Vừa mới ra mắt, bộ phim “Giao lộ 8675” đã gây xôn xao làn sóng điện ảnh Việt. Mang màu sắc đa dạng bởi những câu chuyện về cuộc hành trình đầy thách thức của các bạn trẻ, “Giao Lộ 8675 còn đưa khán giả vào chuyến phiêu lưu độc đáo khám phá vẻ đẹp và văn hóa của Việt Nam từ Bắc chí Nam. Với sự kết hợp giữa các yếu tố đặc trưng vùng miền cùng lối diễn xuất đặc sắc của các nhân vật, bộ phim mang đến một trải nghiệm giải trí độc đáo, thú vị và ý nghĩa về quê hương.
Võ sĩ quyền anh hiếu chiến khuất phục trước bún tôm Bình Định
Nếu bạn biết đến Bình Định với vùng đất hào hùng, sử thi, nơi có những vùng biển đẹp nức tiếng thì chắc hẳn nền ẩm thực nơi đây cũng phải đặc sắc vô cùng. Trong bộ phim, nhân vật không chỉ mang đến hình ảnh một “hòn ngọc Viễn Đông” vừa quen vừa lạ, vừa hiện đại nhưng không kém phần bình dị, đáng yêu. Ở đó, nhân vật được thưởng thức những món ngon đặc sản của Bình Định đó chính là bún tôm.
Tô bún tôm tuy giản dị nhưng lại là món ngon của người dân xứ Nẫu.
Người Bình Định thường lựa chọn các món ăn thanh đạm như bún lươn, bún rạm, bún tôm và trong đó, bún tôm là món ăn được lòng hầu hết người dân nơi đây. Bún được đặc tả bởi sự tươi ngon của nguyên liệu, phải là con tôm đất được đánh bắt ngoài đầm mang về giã nhuyễn, nêm nếm vừa vị.
Còn bún tự ép bằng máy, khách gọi món quán mới lấy bột gạo ép thành sợi, trụng chín trong nước sôi. Thoạt nhìn, tô bún tôm trông có vẻ "nhạt nhẽo" vì nguyên liệu đơn giản nhưng hương vị lại rất đậm đà. Điều đặc biệt là bún tôm ở Bình Định có thể ăn kèm với bánh tráng nướng giòn và rau sống các loại. Khi thưởng thức bún tôm, thực khách cảm nhận được độ ngọt của thịt tôm, mùi thơm của gạo hòa trong nước dùng nóng đậm đà.
Công đoạn tạo ra một bát bún rất cầu kỳ nhưng lại hấp dẫn vô cùng.
Vị “tổng tài” mê hoặc hương vị tuổi thơ dân dã giữa Sài Gòn hoa lệ
Tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh qua câu chuyện lãng mạn giữa "tổng tài" cuồng công việc đã lâu chưa trở về Việt Nam và cô gái xinh đẹp khiến anh rung động. Khi ở TP.HCM, cả 2 nhân vật cùng nhau đi trải nghiệm một Sài Gòn mới lạ. Rất nhiều các chi tiết khiến người xem cảm thấy thân thuộc và thích thú khi lên phim lại mang nét đẹp điện ảnh như vậy. Nhất là các món ăn dân dã, quen thuộc, chẳng hạn như bánh ống lá dứa, cơm tấm.
Bánh ống lá dứa
Đúng như cái tên, bánh này được làm trong ống, trước đây là khuôn ống bằng tre, bây giờ là những ống nhôm hoặc inox. Chỉ cần đổ bột tơi xốp vào cái ống với que tre đặt ở giữa, chỉ chừng vài phút bánh đã chín, rút ra nóng hổi. Những ai đã ăn bánh ống một lần thì sẽ nhớ mãi hương thơm lá dứa không chỉ bởi màu xanh đẹp mắt mà còn ở vị béo ngậy ngon khó cưỡng. Bánh ống lá dứa phải ăn nóng mới ngon, bởi khi đó vị béo ngậy từ dừa nạo hòa lẫn với phần bột bánh và muối mè như tan chảy ra trong miệng... Một điểm xuyến đầy thi vị trong những ngày mưa của Sài Gòn.
Món bánh ống lá dứa thơm ngát, đầy ắp hương vị tuổi thơ.
Cơm tấm
Cơm tấm chính là một nét đặc trưng của ẩm thực Sài Thành. “Giao lộ 8675” đã lột tả được vẻ đẹp ấy qua thước phim thưởng thức cơm tấm lề đường của đôi bạn trẻ. Tuy chỉ là món dân dã nhưng cơm tấm hiện lên đầy mê hoặc với những cảnh chế biến công phu.
Dĩa cơm tấm ngon khó cưỡng trên màn ảnh Việt.
Từ những hạt cơm tấm nóng hổi, được nấu bằng nồi gang hoặc nồi đất và đun bằng củi. Ăn kèm với cơm tấm thì món truyền thống và ngon nhất phải kể đến bộ ba "sườn - bì - chả". Những miếng sườn được tẩm ướp gia vị, nướng trên than hồng, thịt vàng ươm tỏa mùi thơm khó cưỡng. Bổ sung đồ chua, nước sốt mỡ hành béo ngậy cùng chén nước mắm chua ngọt đậm đà để món ăn thêm tròn vị.
Trải nghiệm có 1-0-2 với đặc sản gỏi cá nhệch của chàng ca sĩ tại Ninh Bình
Đến với Ninh Bình để tìm lại nguồn cảm hứng mới, chàng ca sĩ Leon (Issac thủ vai) đã có hành trình kết nối với chính mình khi được du ngoạn và thưởng thức những đặc sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Điểm đặc biệt là ngoài món dê nướng quá đỗi quen thuộc của vùng đất Ninh Bình thì một món ăn đặc sản không phải ai cũng biết đến của vùng đất này chính là món gỏi cá nhệch.
Gỏi cá nhệch Ninh Bình không chỉ sở hữu hương vị thơm ngon mà còn có cách thưởng thức khá độc đáo. Cá nhệch da rất trơn, vì thế mà quá trình đánh bắt cũng không được dễ dàng. Từ trong phim đến ngoài đời thực thì món ăn này đều được chế biến vô cùng kỳ công. Để món ăn không bị tanh thì ngay sau khi bắt về, người nấu sẽ cho nước vôi, lá tre, nước tro để tuốt hết chất nhờn ở trên da cá. Tiếp đến sẽ mổ cá từ sống lưng giống mổ lươn để lấy xương. Thịt cá tươi sẽ được cắt thành từng lát nhỏ. Phần thính sẽ dùng nguyên liệu chính là gạo nếp giã nhỏ, rang lên để có mùi thơm bùi. Sau đó trộn thịt cá với thính để cho thịt thơm. Tiếp đến lấy da cá rán giòn lên để cuốn chung với gỏi.
Gỏi cá nhệch Ninh Bình có cách ăn rất đặc biệt không giống ở những nơi khác. Khi ăn, thực khách cần lấy lá sung, bánh tẻ hoặc lá ổi làm vỏ đựng, sau đó xếp lá bọc cách, là mùi tàu, lá mơ, rau má, đinh lăng, rau quế, bạc hà,... lên rồi cuốn thành hình phễu rồi nhồi gỏi cá vào ở giữa, tưới nước chẻo lên trên cùng, cuối cùng sẽ rắc hành khô, ớt, riềng để thưởng thức. Món ăn này có vị thơm đặc trưng rất khó quên.
Quả thực “Giao lộ 8675” đã đưa du khách khám phá ẩm thực độc đáo từ Bắc chí Nam. Đi kèm các phân cảnh này là lời dẫn truyện, giúp người xem hiểu rõ về nét tinh túy của món ăn. Có thể nói ẩm thực là một loại ngôn ngữ có kết nối đặc biệt giữa điện ảnh và khán giả. Bởi ai mà chẳng thích ăn ngon, nhìn món ăn đẹp. Việc món ăn Việt xuất hiện trong điện ảnh nước nhà không chỉ nhằm thỏa mãn ý đồ nghệ thuật, mà còn là một phương thức truyền bá văn hóa hiệu quả với rất nhiều tiềm năng và hứa hẹn trong tương lai.