coi công việc gia đình là một phần của cuộc sống cũng như việc đi làm kiếm tiền. Khái niệm "chia sẻ việc nhà" hoặc "phụ giúp vợ làm việc nhà" sẽ được chia ở thì chủ động "làm việc nhà cùng với vợ".
Và khi ấy, người phụ nữ trong gia đình sẽ không phải gánh quá nhiều gánh nặng trên vai, họ sẽ có thời gian phấn đấu sự nghiệp như nam giới, họ cũng sẽ có thời gian dành cho bản thân. Việc chăm con và nội trợ gia đình sẽ trở thành công việc của hai người. Một gia đình được xây dựng trên nền tảng công bằng trách nhiệm sẽ khiến cho không ai cảm thấy mình "đơn độc" trong cuộc hôn nhân.