Một vụ rò rỉ nitơ lỏng (LN2) tại một nhà máy gia cầm tại thành phố Gainesville, Đông Bắc bang Georgia (Mỹ) đã khiến 6 người thiệt mạng và 11 người bị thương, hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin hôm 28/1/2021.
Thực ra, nitơ và nitơ lỏng không hề hiếm và xa lạ với con người, nếu không nói là rất quen thuộc với chúng ta: Nitơ là nguyên tố rất phổ biến trên Trái Đất, chiếm 78% khí quyển hành tinh và là thành phần của mọi cơ thể sống; Nitơ lỏng (tức là khí nitơ được hóa lỏng ở nhiệt độ -196 độ C) được sử dụng phổ biến trong ngành bảo quản thực phẩm (như làm căng vỏ bao của lon nước, túi thực phẩm; hoặc làm lạnh siêu nhanh mà không tạo ra tinh thể đá) và hấp dẫn thực khách với các món "cocktail khói", "bỏng khói"... đầy ảo ảnh.
Một thiếu niên người Anh đã phải cắt bỏ dạ dày sau khi uống một ly cocktail khói có chứa nitơ lỏng. Theo các chuyên gia pha chế bậc thầy, thì người pha chế phải lắc nó quanh ly cho đến khi nó bốc hơi hoàn toàn trước khi rót vào thức uống.
Vậy tại sao nitơ lỏng lại có thể gây nguy hiểm chết người?
Đóng băng bất cứ thứ gì chạm vào
Theo Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh, khí nitơ được phát hiện vào năm 1772 bởi nhà hóa học, vật lý người Scotland Daniel Rutherford. Đây là một thành phần quan trọng của tất cả sự sống trên Trái Đất và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thực vật. Khi làm lạnh đến -196 độ C, khí nitơ chuyển thành chất lỏng cực lạnh, trơ, không ăn mòn, không cháy.
Các giáo sư người Ba Lan Zygmunt Wróblewski và Karol Olszewski trở thành những người đầu tiên hóa lỏng thành công nitơ vào năm 1883. Chỉ 15 năm sau, nhà khoa học người Anh James Dewar đã phát triển một hộp lưu trữ chất này, dùng làm nguyên mẫu cho các thùng chứa LN2 hiện đại.
Nhiều hệ thống làm lạnh quy mô lớn, như hệ thống được sử dụng tại nhà máy Foundation Food Group (ở Gainesville, Đông Bắc bang Georgia), dựa vào nitơ lỏng làm chất làm mát.
Nitơ lỏng đã trở thành một chất làm mát/lạnh phổ biến và cực nhanh chóng vì nó đóng băng gần như bất cứ thứ gì nó chạm vào.
Ngày nay, ngành y tế sử dụng nó để bảo quản máu và các tế bào sinh sản, trong số những thứ khác, để lưu trữ trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu và làm chất làm lạnh trong ngành thực phẩm và đồ uống.
Doanh nhân ẩm thực người Anh Agnes Marshall — được những người đương thời ở London thời Victoria tôn vinh là "Nữ hoàng của Ices" — được ghi nhận là người đầu tiên đề xuất sử dụng nitơ lỏng trong nhà bếp.
Nhiều nhà hàng cao cấp hiện nay sử dụng một lượng nhỏ nitơ lỏng để làm đông lạnh thực phẩm ngay lập tức và sáng tạo nên các món cocktail lạ mắt.
Đẹp mắt thì có đẹp nhưng nitơ lỏng lại tiềm ẩn nguy cơ chết người mà không phải ai cũng biết.
Khi nào thì nitơ lỏng biến thành "thần chết"?
Chỉ số UNID của nitơ lỏng là 1977 - Đây là mã gồm 4 chữ số do Liên Hợp Quốc cung cấp (United Nations Number), được sử dụng để xác định các loại hóa chất dễ cháy, có hại và có độc trong khuôn khổ của vận tải quốc tế. Điều này có nghĩa là, Liên Hợp Quốc công nhận nitơ lỏng là một chất nguy hiểm.
Liên Hợp Quốc công nhận nitơ lỏng là một chất nguy hiểm. Ảnh: Internet
Mặc dù là một chất làm mát thông thường, nhưng xử lý sai và sử dụng không đúng cách nitơ lỏng có thể dẫn đến hậu quả chết người. Khi nitơ lỏng rò rỉ vào không khí, nó sôi lên thành một khí trơ không màu, không mùi, chiếm chỗ của oxy trong không gian kín.
Do đó, con người không có giác quan nào có thể phát hiện ra sự hiện diện của nitơ. Vậy, nitơ lỏng có thể gây ra những hiểm họa gì?
1. Ngạt thở
Mặc dù nitơ không độc và trơ, nhưng nó có thể hoạt động như một chất làm ngạt đơn giản bằng cách chuyển oxy trong không khí xuống mức thấp hơn mức cần thiết để hỗ trợ sự sống.
Khi được làm ấm (rò rỉ, tiếp xúc với môi trường), nitơ lỏng bốc hơi và nở ra, tạo ra một đám mây lớn khí nitơ có thể thay thế oxy trong các phòng thông gió kém.
Mức độ ngạt sẽ xảy ra khi hàm lượng oxy của môi trường nhỏ hơn 20,9% thể tích. Ảnh hưởng do thiếu oxy trở nên đáng chú ý ở mức dưới ~18% và đột tử có thể xảy ra ở mức ~6% theo thể tích. Sự giảm hàm lượng oxy này có thể do sự cố/rò rỉ của bình đông lạnh.
Nhân viên, bao gồm cả nhân viên cứu hộ, không được vào các khu vực có nồng độ oxy dưới 19,5%, trừ khi được cung cấp thiết bị thở khép kín hoặc mặt nạ phòng độc.
Theo các chuyên gia thuộc Đại học bang Utah (Mỹ), hít phải lượng nitơ quá mức có thể gây chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, bất tỉnh và tử vong. Tử vong có thể do sai sót trong phán đoán, nhầm lẫn hoặc mất ý thức ngăn cản việc tự cứu mình. Ở nồng độ oxy thấp, bất tỉnh và tử vong có thể xảy ra trong vài giây.
Và vì là khí không mùi, không màu, trơ nên thường không có dấu hiệu cảnh báo nào cho biết đã xảy ra rò rỉ khí nitơ. Nhiều người thậm chí còn tử vong trước khi họ kịp nhận ra điều gì đang xảy ra.
2. Bỏng lạnh
Nitơ lỏng cũng có thể gây tổn thương mô nếu tiếp xúc với da trần trong thời gian dài. Nhiệt độ cực thấp của chất nitơ lỏng có thể gây tê cóng nghiêm trọng hoặc tổn thương mắt khi tiếp xúc.
Hình ảnh minh họa về bỏng lạnh. Ảnh: Internet
Các triệu chứng của tê cóng bao gồm thay đổi màu da thành trắng hoặc vàng xám và cơn đau sau khi tiếp xúc với nitơ lỏng có thể nhanh chóng giảm bớt (tê). Các vật dụng tiếp xúc với nitơ lỏng trở nên cực kỳ lạnh. Khi chạm vào những vật dụng này có thể bị rách thịt.
Do đó, nếu bất chấp nguy hiểm để "chơi" trò mạo hiểm là nhảy vào hồ nước chứa ni tơ lỏng thì: Nhẹ thì bạn bị bỏng lạnh. Nặng thì có thể ngạt khí và dẫn đến tử vong.
3. Nổ (áp suất)
Thông lượng nhiệt vào môi trường đông lạnh sẽ làm chất lỏng bốc hơi và có khả năng gây ra sự tích tụ áp suất trong các bình chứa đông lạnh. Khi nitơ lỏng hóa hơi nở ra theo hệ số 696 (tỷ lệ giãn nở lỏng-khí rất lớn), việc hóa hơi chất lỏng trong một bình chứa kín có thể gây ra hậu quả thảm khốc.
Lúc đó, nitơ lỏng hóa hơi trở thành một quả bom hoặc tên lửa nhỏ. Do đó, người ta cần phải cung cấp hệ thống giảm áp suất cho tất cả các bộ phận chứa nitơ lỏng để cho phép thoát khí thường xuyên và ngăn ngừa nổ.
Năm 2006, một sự cố trong phòng thí nghiệm tại Đại học Texas A&M ở College Station đã khiến một bình nitơ lỏng bắn xuyên qua trần nhà như một tên lửa. May mắn thay, không có ai bị thương.
4. Nổ (hóa chất)
Chất lỏng đông lạnh có nhiệt độ sôi thấp hơn nhiệt độ của oxy lỏng có thể ngưng tụ oxy từ khí quyển. Việc bổ sung lặp đi lặp lại có thể khiến oxy tích tụ như một chất gây ô nhiễm không mong muốn.
Sự làm giàu oxy tương tự có thể xảy ra khi không khí ngưng tụ tích tụ bên ngoài đường ống đông lạnh. Lúc đó sẽ tạo ra các phản ứng nguy hiểm, ví dụ như cháy nhanh hoặc nổ, nếu các vật liệu tiếp xúc với oxy dễ bắt lửa.
Sự cố ở bang Georgia (Mỹ) chỉ là vụ tai nạn mới nhất trong một loạt các vụ liên quan đến rò rỉ nitơ lỏng kinh hoàng. Đã có 14 người chết vì ngạt thở trong các sự cố liên quan đến nitơ lỏng từ năm 2012 đến năm 2020, theo Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ (OSHA).
Thực chất, nitơ lỏng đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp như: Sử dụng làm chất làm mát cho chất siêu dẫn, máy bơm chân không và các vật liệu và thiết bị khác; Che chắn vật liệu khỏi tiếp xúc với oxy; Làm mát vật liệu để gia công hoặc bẻ gãy dễ dàng hơn; Sử dụng trong liệu pháp áp lạnh để loại bỏ các bất thường về da...
Do đó, nếu biết sử dụng đúng cách và bảo quản an toàn bởi các chuyên gia thì nitơ lỏng là "trợ thủ" đắc lực cho con người trong các ứng dụng phục vụ đời sống khác nhau.
Bài viết sử dụng nguồn: Popularmechanics, Thoughtco, Research.usu.edu
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.