Cuối năm 2019, The Witcher bỗng chốc nổi đình nổi đám nhờ series truyền hình trên Netflix. Dựa trên bộ tiểu thuyết Ba Lan cùng tên của nhà văn Andrzej Sapkowski, đây được coi là series chuyển thể bằng tiếng Anh đầu tiên trên thế giới, và cũng là phiên bản truyền hình thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại. Khoảng 4 năm trước đó, witcher cũng đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng game thủ với siêu phẩm game nhập vai The Witcher 3: Wild Hunt của studio CD Projekt RED. Với sự xuất hiện của series nhà Netflix, doanh số của cả phiên bản game lẫn sách đều đã tăng cao với tốc độ chóng mặt và thiết lập nên hàng loạt kỷ lục mới.
The Witcher, bất kể là ở phiên bản nào đi nữa, đều cùng khán giả theo chân Geralt xứ Rivia - một thợ săn quái vật chuyên nghiệp đi khắp vùng đất Lục Địa để săn quái vật. Anh cũng như nhiều witcher khác, đã phải trải qua quá trình đột biến với tên gọi Trial of Grasses (riêng Geralt là 2 lần) để tăng cường mọi giác quan trong cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa và giúp miễn nhiễm với gần như mọi loại dịch bệnh, độc tố.
Để có thể đối đầu với những con quái vật hung bạo, witcher cần phải trải qua quá trình rèn luyện vất vả và đột biến cơ thể để trở nên mạnh mẽ hơn.
Dĩ nhiên, vì là 1 vũ trụ fantasy nên các siêu năng lực của witcher gần như là hư cấu, và nhà văn Andrzej Sapkowski có thể tùy ý “vẽ hươu vẽ vượn” gì cho nhân vật của mình cũng được. Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ khoa học, thì những năng lực này lại khá hợp lý và được xây dựng rất logic chứ không hề tùy tiện 1 chút nào. Kênh YouTube Because Science , hiện đang sở hữu 1,33 triệu lượt đăng ký, đã lý giải khá chi tiết gần như mọi đặc điểm đột biến trên cơ thể của 1 witcher, và vai trò của chúng trong việc giúp họ đi săn quái vật.
Quá trình đột biến Trial of Grasses thực chất chỉ là quy trình thay đổi gene trong cơ thể.
Đôi mắt mèo giúp witcher nhìn thấu màn đêm
Mặc dù witcher thường phải uống thêm thuốc tăng cường thị giác khi chiến đấu trong hang động hay những môi trường siêu tối, nhưng về cơ bản thì đôi mắt mèo của họ vốn đã tinh tường hơn con người rất nhiều rồi. Because Science cho biết mắt mèo có thể tăng cường khả năng cảm nhận ánh sáng yếu đến 44%. Điều đó cho phép chúng nhận dạng hình ảnh trong những môi trường sáng mà mắt người không thể quan sát được.
Witcher sở hữu cặp mắt tinh tường giống như loài mèo.
Ngoài ra, mắt mèo còn có tế bào sắc tố tapetum lucidem - một lớp mô mỏng đặt ở phía sau võng mạc. Ánh sáng sau khi đi vào mặt sẽ vượt qua võng mạc và chạm đến lớp tapetum lucidem này. Tuy nhiên, thay vì phản xạ lại 1 cách tán loạn, nó sẽ “đánh bật” ánh sáng quay trở lại theo đúng chiều đi vào. Điều đó sẽ giúp cho hình ảnh mà mắt thu được trở nên sắc nét, rõ ràng hơn ngay cả trong môi trường thiếu sáng, và cũng là nguyên nhân vì sao khi chúng ta chiếu đèn hoặc chụp ảnh, quay phim mèo khi trời tối, mắt của chúng sẽ rực sáng hơn bình thường. Sau khi đột biến, witcher thường có đôi mắt giống như loài mèo, với phần con ngươi thu hẹp lại.
Cơ chế hoạt động của tapetum lucidem được Because Science giải thích khá rõ ràng.
Con người chúng ta không có tapetum lucidem, vì thế để có thể trở thành witcher sẽ cần đến 1 quá trình thay đổi tế bào cực kì phức tạp.
Sức mạnh cơ bắp tuyệt vời
Because Science cho biết để Geralt, hay bất cứ witcher nào khác, đủ sức mạnh để chiến đấu với quái vật, họ cần đến mutagen - 1 thuật ngữ chỉ sự thay đổi, đột biến trong tế bào, DNA và gene của con người. Cơ thể con người là 1 cỗ máy phức tạp nhưng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Thế nên, mọi nỗ lực thay đổi bất kì 1 cấu trúc nào cũng sẽ gây tổn hại đến toàn bộ cơ thể, và nếu lạm dụng mutagen thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Đó là lý do vì sao chỉ 3/10 đứa trẻ có thể sống sót qua Trial of Grasses. Nhưng ngược lại, nếu đủ mạnh mẽ (và may mắn) vượt qua được, chúng sẽ sở hữu siêu năng lực vượt xa người thường.
Để có cơ bắp tuyệt vời, quá trình Trial of Grasses sẽ thay đổi gene MSTN để kích thích sản sinh protein myostatin trong cơ thể witcher.
Bên trong 1 nhiễm sắc thể của con người có chứa gene MSTN với khả năng mã hóa 1 loại protein có tên myostatin - có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khả năng tăng cơ. Việc thay đổi loại gene này có thể gây rối loạn quá trình gia tăng sức mạnh cơ bắp và tạo ra những người với thể hình đồ sộ bất thường. Because Science cho rằng việc sử dụng mutagen để thay đổi gene MSTN có thể tăng cường thể chất và giảm mỡ cơ thể, qua đó giúp witcher có 1 sức mạnh tuyệt vời để thực hiện các chuyến đi săn quái vật của mình.
Nền tảng thể lực siêu dẻo dai
Thế nhưng, chỉ mạnh thôi là chưa đủ, witcher còn cần phải có 1 thể lực sung mãn, dẻo dai để tiện cho việc chiến đấu cũng như hành tẩu giang hồ. Câu trả lời cho vấn đề này nằm ở thận với khả năng tiết ra 1 loại chất đặc biệt có tên ipoprotein để thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu. Để hiểu rõ hơn về điều này, trước hết chúng ta cần phải nhắc đến phổi - có chức năng đưa oxy vào các tế bào hồng cầu, sau đó kết hợp với các phân tử có tên hemoglobin và rồi lại truyền đi khắp cơ thể trong quá trình vận động.
Câu trả lời cho nền tảng thể lực sung mãn nằm ở số lượng hồng cầu bên trong cơ thể witcher.
Về cơ bản, càng có nhiều hồng cầu lưu thông, cơ thể con người càng nhận được oxy và có thể hoạt động thể chất tốt hơn, dai sức hơn, làm được nhiều công việc nặng hơn, như vung kiếm chém quái vật chẳng hạn. Vì vậy, nếu thận tạo ra nhiều ipoprotein để sản sinh nhiều hồng cầu hơn sẽ giúp phổi có thể bơm oxi nhiều hơn, thể lực của chúng ta cũng sẽ được nâng lên đáng kể. Trong thể thao, một số cầu thủ đã lạm dụng phương pháp này để vượt qua giới hạn bản thân và có được màn trình diễn tốt nhất (mà chúng ta vẫn thường biết đến với tên gọi doping máu). Dĩ nhiên, đây là hình thức bị cấm hoàn toàn trong thể thao chuyên nghiệp.
Khả năng chịu đòn và hồi phục vết thương siêu tốc.
Witcher có thể hồi phục 1 số vết thương nhỏ như đứt tay, bỏng hay những vết bầm tím trong 1 khoảng thời gian siêu ngắn. Và 1 lần nữa, chúng ta phải nhắc đến các bộ gene có vai trò “bảo dưỡng” cơ thể của con người. Tuy nhiên, khả năng tự phục hồi là 1 quá trình phức tạp, nếu chỉ đột biến 1 mã gene thôi là không đủ.
Khả năng tự phục hồi cơ thể không hề xa lạ trong thế giới phim truyện, nhưng để bước ra thực tế thì đó lại là 1 quá trình phức tạp tác động đến nhiều loại gene khác nhau.
Có rất nhiều yếu tố trong sự phát triển của cơ thể như sự phát triển của mạch máu nội mô, các hợp chất hóa học, các loại protein tham gia vào quá trình này. Và quá trình đột biến của witcher chính là để chúng ta có thể tạo ra nhiều loại chất như vậy, đẩy nhanh sự phục hồi sau những trận chiến cam go. Dĩ nhiên, không có gì là hoàn hảo cả, đó là vì sao Geralt và nhiều đồng môn khác thường sở hữu không ít vết sẹo trên gương mặt và cơ thể mình.
Quá trình lão hóa diễn ra siêu chậm
Trong phiên bản sách, game, Geralt hiện ra như 1 ông chú trung niên mới khoảng 40 - 50 tuổi thôi. Nhưng trên thực tế, anh đã ngót nghét 100 tuổi kể từ khi xuất hiện trong loạt truyện ngắn The Last Wish. Thời gian dường như không có nhiều tác động đối với ngoại hình và cơ thể của witcher.
Đối với 1 người bình thường, giả thuyết về sự lão hóa phổ biến nhất là khi chúng ta càng nhiều tuổi, cơ thể càng phải chịu nhiều tổn thương, quá trình phục hồi cũng chậm lại, hay thậm chí là ngừng hẳn lại, các tế bào, protein cũng dần thay đổi cho đến khi chúng ta qua đời. Because Science cho biết có rất nhiều cách để witcher có thể qua mặt thời gian và duy trì phong độ của mình. Tuy nhiên, họ chỉ muốn đề cập đến 1 giả thuyết, giống như những yếu tố trên: Thay đổi cấu trúc tế bào và gene.
Theo thời gian, cơ thể con người sẽ càng chịu nhiều tổn thương, và nếu hoạt động như 1 witcher chuyên nghiệp mà không qua đột biến thì có lẽ tuổi thọ của họ sẽ không được cao cho lắm.
Trước hết, bạn cần phải hiểu định nghĩa về free radicals (gốc tự do) - nguyên nhân gây ra mọi loại bệnh tật của con người. Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta có chứa hàng triệu phân tử, và mỗi phân tử lại mang nhiều loại hạt mang điện tích âm (electron), điện tích dương (proton) và không có điện tích (neutron). Trong đó, hạt electron lại có xu hướng “bỏ nhà đi bụi” khi dễ dàng tách khỏi phân tử, buộc phân tử này (gọi là gốc tự do) phải hút 1 hạt electron khác từ môi trường xung quanh.
Nghe thì có vẻ không có vấn đề gì lắm, nhưng tai hại cũng từ đấy mà ra. Sử dụng electron khác để thay thế khiến cho phân tử đó bị biến đổi và ảnh hưởng sang cả những phân tử lân cận, và từ đó gây ra nhiều căn bệnh khác nhau. Nguy hiểm hơn nữa, oxy chính là phân tử dễ bị mất electron nhất (oxy hóa) và khiến con người già đi theo thời gian.
Chúng ta già đi chủ yếu chính là do quá trình oxy hóa diễn ra bên trong cơ thể.
Giả thuyết mà Because Science đưa ra là Geralt cũng như các witcher khác đã đột biến cơ thể để ngăn chặn, hoặc làm chậm lại quá trình oxy hóa này (hay nói cách khác là giúp oxy trong cơ thể không bị mất electron). Về mặt lý thuyết, điều này hoàn toàn có thể giúp họ chống lại thời gian và nâng cao sức khỏe. Họ không hề bất tử, chắc chắn vẫn có 1 giới hạn nào đó về tuổi tác đang chờ đợi họ ở phía trước. Tuy nhiên, với mức độ nguy hiểm của sự nghiệp săn quái vật, hiếm có witcher nào có thể yên giấc ngàn thu trên chiếc giường êm ấm của mình.
Đó là những cơ sở khoa học mà Because Science đã đưa ra để lý giải cho cơ thể đột biến của Geralt. Rất tiếc, họ không để cập đến khả năng sử dụng phép thuật của witcher bởi có lẽ đây chỉ là 1 sản phẩm thuần túy của trí tưởng tượng, hoặc những kiến thức hiện tại của nhân loại chưa đủ để giải thích chúng. Bạn có thể theo dõi phần phân tích hoàn chỉnh của các YouTuber này trong đoạn video dưới đây.
Lý giải cơ thể và sức mạnh đột biến của witcher dưới góc nhìn khoa học.
Theo YouTube