Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy, những hoạt động địa chất phức tạp của các mảng kiến tạo xung quanh châu Phi, vốn đang di chuyển dần xa nhau ra, sẽ phân tách châu lục này thành hai phần. Theo đó, quá trình sẽ diễn trong ra trong một thời gian rất dài, lên tới hàng triệu năm, với 'cái kết' là một phần của Đông Phi sẽ tách khỏi phần còn lại của lục địa, tạo ra một đại dương mới hình thành giữa 2 mảng kiến tạo.
Theo IFL Science, sự phân tách này có liên quan đến Hệ thống rạn nứt Đông Phi (East African Rift - EARS), một trong những rạn nứt lớn nhất trên thế giới khi trải dài hàng nghìn km, đi qua lãnh thổ một số quốc gia ở Châu Phi, bao gồm Ethiopia, Kenya, Cộng hòa Dân chủ Congo, Uganda, Rwanda, Burundi, Zambia, Tanzania, Malawi và Mozambique.
Theo một nghiên cứu năm 2004, Hệ thống rạn nứt Đông Phi cho thấy là lục địa châu Phi đang tách thành hai mảng kiến tạo - mảng Somalia nhỏ hơn và mảng Nubian lớn hơn. Cả 2 mảng kiến tạo đang kéo ra xa nhau với tốc độ chậm chạp, khoảng vài milimét mỗi năm. Mặc dù tốc độ di chuyển của các mảng địa chất là rất chậm, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng một sự thay đổi về địa chất sẽ diễn ra.
Vào thời điểm năm 2018, tin tức về một vết nứt xuất hiện ở Kenya đã lan truyền nhanh chóng. Nhiều người cho rằng, đây là bằng chứng về việc châu Phi đang bị tách ra làm đôi ngay trước mắt chúng ta. Mặc dù cảnh tượng đáng kinh ngạc này có liên quan đến EARS, tuy nhiên, đây khó có thể coi là bằng chứng trực tiếp về sự phân tách lớn của Châu Phi.
Thay vào đó, đây có thể chỉ là một biểu hiện mang tính cục bộ của hoạt động địa chất tại khu vực này, vốn diễn ra khá thường xuyên. Trong khi đó, quá trình đứt gãy của EARS thực chất đã bắt đầu từ 25 triệu năm trước, ở quy mô lớn hơn nhiều. Nói cách khác, vết nứt ở Kenya là một "lời thì thầm gián tiếp" về những gì đang xảy ra trên lục địa.
Tuy nhiên, trong 5 triệu đến 10 triệu năm nữa, những thay đổi trong EARS có thể dẫn đến một thế giới với hình dạng các lục địa khác hẳn hiện tại.
Trong khoảng thời gian này, chúng ta có thể sẽ thấy một dạng đại dương mới giữa mảng kiến tạo Somalia và mảng kiến tạo Nubian. Lục địa châu Phi vĩ đại sẽ mất đi 'bờ vai' phía đông và một vùng biển rộng lớn sẽ chia cắt Đông Phi.
Cũng phải nói thêm rằng, sự thay đổi và di chuyển của các mảng kiến tạo hay lục địa là điều luôn luôn diễn ra kể từ khi Trái Đất hình thành. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm đến mức, chúng ta khó có thể cảm nhận được rõ ràng.
Thạch quyển của Trái Đất (gồm lớp vỏ và phần trên cùng của lớp phủ) chia thành nhiều mảng kiến tạo, với tổng cộng 16 mảng kiến tạo lớn, vốn có kích thước khổng lồ cùng hình dạng không đều. Những mảng kiến tạo này không ổn định mà di chuyển tương đối với nhau ở tốc độ khác nhau,"trượt" trên quyển mềm. Cơ chế chính xác phía sau chuyển động của chúng vẫn là chủ đề gây tranh cãi, nhưng chắc chắn có liên quan đến những dòng đối lưu bên trong quyển mềm và lực sinh ra ở ranh giới giữa các mảng.
Đất và biển mà chúng ta thấy ngày nay – của Á-Âu, Châu Mỹ, Châu Phi , Châu Nam Cực và Châu Đại Dương – là sản phẩm của các mảng kiến tạo rộng lớn nối với nhau như một trò chơi ghép hình. Tuy nhiên, dù rất chậm, những miếng 'ghép hình' này vẫn đang di chuyển xung quanh trong khoảng thời gian hàng triệu năm.
Thực tế, nếu nhìn vào bản đồ thế giới hiện tại, chúng ta sẽ thấy được một phần dấu vết của sự phân tách diễn ra 138 triệu năm trước, khi lục địa Nam Mỹ và Châu Phi tách ra. Theo đó, bạn sẽ nhận thấy chúng khớp với nhau như hai mảnh ghép hình, cho thấy một quá khứ khi 2 lục địa này từng được nối làm một.
Với riêng Châu Phi, trong 30 triệu năm qua, mảng Arabian ngày càng trượt xa khỏi châu Phi. Kết quả của quá trình này tạo ra Biển Đỏ và Vịnh Aden giữa châu Phi và bán đảo Ả Rập.
Tất nhiên, sự dịch chuyển của các vùng đất thường xảy ra rất chậm. Mặc dù vậy, những tiến bộ về công nghệ của các thiết bị GPS đã cách mạng hóa lĩnh vực nghiên cứu địa chất, cho phép các nhà khoa học thực hiện các phép đo chính xác về cách các mảng kiến tạo di chuyển theo thời gian thực
Tham khảo IFL Science