Vị tiến sĩ bảo vệ lăng bằng cả tính mạng
Không chỉ có lăng mộ của các hoàng đế Trung Quốc mới có đồ tùy táng, trên thực tế, có nhiều quốc gia trên thế giới đã khai quật được rất nhiều ngôi mộ có số lượng lớn cổ vật ở bên trong. Lăng mộ của chúa tể của Sipan chính là một trường hợp như vậy.
Câu chuyện tìm thấy lăng mộ của vị chúa tể này cũng rất ly kỳ với vô vàn nguy hiểm bủa vây như thường thấy trên các bộ phim đạo mộ.
Thời điểm đó là vào khoảng năm 1987, đột nhiên trên thị trường chợ đen xuất hiện rất nhiều di tích văn hóa quý hiếm đến từ Peru nhưng chúng đều không thuộc nền văn minh Inca. Nhà khảo cổ học, tiến sĩ Alva vốn là một người nhạy bén, ông lập tức nhận ra những cổ vật đó chắc chắn bị đánh cắp từ một tàn tích khảo cổ quan trọng.
Tiến sĩ Alva cùng nhóm trợ lý trong quá trình khai quật lăng mộ hoàng đế. (Ảnh: Kknews)
Vì vậy, tiến sĩ Alva đã đưa các trợ lý của mình đến Peru, lần theo manh mối để tìm kiếm tàn tích này. Sau một thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng ông cũng đã tìm thấy lăng mộ cổ ở gần Chiclayo, trong một thung lũng ở miền bắc của Peru.
Giáo sư Alva nhận thấy rằng, lăng mộ đã bị bọn trộm tìm thấy trước đó. Cửa của lăng đã bị mở ra, một số di vật văn hóa bên trong đã bị lấy đi, đồ bị hỏng cũng bị vứt tứ tung bên trong. Toàn bộ lăng mộ gồm hàng chục căn phòng lớn nhỏ khác nhau. Mỗi một buồng lại có rất nhiều đồ tùy táng quý giá khiến ai thấy cũng phải choáng váng.
Có rất nhiều tàn tích khảo cổ được tìm thấy ở Peru, chẳng hạn như Machu Picchu nhưng hầu hết chúng đều không còn lại gì. Một phần vì trước đó Peru là thuộc địa của Tây Ban Nha nên hầu hết các bảo vật trong tàn tích đều bị cướp phá. Mặt khác, tình trạng trộm cắp di vật văn hóa của người dân Peru hoành hành rất khủng khiếp, chỉ cần biết ở đâu có di tích văn hóa là họ sẽ tới để vơ vét.
Chúa tể Sipan được bao bọc bởi 25 lớp đồ tùy táng làm bằng vàng và bạc. (Ảnh: Kknews)
Tiến sĩ Alva sợ rằng, khi những kẻ trộm mộ biết được thông tin sẽ lại tìm tới đây nên ông đã kiên quyết cùng nhóm trợ lý canh gác trước cửa lăng. Vì thế, những người dân địa phương đã tìm tới, đe dọa giết ông và chửi rủa nhóm người của tiến sĩ Alva. Thế nhưng, nhóm của tiến sĩ đã chuẩn bị rất nhiều súng nên lăng mộ vẫn được đảm bảo an toàn.
Bí ẩn về một nền văn minh đã bị biến mất trong lăng mộ cổ
Mãi cho tới khi Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Peru xuất hiện thì lăng mộ cổ mới chính thức được khai quật. Đúng như phỏng đoán của tiến sĩ Alva, lăng mộ cổ này chính xác là của chúa tể Sipan với niên đại lên tới 2.000 năm.
Trong quá trình khai quật, tiến sĩ Alva đã tìm thấy căn buồng chính đặt quan tài của chúa tể. Lúc này, các chuyên gia mới thấy được mức độ xa hoa của hoàng đế.
Một món đồ trang sức bằng ngọc lam khảm vàng trong quan tài. (Ảnh: Kknews)
Xương của hoàng đế Sipan được đặt ở chính giữa quan tài, trên tay ông cầm một chiếc xẻng nhỏ làm bằng vàng ròng, nặng 0,5kg. Đầu và ngực được bao phủ bởi mặt nạ bằng vàng và đồ trang sức tinh xảo. Trong đó gồm có trang sức bằng ngọc lam dát vàng, dây chuyền vàng, bạc. Tổng cộng hoàng đế được bao bọc bởi 25 lớp đồ trang sức quý giá.
Xung quanh quan tài là hàng chục bộ xương của những người lính canh, người hầu cả nam lẫn nữ. Xương cốt của những người này đều được chất đầy đồ trang sức bằng vàng và bạc ở bên trên.
Dây chuyền và yếm bằng vàng phủ trên người hoàng đế. (Ảnh: Kknews)
Vua Sipan là hoàng đế của người Moche cổ đại. Người Moche sống từ những năm 100 đến năm 700 sau Công Nguyên, sau đó bị thống trị bởi người Inca.
Nền văn minh Inca luôn được coi là trung tâm của nền văn minh Peru cổ đại. Thật khó có thể tưởng tượng rằng thứ có thể khiến các di tích văn hóa của Inca bị lu mờ lại nằm trong lăng mộ cổ của người Moche.
Theo các chuyên gia khảo cổ thì việc phát hiện ra lăng mộ của chúa tể Sipan đã đánh thức một thời kỳ vàng son của Peru cổ đại. Nó cũng được công nhận là lăng mộ xa hoa nhất được tìm thấy ở Tây bán cầu. Với số lượng cổ vật quý giá được tìm thấy bên trong, lăng mộ của hoàng đế Sipan cũng được đánh giá có quy mô không kém gì lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.
Hài cốt và hình ảnh phục dựng 3D gương mặt của hoàng đế Sipan. (Ảnh: Kknews)
Hiện nay có hơn 660 món cổ vật thu thập được trong lăng mộ đang được trưng bày trong Bảo tàng lăng mộ Sipan ở Chiclayo. Bảo tàng này rộng 800m2, do Peru và Thụy Sĩ cùng xây dựng với vốn đầu tư lên tới 1,5 triệu USD.