Loài chim Regent honeyeater đã từng được phát hiện thường xuyên trên khắp miền đông nam nước Úc, nhưng ngày nay loài này lại đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Cho tới này, chỉ còn 300 cá thể được cho là còn tồn tại trên toàn thế giới. Chúng cũng được biết đến với sự phức tạp trong các "bài hát" giao phối, nhưng khi số lượng của chúng bắt đầu giảm dần, các nhà điểu học bắt đầu nhận thấy sự phức tạp này giảm dần, đến mức những con chim trống thậm chí không còn hót giống như loài của chúng trước đây. Ngày nay, có rất nhiều bằng chứng cho thấy những con chim Regent honeyeater đã quên mất cách hót, điều này có thể khiến toàn bộ loài này tuyệt chủng.
Có những thời điểm, các nhà điểu học Australia nhận thấy rằng những con Regent honeyeater trống đang bắt chước tiếng hót của các loài chim khác, như chim họa mi, chim cuckooshrikes, nhưng họ không đưa ra lời giải thích tại sao điều đó lại xảy ra. Một số chuyên gia tin rằng việc bắt chước được coi là một chiến lược có chủ ý để tránh bị tấn công bởi những con chim lớn hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy ngược lại.
Tiến sĩ Ross Crates, nhà sinh thái học tại Trường Môi trường Fenner và là tác giả của nghiên cứu cho biết: "Những con chim tội nghiệp này không có cơ hội để học những gì chúng nên hót. Chúng không có cơ hội để giao lưu với những con chim khác cùng loài và học hỏi từ tiếng hót của chúng".
Những con chim Regent honeyeater non thường học theo cách hót từ các thành viên trưởng thành trong loài của chúng, giống như con người học nói, nhưng vì số lượng của chúng còn quá ít mà khoảng không gian sống lại quá rộng lớn, nhiều con trống non không thể nghe được tiếng hót của những con trưởng thành, vì vậy chúng bắt đầu sử dụng và học theo tiếng hót của những loài chim khác. Và vấn đề là những tiếng hót ấy không phải là thứ có thể thu hút được những con chim mái, vì vậy cơ hội tìm kiếm được bạn đời của chúng là rất mong manh.
Hơn nữa loài này cũng có một số đặc tính vô cùng kỳ lạ, khi những con chim non bắt đầu nở ra, chim bố và chim mẹ thường có xu hướng rất yên tĩnh, điều này là để tránh sự chú ý của những kẻ săn mồi. Vì vậy những con chim non sẽ bắt đầu học tiếng hót của loài mình khi chúng rời tổ, bằng cách lắng nghe những con chim trưởng thành hót và bắt chước chúng. Nhưng bởi vì số lượng của chúng còn lại rất ít, bởi vậy chúng không thể nghe thấy những con chim khác cùng loài của chúng trong tự nhiên.
Tiến sĩ Crates nói: "Chúng rất hiếm và diện tích lãnh thổ của chúng lớn đến mức có thể gấp 10 lần diện tích của Vương quốc Anh, bởi vậy việc tìm được những cá thể cùng loài trong khu vực nhỏ dường như là việc mò kim trong đáy bể và hiện nay chúng buộc phải học theo tiếng hót của các loài chim khác".