Lamborghini, Ferrari trước sự tĩnh lặng đáng sợ của xe điện: Khi siêu xe thành "thường xe"

Minh Đức | 02-07-2022 - 18:30 PM

(Tổ Quốc) - Lamborghini, Ferrari không thể đứng ngoài cuộc đua xe điện, và họ đang gặp khó khăn.

Vừa ùa ra từ cánh cổng của một ngôi trường tại một ngôi làng ở Ý, mấy cậu học sinh bỗng nín thở khi một chiếc Lamborghini lừ lừ tiến tới. "Trái tim sắt" 12 xilanh với cả trăm mã lực đang đập thình thịch càng khiến người ta chú ý hơn tới con bò tót này. Sau đó, khi chiếc siêu xe dần dần đi qua cổng trường, lũ học sinh bỗng ồ lên, nhảy cẫng và ném những nắm đấm của mình lên trời.

Đó là những hành động biểu cảm mà những hãng xe thể thao của Ý khiến con người ta bị kích thích, và từ đó hình thành động lực để kiếm, rồi chi ra cả trăm ngàn đô la, thậm chí là cả triệu bạc, cho một chiếc xe như vậy.

Nhưng Lamborghini, Ferrari và cả loạt hãng xe khác đang sản xuất siêu xe - một khái niệm mơ hồ về những chiếc xe có mức giá cả trăm nghìn đô mang trên mình công suất tầm xe đua - đang đối mặt với một cuộc đại tuyệt chủng. Ngành xe thế giới, quá rõ rồi, đang tiến đến những chiếc xe chạy điện - thứ mà những hãng xe thể thao kia không thể né tránh. Họ, những hãng xe thể thao, đang phải đánh vật để thiết kế ra những chiếc xe thể thao vẫn phải đắt như họ vẫn đang bán, và quan trọng hơn hết, vẫn phải gợi lên những cảm xúc và đam mê như những gì họ đang làm.

Lamborghini, Ferrari trước sự tĩnh lặng đáng sợ của xe điện: Khi siêu xe thành thường xe - Ảnh 1.

Tesla Model S Plaid là một chiếc sedan 5 chỗ có giá 129.990 USD nhưng có công suất 1020 mã lực, tăng tốc 0-100km/h dưới 2 giây. Ảnh: Tesla

Cả chục năm nay, Tesla đã thách thức tuyên bố đứng đầu về công nghệ của Ferrari và Lamborghini. Tesla chính là nhà sản xuất tiên phong của xe điện, cũng là cái nôi của mẫu Tesla Model S Plaid mà có thể tăng tốc từ vị trí đứng yên lên 100km/h trong xấp xỉ 2 giây đồng hồ. Theo như các cuộc thử nghiệm do Motor Trend thực hiện thì Tesla Model S Plaid nhanh hơn bất cứ mẫu Ferrair hay Lamborghini nào đã từng được bán ra.

Karl-Thomas Neumann, một giám đốc cấp cao tại Opel, người mà đang làm trong ban lãnh đạo của OneD Battery Sciences (một nhà cung cấp về công nghệ cho xe điện, có trụ sở tại California) đặt câu hỏi: "Với siêu xe, vấn đề bây giờ xoay quanh câu hỏi liệu họ có còn 'siêu' trong thế giới của xe điện?"

Ông Neumann nói thêm: "Nếu bạn chỉ đơn thuần thiết kế ra một mẫu siêu xe rồi gắn lên logo Ferrari thì nhiêu đó thôi là chưa đủ". Ông cũng cho rằng hãng xe ngựa chồm đã "rất muộn" trong cuộc đua xe điện.

Ferrari SF90 Stradale được ghi nhận là mẫu siêu xe lai điện đầu tiên của Ferrari. Ảnh: Goodfon

Trên thực tế, Ferrari đã và đang đưa ra thị trường mẫu siêu xe Stradale lai điện sạc ngoài (Plug-in Hybrid) từ năm 2019, nhưng phải tới 2025 thì Ferrari mới chính thức công bố chiếc xe thuần điện đầu tiên. Hãng siêu xe tại Maranello, Ý này trình bày kế hoạch điện hóa của mình với các nhà đầu tư ngay trong tháng này, nói rằng họ sẽ sản xuất mô-tơ điện và các linh kiện quan trọng khác nhằm gìn giữ truyền thống về chất lượng sản xuất và tính riêng biệt của sản phẩm.

Giám đốc Điều hành Ferrari, ông Benedetto Vigna, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trước khi màn thuyết trình về kế hoạch với các nhà đầu tư diễn ra: "Một chiếc xe điện Ferrari sẽ là một chiếc Ferrari thực sự".

Ferrari cũng cho rằng nhằm lưu giữ truyền thống, họ sẽ ứng dụng công nghệ từ đội đua xe đáng tự hào của họ. Tuy nhiên, Ferrari lại không tranh tài tại Formula E - là cuộc đua Formula 1 nhưng dành riêng cho xe điện. Ông Vigna từ chối trả lời liệu Ferrari sẽ tham gia Formula E hay không.

Khác với Ferrari, hãng xe bò tót Lamborghini có trụ sở tại Sant'Agata Bolognese sẽ giới thiệu mẫu xe thể thao lai điện sạc ngoài đầu tiên vào năm 2023; mẫu xe thuần điện đầu tiên thì sẽ giới thiệu đâu đó trong khoảng nửa sau của thập niên này.

SỰ TĨNH LẶNG ĐÁNG SỢ

Có kế hoạch làm xe điện là vậy, nhưng vấn đề lại nằm ở cái chất của những chiếc xe thể thao gốc Ý. Cái chất của những chiếc xe đó vốn gắn chặt với âm thanh và sức mạnh của khối động cơ đốt trong. Nhạc trưởng Herbert von Karajan nổi tiếng người Áo được cho là đã từng nói âm thanh từ khối động cơ 12 xilanh của Ferrari là "một bản nhạc không nghệ sĩ nào đủ tài ba để chơi."

Ấy thế mà xe điện lại im lìm lìm.

Cựu nhân viên cấp cao của Aston Martin, ông Andy Palmer, hiện là CEO của Switch Mobility chuyên sản xuất xe buýt điện, bày tỏ: "Âm thanh là một gia tài với những loại phương tiện đó. Liệu khái niệm xe thể thao mà chúng ta vẫn đang nghĩ tới có bị đảo lộn nếu chúng ta không thể phân biệt dựa trên âm thanh?"

Câu hỏi của ông Andy Palmer có thể chỉ khiến một cơ số tay chơi giàu có để tâm, nhưng niềm kiêu hãnh và di sản của đất Ý chắc chắn sẽ để bụng.

Lamborghini, Ferrari trước sự tĩnh lặng đáng sợ của xe điện: Khi siêu xe thành thường xe - Ảnh 3.

Lamborghini Urus là mẫu xe ăn khách nhất của Lamborghini hiện tại.

Trong khi phần lớn ngành công nghiệp ô tô Ý sẽ chẳng gặp mấy tác động, ví thử như thị phần của Fiat tại châu Âu vừa bị sụt giảm 4%, danh sách chờ của Ferrari và Lamborghini vẫn sẽ tiếp tục dài thêm, thời gian chờ lên tới cả năm. Không chỉ có giá vài trăm nghìn USD, một vài mẫu phiên bản giới hạn thậm chí có giá lên tới cả triệu USD.

Ferrari và Lamborghini tất nhiên là hái ra tiền. Theo báo cáo của chính Ferrari, hãng đã lãi 250 triệu USD trước thuế trên tổng 1,2 tỷ USD doanh thu chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022. Lamborghini cũng đóng góp gần 190 triệu USD lợi nhuận trước thuế trên tổng gần 620 triệu USD doanh thu chỉ trong quý đầu tiên của 2022 cho tập đoàn Volkswagen (đơn vị sở hữu Lamborghini). Lợi nhuận của Ferrari và Lamborghini được giới chuyên gia đánh giá là cao bất thường trong ngành xe, vốn có biên lợi nhuận tương đối thấp.

Lamborghini, Ferrari trước sự tĩnh lặng đáng sợ của xe điện: Khi siêu xe thành thường xe - Ảnh 4.

Gần bảo tàng Ferrari có các đơn vị tư nhân cho thuê xe. Ảnh: The New York Times

Hiện tại, nhiều thay đổi đã diễn ra tại khu vực gần Bologna, nơi được biết tới với cái tên Motor Valley (Tạm dịch: Thung lũng động cơ). Ferrari và Lamborghini thực tế chỉ cách nhau nửa giờ lái xe.

Năm ngoái, Ferrari đã phá lệ khi đưa ông Benedetto Vigna lên vị trí CEO. Dù ông Bigna cũng là một người cuồng xe cộ khi ông từng trốn nhà suốt vài ngày để đi xem đua xe F1 khi mới 14 tuổi, nhưng ông lại chưa từng làm việc tại một công ty về xe. Trước khi về với Ferrari, ông Benedetto Vigna là một nhân sự cấp cao tại STmicroelectronics - một công ty sản xuất chíp bán dẫn. Ông được bổ nhiệm vì tầm quan trọng của thiết bị điện tử với tương lai của Ferrari.

Chủ tịch của Ferrari, ông John Elkann, trao đổi với các nhà đầu tư rằng: "Chúng ta cần một vị CEO có hiểu biết sâu rộng về những công nghệ không chỉ làm thay đổi ngành xe, mà cả thế giới bao la ngoài kia."

Công ty STmicroelectronics có các khách hàng lớn tầm thế giới như Apple, Tesla. Khi ông Vigna tới với Ferrari, người ta kỳ vọng ông sẽ mang tới cho hãng xe ngựa chồm những mối quan hệ sâu sắc từ thế giới công nghệ của ông. Chính ông Vigna từng khẳng định: "Nếu tôi cần kết nối với một đơn vị để hợp tác, hoặc để cung ứng, thì liên hệ với ai, ở cấp độ nào là việc không khó với tôi."

Lamborghini, Ferrari trước sự tĩnh lặng đáng sợ của xe điện: Khi siêu xe thành thường xe - Ảnh 5.

Lamborghini Aventador SVJ (màu vàng) có chiều cao chỉ 1136mm. Ảnh: Autogespot

Chuyển đổi sang làm xe điện sẽ đẩy Ferrari và Lamborghini tới nhiều khó khăn. Một đặc điểm của siêu xe là độ cao gầm cực thấp, giúp giảm lực cản của gió khi chiếc xe lao đi. Tính ra, chiều cao trần của chiếc xe cũng chỉ ngang thân một người trưởng thành. Tuy nhiên, điều này lại không dễ áp lên những chiếc xe điện, vì khối pin của chiếc xe thường nằm ngay dưới cabin xe.

Một vấn đề khác là siêu xe chỉ dành cho thiểu số. Người mua có thể phải mong ngóng cả năm để tới ngày được nhận xe. Các mẫu xe này cũng là một món đồ sưu tầm khi giá trị của chúng có thể sẽ tăng lên theo thời gian. Trước đây, nhiều chiếc Ferrari đời cổ đã được bán với mức giá cả vài chục triệu USD.

Nhưng vấn đề là liệu một chiếc Ferrari có còn cần dành cho thiểu số không, khi nó không chạy nhanh bằng Tesla? CEO của Ferrari cho rằng nhanh hơn một vài phần của một giây khi tăng tốc lên 100km/h chẳng phải là một yếu tố quyết định. Ông Vigna thích cầm lái một chiếc Ferrari hơn là ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc ngoài khu vui chơi cảm giác mạnh. Tốc độ không đồng nghĩa với cảm xúc. Ông nói: "Ferrari là trải nghiệm".

Góc nhìn người lái trên chiếc Ferrari 812 Superfast

Xe điện trước đến nay được biết đến với khả năng tăng tốc mượt mà và tĩnh lặng. Đấy không phải là những gì một khách hàng của Lamborghini hay Ferrari móc ra nửa triệu USD từ hầu bao ra để lĩnh về. Khách hàng, họ muốn uy lực.

Người lái Lamborghini ngồi cách mặt đất tính bằng chục xăng-ti-mét trong một cabin thấp lè tè, cảm nhận từng đường gồ ghề trên mặt đường nhựa. Khối động cơ khủng đặt ngay phía sau ghế, nổ những tiếng đùng đoàng ngay bên tai người ngồi trong cabin. Vô lăng mang tới cảm giác lái chính xác, nhưng nặng, đòi hỏi người lái phải rất tập trung. Đó hoàn toàn là một câu chuyện thuần cảm xúc mà khiến cho việc lái xe dạo chơi quanh một ngôi làng cổ kính, yên bình ở Ý như thể đang vào những khúc ngoặt đổ người tại đường đua F1 ở Monaco.

"Chiếc xe cho cảm giác bạn, ở vị trí người lái, như một siêu nhân". Giám đốc Công nghệ của Lamborghini, ông Rouven Mohr mô tả như vậy, và cho biết rằng tái tạo cảm giác đó trên một chiếc xe điện "là công việc chính của chúng tôi".

Lamborghini, Ferrari trước sự tĩnh lặng đáng sợ của xe điện: Khi siêu xe thành thường xe - Ảnh 7.

Lotus Evija (trong ảnh) có mức giá từ khoảng 2,2 triệu USD. Ảnh: Top Gear

Chính khối pin của xe điện mang tới cho người thiết kế siêu xe một số điểm lợi. Xe điện không cần trục truyền động dài ngoằng, cũng chẳng cần hệ truyền động cồng kềnh. Mô-tơ xe điện nhỏ hơn rất nhiều so với động cơ đốt trong. Mô-tơ điện cũng có thể được bố trí để tối ưu về mặt phân bổ trọng lượng và cảm giác lái.

Người ta cũng có thể đặt vào trong mỗi bánh một động cơ điện và cài đặt nó chạy với vận tốc khác nhau để tăng khả năng điều khiển mỗi khi vào cua. Lamborghini hiện đang nghiên cứu để trang bị hệ thống trí tuệ nhân tạo mà sẽ học thói quen, sở thích, và phong cách lái của người cầm lái, từ đó tự tinh chỉnh chiếc xe cho phù hợp. Vị giám đốc công nghệ của Lamborghini nói rằng: "Chiếc xe thấu hiểu cái bạn cần".

Rimac Nevera trình diễn tại Goodwood Festival of Speed 2022

Cho tới hiện tại, các khách hàng của phân khúc siêu xe không trưng biểu ngữ đòi xe điện. Ông Mohr nói: "Chưa một ai từng cho họ một thứ mà họ có thể thốt lên 'Ái chà, cái này trông còn ngầu hơn cả cái xe xăng của tôi nữa'".

Tuy nhiên, trên thực tế thì các hãng xe điện vẫn đang cố gắng sản xuất các mẫu siêu xe điện, dù ở quy mô nhỏ. Rimac Automobili, một đơn vị gốc Áo có cổ đông là Porsche, Hyundai, đã cho ra mắt mẫu siêu xe Nevera - một chiếc siêu xe điện mà Rimac cho răng có thể tăng tốc từ 0 lên 92km/h trong chưa đầy 2 giây.

Không chỉ Rimac, Lotus, hãng xe thể thao Anh quốc đang thuộc sở hữu của Geely, Trung Quốc, cũng đã bán ra mẫu xe điện Evija. Mẫu xe của Lotus và của Rimac đều có mức giá trên 2 triệu USD. Thực tế, các mẫu xe trước đây của Lotus đều có mức giá thấp hơn nhiều so với Ferrari và Lamborghini; hãng cũng công bố rằng sẽ bán xe thuần điện từ năm 2028. Một sự thật thú vị là chiếc xe đầu tiên của Tesla, chiếc Tesla Roadster, sử dụng nhiều linh kiện quan trọng từ Lotus.

Aston Martin dự kiến bán ra mẫu siêu xe điện đầu tiên vào năm 2025.

Cùng với đó, các hãng xe đối thủ gần của Ferrari và Lamborghini cũng đang chạy với tốc độ cao trong cuộc đua xe điện. Tại Anh, hãng xe Aston Martin dự định bán ra mẫu xe thuần điện đầu tiên vào năm 2025; McLaren, một hãng siêu xe Anh quốc khác, sẽ không cho ra mắt mẫu xe thuần điện nào cho tới năm 2028.

Ferrari và Lamborghini chưa định ra kế hoạch dừng sản xuất các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, nhưng hiện đang nhận nhiều áp lực từ các nhà cầm quyền, nhất là tại châu Âu, buộc cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu. Theo EPA Hoa Kỳ, một chiếc xe 2 chỗ của Lamborghini có thể ngốn xăng gấp đôi một chiếc xe bán tải cỡ lớn. Những "người trong cuộc" thì phản biện rằng chủ sở hữu siêu xe chỉ sử dụng khoảng chục nghìn kilomet mỗi năm, nên tính tổng ra thì lượng nhiên liệu tiêu thụ là thấp.

Tuy nhiên, các khách hàng giàu có, trẻ tuổi ngày nay không muốn bị bắt gặp cùng những chiếc xe hào nhoáng. CEO của Lamborghini cho biết: "Chúng tôi càng ngày càng có thêm nhiều khách hàng trẻ tuổi". Họ muốn công suất lớn, nhưng cũng muốn một "cái tâm an".

Ồn ào thì khó mà có được một cái tâm tĩnh. Phải chăng đã tới lúc làm xe điện?

Lamborghini, Ferrari trước sự tĩnh lặng đáng sợ của xe điện: Khi siêu xe thành thường xe - Ảnh 11.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM