Luna-25 Nga đang phóng đến Mặt Trăng: Thấy gì khi cách Trái Đất 1 giây ánh sáng?

Trang Ly | 15-08-2023 - 10:54 AM

(Tổ Quốc) - Vài ngày sau khi cất cánh, tàu đổ bộ Mặt Trăng Luna-25 của Nga gửi về Trái Đất những bức ảnh và dữ liệu đầu tiên.

Tin tức mới nhất về sứ mệnh Mặt Trăng của Nga

Lunar-25 Nga đang phóng đến Mặt Trăng: Thấy gì khi cách Trái Đất 1 giây ánh sáng? - Ảnh 1.

Hình ảnh do tàu đổ bộ Luna-25 chụp trong chuyến bay lên Mặt Trăng vào ngày 13 tháng 8 năm 2023, từ khoảng cách khoảng 310.000 km tính từ Trái Đất. Nguồn: IKI RASNguồn: IKI RAS

Đây là những hình ảnh mới nhất của tàu đổ bộ Luna-25 của Nga thực hiện vào ngày 13/8 năm 2023 trong chuyến bay tới Mặt Trăng. Ngày 14/8, bức ảnh được Viện Nghiên cứu Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IKI RAS) công bố. 

Theo IKI RAS, những bức ảnh được chụp ở khoảng cách khoảng 310.000 km từ Trái Đất [khoảng cách này lớn hơn tốc độ của ánh sáng đi trong một giây - trong 1 giây, ánh sáng đi được khoảng 300.000 km]. Trong khi đó, Mặt Trăng cách Trái Đất trung bình khoảng 384.400 km.

Space.com thông tin, những hình ảnh này dường như đã xua tan những lo lắng này và chứng minh rằng tàu đổ bộ Luna-25 vẫn khỏe mạnh và đang trên đường đến đích trên Mặt Trăng.

"Tất cả các hệ thống của tàu đổ bộ đang hoạt động bình thường, liên lạc với trạm ổn định" -  IKI RAS cho biết.

Lunar-25 Nga đang phóng đến Mặt Trăng: Thấy gì khi cách Trái Đất 1 giây ánh sáng? - Ảnh 2.

Hình ảnh Trái Đất (khoanh tròn đỏ bên trái) và Mặt Trăng (phải) do tàu đổ bộ Luna-25 chụp trong chuyến bay lên Mặt Trăng vào ngày 13 tháng 8 năm 2023, từ khoảng cách khoảng 310.000 km tính từ Trái Đất. Nguồn: IKI RAS

Trước đó ngày 13/7, Reuters đưa tin, Nga đã bật các thiết bị khoa học trên tàu đổ bộ Mặt Trăng của mình và các nhà khoa học của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đã bắt đầu xử lý dữ liệu đầu tiên khi tàu vũ trụ tăng tốc về phía Mặt Trăng trong nỗ lực trở thành nước đầu tiên tìm thấy băng nước trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.

Sứ mệnh Luna-25 của Nga, sứ mệnh đầu tiên kể từ năm 1976, đang chạy đua với Ấn Độ - quốc gia đã phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng Chandrayaan-3 hồi tháng 7/2023, để hoàn thành một cuộc hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng, nơi các nhà khoa học nước này tin rằng có nước đóng băng.

Tên lửa Soyuz 2.1b mang theo tàu đổ bộ Mặt Trăng Luna-25 đã cất cánh từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng viễn đông Amur của Nga lúc 2:11 sáng thứ Sáu 11/8 theo giờ Moscow và được đẩy ra khỏi quỹ đạo Trái Đất 1 giờ sau đó.

Tàu mặt trăng của Nga bắt đầu xử lý dữ liệu đầu tiên - Ảnh 1.

Tên lửa đẩy Soyuz-2.1b với tầng trên Fregat và tàu vũ trụ hạ cánh xuống mặt trăng Luna-25 phóng từ bệ phóng tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng viễn đông Amur, Nga, ngày 11 tháng 8 năm 2023. Ảnh: Roscosmos/Vostochny Space Centre/Handout via REUTERS/File photo

Khi nó lao về phía Mặt Trăng, cách hành tinh của chúng ta 384.400 km, các thiết bị khoa học đã được bật lên với dữ liệu đầu tiên về chuyến bay được ghi lại, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết.

