Với nguồn tài nguyên độc đáo, tỉnh Lào Cai là điểm sáng về du lịch nội địa trong thời gian gần đây. Lào Cai đã thành công trong việc thu hút khách quốc tế từ các thị trường Tây Âu (Pháp, Đức, Hà Lan,…), Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN (Thái Lan, Singapore. Malaysia) và khách nội địa từ các địa phương trong cả nước, đặc biệt từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Hồng đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, chinh phục đỉnh cao. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng du lịch giai đoạn 2000-2019 đạt 18,3% (giai đoạn 2010 - 2019 là 22%). Năm 2019, Lào Cai đón trên 5,1 triệu lượt khách (806.000 lượt khách quốc tế), thu nhập từ du lịch đạt 19.203 tỷ đồng.
Đến năm 2020, Lào Cai đã thu hút được trên 40 dự án đầu tư lớn vào du lịch, với tổng mức đầu tư trên 50.000 tỷ đồng, tiêu biểu là các dự án: Cáp treo Fansipan (4.400 tỷ đồng), Công viên văn hóa Mường Hoa (4.700 tỷ đồng), khu Công viên vui chơi giải trí Bản Qua (trên 1.000 tỷ đồng)…
Chia sẻ trên Báo Lào Cai, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở du lịch Lào Cai cho biết: “Thành công lớn nhất là Lào Cai đã trở thành điểm đến hàng đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế với 21,8% vào GRDP, lao động trong lĩnh vực du lịch chiếm 4,4% dân số trong độ tuổi.”
Tuy nhiên để du lịch Lào Cai phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế, việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch Lào Cai là vô cùng cần thiết. Theo đó tầm nhìn của du lịch Lào Cai được xác định: “Đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”.
Trên cơ sở xác định không gian phát triển, 5 định hướng phát triển du lịch Lào Cai được xác lập. Bao gồm:
Định hướng phát triển sản phẩm - thị trường: Ưu tiên các sản phẩm đặc thù (Lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp; thể thao mạo hiểm; văn hóa – cộng đồng; sinh thái; nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, MICE, mua sắm gắn với kinh tế cửa khẩu, du lịch hoa). Tập trung khai thác thị trường nội địa và thu hút thị trường Đông Bắc Á, ASEAN.
Định hướng phát triển thương hiệu và xúc tiến quảng bá: Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên lợi thế so sánh với trọng tâm là địa hình, thiên nhiên hoang sơ và văn hóa giàu bản sắc.
Định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch: Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 15.500 lao động, trong đó có trên 11.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn và chuyên môn sâu về du lịch với 40% đạt tiêu chuẩn nghề ASEAN.
Định hướng đầu tư: Ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch; phấn đấu đến năm 2025, về cơ bản hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh được nâng cấp hoàn thiện. Tăng cường thu hút đầu tư để đảm bảo Khu du lịch Quốc gia Sa Pa và đô thị du lịch Y Tý có thể cơ bản đi vào hoạt động sau năm 2030.
Định hướng lồng ghép giới trong phát triển du lịch: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trong hoạt động phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.