Lăng mộ hiếm không chôn dưới đất mà khoét vào lòng núi: Mở ra, thấy Sở Vương đón khách!

Thuy Anh | 25-11-2021 - 17:55 PM

(Tổ Quốc) - Một chiếc bóng in trên bức tường, những lối đi được mài giũa cực chính xác... tất cả khiến lăng hộ trong lòng núi này trở thành 'bài toán cực khó' đối với hậu thế.

Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc được biết đến là quê hương của Lưu Bang đồng thời là vùng đất có lịch sử lâu đời và nền văn hóa có sức ảnh hưởng lớn.

Vào tháng 2 năm 1981, tại chân núi Quy Sơn nằm ở phía tây thành phố Từ Châu, một nhóm dân làng địa phương đã tình cờ phát hiện ra ngôi mộ chôn cất của Sở Tương Vương Lưu Chú (vị vua thứ 41 của nước Sở).

Ngay sau khi ngôi mộ này được khai quật, dư luận đã vô cùng kinh ngạc trước quy mô cũng như kiến trúc ở bên trong.

LĂNG MỘ ĐƯỢC XÂY DỰNG CHÍNH XÁC ĐẾN KHÓ TIN

Lăng mộ được xây dựng giữa sườn núi Quy Sơn, chia thành hai hành lang nam - bắc, tổng cộng có 15 căn hầm. Công trình mộ cổ này rộng lớn và được trau chuốt tinh xảo, nơi nào cũng thể hiện tài năng siêu phàm của nghệ nhân lúc bấy giờ. Đồng thời, nó cũng để lại nhiều bí ẩn khó giải đáp cho các thế hệ sau.

Lối đi phía nam dẫn đến ngôi mộ của Sở Tương Vương, và lối đi phía bắc dẫn đến nơi yên nghỉ của vợ ông. Chiều dài của hai lối đi là 56 mét. Tổng diện tích của toàn bộ lăng mộ đã lên tới 700 mét vuông, với thể tích hơn 2.600 mét khối, khoét rỗng trong lòng núi.

Vào thời điểm trang thiết bị kỹ thuật còn tương đối lạc hậu, việc khoét rỗng lòng núi và tránh xảy ra sạt lở vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp. Có thể nói, đây là một kỳ tích hiếm có được tìm thấy trong quá trình khai quật rất nhiều mộ cổ từ trước đến nay ở Trung Quốc.

Lăng mộ hiếm không chôn dưới đất mà khoét vào lòng núi: Mở ra, thấy Sở Vương đón khách! - Ảnh 1.

Lối vào được thiết kế gần như hoàn hảo. Hình ảnh: Sohu

Hai hành lang nam - bắc được khai quật song song theo trục trung tâm của lăng, khoảng cách giữa các hành lang là 19 mét, sai số chỉ 1/16.000. Hay nói một cách dễ hiểu thì nếu hai hành lang có thể được tiếp tục kéo dài thì chúng sẽ không giao nhau cho tới Tây An, cách đó 1.000 km.

Mặt bằng hành lang có dạng cao bên trong và thấp dần ra ngoài, độ cao chênh lệch là 527 mm, độ dốc chỉ bằng 1 phần nghìn độ.

Lối đi trong Sở Tương Vương mộ là đường hầm được xây dựng với độ chính xác bậc nhất trên thế giới cho đến nay. Trong thời cổ chưa có các công cụ tiên tiến hỗ trợ, rốt cuộc người thợ thủ công đã làm thế nào để hoàn thành công trình xây dựng chính xác như vậy vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

CÀNG ĐI SÂU, CÀNG CÓ NHIỀU ĐIỀU KHÓ HIỂU

Ngoài độ thẳng của đường hầm chính xác gần như tuyệt đối, các khối đá trong đường hầm phía nam cũng khiến các nhà khảo cổ học... hoang mang.

Khi lăng mộ Sở Tương Vương lần đầu tiên được phát hiện, có 26 khối đá trên lối đi để ngăn những kẻ trộm mộ xâm nhập.

Những khối đá khổng lồ này được chất thành hai lớp, mỗi lớp 13 khối, mỗi khối nặng từ 6 tấn đến 7 tấn. Khi phát hiện ra lăng mộ, các nhân viên đã lên kế hoạch kéo toàn bộ số đá này ra bên ngoài lăng mộ. Lúc này, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy các đường nối giữa chúng chặt chẽ đến mức thậm chí không thể nhét được một đồng xu vào giữa hai lớp đá tảng.

Ngoài ra, vấn đề về nguồn gốc của đá cũng khiến các nhà khảo cổ học hết sức đau đầu.

Sau khi đi qua dãy hành lang dài là lăng mộ của Sở Tương Vương. Nơi đây bao gồm 8 phòng, mỗi phòng đều đã được khai quật cẩn thận. Các nhà khảo cổ học phân tích, tường hành lang được mài giũa nhẵn nhụi để dễ di chuyển nguyên vật liệu. Ngược lại, tường trong mộ chính được làm nhám là bởi quan điểm thẩm mỹ thời bấy giờ.

Lăng mộ hiếm không chôn dưới đất mà khoét vào lòng núi: Mở ra, thấy Sở Vương đón khách! - Ảnh 2.

Bên trong Sở Tương Vương mộ. Hình ảnh: Sohu

Không những vậy, người ta còn tìm thấy một số cột đá vuông lớn ở tất cả các phòng. Theo các chuyên gia, chúng có tác dụng giúp nâng cao khả năng chống sạt lở của lăng. Đặc biệt, chúng còn được đánh bóng cẩn thận.

Đỉnh của lăng mộ không phải là một mặt phẳng theo nghĩa truyền thống, mà được trang trí bằng những hình thoi để tránh đơn điệu về thị giác. Có thể thấy những người thợ đã tài tình như thế nào khi xây dựng lăng mộ này.

Lăng mộ của Sở Tương Vương quả nhiên không đơn giản như vậy mà còn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn.

Khi ngôi mộ chính được mở ra, một cái bóng có kích thước như người thật đã xuất hiện trên bức tường phía bắc có chiếc quan tài của chủ nhân. Người ta gọi cái bóng này là "Sở Vương nghinh tân" (Sở Vương đón khách).

Các nhà sử học giải thích nó như thể nhà vua đang chào đón mọi người đến thăm lăng mộ của mình.

Tại lăng mộ có quy mô bề thế này, các nhà khảo cổ đã khai quật được rất nhiều di vật có giá trị lớn. Tuy nhiên, điều khiến người ta ấn tượng nhất là những bí ẩn vượt xa sự hiểu biết của chúng ta. Cho đến nay, đó vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp và cần các chuyên gia nghiên cứu để tìm ra câu trả lời.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM