Apollo là con lai của sư tử đực và hổ cái - do đó có tên là liger. Liger khác với tigon - những con được sinh ra bởi một con sư tử cái và một con hổ đực - vì chúng có xu hướng phát triển kích thước lớn hơn nhiều so với bố mẹ của mình. Chúng lớn đến mức có thể so sánh được với những con hổ răng kiếm thời tiền sử.
Cả liger và tigon đều có những khiếm khuyết do hậu quả sự can thiệp của con người. Đó là thường phải sinh non, sống thường không quá 12 tuần tuổi. Một số con sống lâu hơn cũng không quá 10 năm tuổi (tuổi thọ trung bình trong tự nhiên của hổ là 10-15, sư tử là 10-12 năm, trong trường hợp nuôi nhốt trên 20 năm) và thường gặp một số vấn đề như khuyết tật thần kinh, viêm khớp, còi xương, hệ miễn dịch kém, trầm cảm, không có khả năng sinh sản...
Lịch sử của sự lai tạo giữa sư tử và hổ được ghi nhận sớm nhất là vào đầu thế kỷ 19 ở Ấn Độ. Trên thực tế, hai loài hổ và sư tử sống tách biệt trong tự nhiên nên con lai của chúng chỉ được tìm thấy trong môi trường nuôi nhốt. Hiện tại, có ít hơn 1.000 liger trên thế giới.
Ngay cả trong số những đứa con lai của hai loài này, Apollo vẫn được coi là một cá thể hiếm có. Nó và ba cá thể anh em của mình là những liger cái trắng đầu tiên trên thế giới, được sinh ra bởi một con sư tử đực trắng và một con hổ cái trắng vào tháng 12 năm 2013.
Hồi đó, Apollo là con nhỏ nhất trong số bốn con cùng đàn và theo chủ nhân của nó, nó cư xử giống một chú mèo con hơn là hổ và sư tử, nó kêu rừ rừ và luôn đòi được vuốt ve.
Hổ răng kiếm là một trong những loài săn mồi hung tợn nhất Trái đất vào thời kỳ Kỷ Băng Hà, cách nay từ 3 triệu - 10.000 năm trước ở châu Mỹ. Sở hữu cặp răng nanh dài đến 25cm cùng những móng vuốt sắc nhọn, hổ răng kiếm là nỗi lo sợ đối với nhiều loài động vật sống trong thời kỳ này.
Hổ răng kiếm bắt đầu đánh dấu thời kỳ tuyệt chủng vào khoảng năm 10.000 TCN. Hiện nay, có nhiều giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra về nguyên nhân tuyệt chủng của loài hổ răng kiếm.
Một bộ phận các nhà khoa học cho rằng, sự vươn lên của loài người tiền sử là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, việc chấm dứt Kỷ Băng Hà đã thu hẹp môi trường sống làm thay đổi thảm thực vật và đẩy loài hổ răng kiếm vào bờ vực tuyệt chủng.
Tham khảo: Earthlymission; Sina; ZME