Cho phép con cái sở hữu các sản phẩm công nghệ là một vấn đề làm đau đầu nhiều bậc phụ huynh thời hiện đại. Làm thế nào để giúp trẻ tránh khỏi chứng “nghiện smartphone”? Làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi những nội dung xấu trên Internet?... và còn nhiều nỗi lo khác.
Vài năm trước, Jennifer Zhu Scott đã phải đối mặt với những vấn đề này khi cô và chồng quyết định cho hai cô con gái của mình sử dụng điện thoại thông minh. Là một nhà chuyên gia công nghệ, Zhu hiểu rõ những mối nguy hại mà các con có thể đối mặt, như việc lộ thông tin cá nhân nhạy cảm, bị bắt nạt trên mạng xã hội hay tiếp xúc với các nội dung độc hại.
Để giải quyết vấn đề này, Zhu đã đưa một giải pháp độc đáo: các con của cô phải ký một bản thỏa thuận, trong đó chỉ rõ điều kiện sử dụng và những giới hạn mà các con cô phải tuân thủ khi sử dụng chiếc điện thoại thông minh. Bằng cách này, Zhu muốn nhấn mạnh cho các con hiểu rằng “Một chiếc điện thoại thông minh không phải là một món đồ chơi. Nếu sử dụng sai cách, nó có thể trở thành vũ khí làm hại chính mình và những người xung quanh!” và do đó Zhu hi vọng các con mình được chuẩn bị để sử dụng công nghệ một cách lành mạnh, thông minh.
Nội dung bản thỏa thuận được Zhu xây dựng dựa trên chính kinh nghiệm làm việc của mình trong lĩnh vực công nghệ. Dưới đây là những điểm quan trọng mà cô hi vọng các bậc phụ huynh chuẩn bị cho con mình trước khi trao cho chúng quyền sử dụng công nghệ.
Trong thế giới công nghệ, thông tin cá nhân là tài sản có giá trị lớn nhất
Mọi thông tin chúng ta đăng tải lên Internet sẽ không còn chịu sự kiểm soát của chúng ta nữa. Các công ty công nghệ sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để định hướng nội dung, quảng cáo và đưa ra gợi ý, từ đó gián tiếp kiểm soát suy nghĩ của người dùng.
Vì vậy, Zhu nhấn mạnh rằng trẻ cần biết được rằng không nên trao đi thông tin cá nhân của mình một cách dễ dãi. Cô gợi ý cha mẹ nên kiểm soát bằng cách yêu cầu trẻ thông báo cho mình trước khi điền thông tin cá nhân cho bất cứ nguồn nào, dù là khảo sát online, đăng kí app hay website.
Suy nghĩ kĩ càng trước khi đăng tải nội dung lên mạng xã hội
Một khi được đăng tải lên Internet, mọi hình ảnh, video, lời nói, phát ngôn của chúng ta sẽ được đọc, được chia sẻ và được lưu trữ bởi hàng triệu người khác. Không ai biết được chúng sẽ rơi vào tay ai và được sử dụng như thế nào. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, những dữ liệu này có thể dễ dàng được chỉnh sửa, cắt ghép để phục vụ cho những mục đích riêng.
Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần định hướng rõ cho con mình biết những nội dung gì nên và không nên đăng tải lên mạng xã hội. Zhu muốn các con mình tự đặt câu hỏi mỗi khi định post một điều gì đó lên mạng xã hội: “Liệu 10 năm nữa mình sẽ thấy thế nào khi đọc lại điều này?” Phần lớn chúng ta khi nhìn lại những điều mình từng viết cách đây vài năm đều cảm thấy ngớ ngẩn, đôi khi là xấu hổ và không muốn bị ai nhắc lại. Vậy tại sao không cẩn trọng với quyết định của mình ngay từ bây giờ để không phải hối hận trong tương lai?
Cẩn trọng khi phát tán tin tức
Trong thế giới công nghệ, vấn đề bảo mật vẫn luôn là một lỗ hổng. Một khi bạn quyết định gửi đi một thông tin nào đó, thông tin ấy có thể được truyền đến những người mà bạn không biết chỉ bằng một cú click forward hay một bức ảnh chụp màn hình. Kể cả khi bạn chỉ gửi cho những người bạn tin tưởng thì tài khoản của họ cũng có thể bị hack và lấy cắp dữ liệu.
Trong bản thỏa thuận của mình, Zhu yêu cầu các con cần cân nhắc kĩ trước khi gửi đi một nội dung nào đó và suy nghĩ về hậu quả nếu thông tin đó bị lộ ra, dù là đối với cá nhân mình hay đối với người khác.
“Khi bạn online, hãy cư xử giống như khi bạn đang ở trong thế giới thật”, đó là thông điệp Zhu muốn nhắn nhủ. Màn hình điện thoại cho chúng ta quyền lực được vô hình và trốn tránh trách nhiệm với hành vi mình gây ra. Rất nhiều người tham gia các trò bắt nạt trên mạng, phát tán tin tức giả, nói xấu người khác trên mạng dù ngoài đời thực họ không dám làm như thế. Dù bạn ở trong thế giới ảo, bạn vẫn phải sống có trách nhiệm như con người của bạn ở thế giới thật.
Tạo thói quen sử dụng công nghệ lành mạnh
Để tránh các con sa đà vào chứng nghiện smartphone, Zhu quyết định rằng cần thiết lập cho con thói quen lành mạnh ngay từ đầu. Trong bản thỏa thuận, các con của Zhu đồng ý không nhắn tin khi đang làm việc khác, ví dụ như khi ở trong lớp học hay khi đang trò chuyện với người khác.
Ngoài ra, Zhu cũng giới hạn khoảng thời gian sử dụng điện thoại của hai con vào buổi sáng sớm và buổi tối một cách nghiêm ngặt. Điều này đảm bảo trẻ sẽ không có thói quen kiểm tra điện thoại ngay khi mới tỉnh dậy hay nằm hàng giờ trên giường lướt điện thoại thay vì đi ngủ.
Cuối cùng: Cha mẹ cũng nên là người làm gương
Các bậc cha mẹ cũng bước vào thế giới công nghệ mà không được chuẩn bị gì hết. Nhiều người trong số chúng ta cũng có những thói quen không lành mạnh khi sử dụng công nghệ, nhưng những điều Zhu đề cập ở trên hoàn toàn có thể áp dụng với bất kì ai để thay đổi thói quen sử dụng công nghệ của mình. Bằng cách thực hành những điều này, cha mẹ không chỉ tạo thành tấm gương cho con cái, mà còn giúp chính mình trở thành một người sử dụng công nghệ thông minh hơn.