"Dữ liệu đo lường đầu tiên về chuyến bay tới Mặt Trăng đã được thu thập và nhóm khoa học của dự án đã bắt đầu xử lý nó. Hiện, tàu đổ bộ Luna-25 tiếp tục chuyến bay tới vệ tinh tự nhiên của Trái Đất - tất cả các hệ thống của trạm tự động đều hoạt động bình thường, liên lạc ổn định" - Roscosmos cho biết.

Tàu Luna-25, có kích thước gần bằng một chiếc ô tô nhỏ, sẽ hoạt động trong một năm ở cực Nam của Mặt Trăng, nơi các nhà khoa học tại NASA và các cơ quan vũ trụ khác trong những năm gần đây đã phát hiện dấu vết của nước đóng băng trong các miệng hố bị che khuất của khu vực.

Nga gửi gắm rất nhiều tham vọng trong sứ mệnh Luna-25, bởi: Nếu sứ mệnh thành công, Nga cho thấy tiềm lực không gian của mình không bị ảnh hưởng bởi thời cuộc. Nhưng nếu sứ mệnh thất bại, một lần nữa câu hỏi về tham vọng không gian của Nga sau nhiều thập kỷ cạnh tranh không gian với Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh lại dấy lên.

photo-1

Tàu đổ bộ Mặt Trăng Luna-25 của Nga. Ảnh: Sputnik

Phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đã nổi tiếng vào năm 1969 vì là người đầu tiên đi bộ trên Mặt Trăng, nhưng Liên Xô (cùng sứ mệnh Luna-2) mới là quốc gia đầu tiên đưa tàu vũ trụ tiếp cận bề mặt của Mặt Trăng vào năm 1959, và sứ mệnh Luna-9 năm 1966 của nước này là sứ mệnh đầu tiên hạ cánh ở vệ tinh tự nhiên này.

Sau khi Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chiến đưa con người lên Mặt Trăng, Moscow khi đó tập trung vào việc khám phá sao Hỏa và kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Nga đã không phóng các tàu thăm dò khoa học ở bên ngoài quỹ đạo Trái Đất.

Nga cho biết hôm 11/8 rằng họ sẽ khởi động các sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo và sau đó khám phá khả năng thực hiện một sứ mệnh phi hành đoàn chung giữa Nga và Trung Quốc; thậm chí là một căn cứ trên Mặt Trăng có người ở.

Tin tức mới nhất về tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ

Trong diễn biến liên quan, sau khi phóng vào ngày 14/7/20223, sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng mới nhất của Ấn Độ Chandrayaan-3 đã đi vào quỹ đạo mặt trăng vào ngày 5/8/2023. Ngày 9/8, tàu tiếp tục di chuyển gần hơn tới bề mặt Mặt Trăng. 

photo-1

Sau khi phóng đi vào ngày 14 tháng 7, Chandrayaan-3 sẽ thực hiện một cuộc hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng vào ngày 23/8. Ảnh: Businesstoday.in

Kể từ khi đi vào quỹ đạo Mặt Trăng, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã thực hiện một loạt các cuộc diễn tập trên quỹ đạo. Cuộc diễn tập giảm quỹ đạo tiếp theo để đưa tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đến gần bề mặt Mặt Trăng được lên kế hoạch vào ngày 14/8, từ 11:30 sáng đến 12:30 chiều. 

Theo Sreedhara Panicker Somanath - Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), sứ mệnh Chandrayaan-3 nhằm thực hiện một cuộc hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng vào ngày 23/8.

ISRO có 3 mục tiêu với nhiệm vụ Chandrayaan-3: Giúp tàu đổ bộ hạ cánh an toàn và nhẹ nhàng trên bề mặt Mặt Trăng; Quan sát và chứng minh khả năng hiện diện của tàu thăm dò trên Mặt Trăng tiếp thep; Đồng thời quan sát tại chỗ và thực hiện các thí nghiệm trên các vật liệu có sẵn trên bề mặt Mặt Trăng để hiểu thành phần của Mặt Trăng.

Nếu Chandrayaan-3 có thể hạ cánh suôn sẻ trên bề mặt Mặt Trăng, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới đạt được thành tích phi thường này. Với điều này, Ấn Độ sẽ tham gia cùng với Mỹ, Liên Xô/Nga và Trung Quốc trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.

Nguồn: Reuters, Businesstoday.in, Space.com

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM