Là mẹ của 3 đứa trẻ nhưng chị Tia Liêu (hay còn biết đến với tên thật là Liêu Thuỷ Tiên) - giám đốc Event/Booking của 1900 Le Théâtre Hanoi – vẫn luôn dành một tình yêu say đắm cho công việc mình đang làm. Hiện tại, chị Tia Liêu còn nắm giữ 3 chức vụ khác cũng vô cùng quan trọng ở các doanh nghiệp khác nhau.
Ít ai từng biết, chị Tia Liêu từng giảng dạy ở Đại học Kinh tế Quốc dân trong 3 năm. Sau đó, năm 2016, chị chính thức chuyển sang làm việc trong ngành nightlife. Ở vai trò giám đốc Event/Booking của 1900, chị đã tạo ra hàng loạt những event thú vị cho người yêu nhạc tại Việt Nam và thậm chí còn mang về một hội thảo chuyên sâu về ngành công nghiệp âm nhạc.
Tìm được người thầy dẫn dắt cũng như xác định được con đường mục tiêu sự nghiệp, chị Tia Liêu ngày càng tự hào về công việc của mình. Tuy nhiên, trước quyết định chuyển việc của mình, chị đã "nhận" về không ít những thắc mắc rằng tại sao có thể nghỉ một công việc được nhiều người coi trọng – "làm thầy" – để làm bar. Trong quan niệm của không ít người, hình ảnh quán bar vẫn gắn với tệ nạn xã hội.
Chính vì thế, tâm trí chị đôi khi cũng lung lay, nghi ngờ bản thân khá nhiều. Hơn nữa, chị kể mỗi lần bước chân ra cửa đi làm, con đều ôm chân mẹ bảo "Mẹ đừng đi! Mẹ ở lại với con". Cảm xúc khi ấy của một người mẹ như chị Tia Liêu đều rơi vào bối rối và khó diễn tả nhưng chị dặn mình có 2 lựa chọn: một là ở nhà, được theo dõi hành trình lớn lên của những đứa trẻ hoặc ra khỏi nhà để mai sau có thể nói với con phụ nữ cũng có thể ra ngoài làm những việc như đàn ông làm.
Bởi ở Việt Nam, vẫn còn nhiều định kiến xã hội dành cho phụ nữ mặc dù vấn đề bình đẳng giới ở các thành phố lớn đã được chú trọng và đề cao hơn so với những tỉnh thành khác. Ngày bé, chắc hẳn mỗi chúng ta được nghe rất nhiều lần câu "Đàn ông là trụ cột gia đình" – nhưng trên thực tế, trong thâm tâm chị Tia Liêu nghĩ phụ nữ bây giờ cũng là một trụ cột không thể thiếu trong gia đình.
Trong kinh doanh, ắt hẳn cũng vậy, cả hai giới đều đóng vai trò trụ cột và nếu họ tìm được điểm cân bằng thì sẽ tạo ra rất nhiều tiếng nói chung thúc đẩy công việc tốt hơn cũng như giúp cho doanh nghiệp ngày một phát triển. Trên cương vị một người phụ nữ, chị Tia Liêu bày tỏ mình nhận được khá nhiều sự ưu ái trong công việc. Những cống hiến của chị trong công việc bởi lẽ đó ngày càng được mọi người công nhận và đánh giá cao.
Nói thêm về nhận thức bình đẳng giới trong công việc, tuy khẳng định hiện nay phụ nữ đã có những cơ hội mở rộng hơn để theo đuổi đam mê của mình nhưng chị Hà Thị Quỳnh Nga – Chuyên gia Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược của CARE tại Việt Nam – bày tỏ trong sự kiện "Câu chuyện kinh doanh: Phụ nữ đã bình đẳng" ở TEDxTrangThiStlive: Uncharted vẫn còn những khuôn mẫu khác cản trở phụ nữ được là chính mình và theo đuổi những đam mê của cá nhân họ. Định kiến xã hội ở khắp mọi nơi, ngay cả trong mỗi chúng ta vẫn còn giữ khi mà người khác làm không đúng những gì mình mong đợi.
Chị kể, "Tôi đã gặp nhiều phụ nữ giữ chức vụ cao. Các chị ấy bị đặt trong mong đợi là người đứng đầu một doanh nghiệp phải quảng giao, phải biết uống rượu, phải đi tiếp khách thì mới có hợp đồng. Hay, phụ nữ bị chịu áp lực lớn từ gia đình, người thân, từ nhân viên và từ những người phụ nữ khác khi bắt họ phải cân bằng trách nhiệm gia đình và đam mê công việc. Thậm chí, trong kinh doanh, đàn ông luôn gán cho phụ nữ những từ như "ghê gớm", "khó chịu", "thái độ không tử tế". Một người phụ nữ dù có giỏi đến đâu cũng đều phải chịu những-cái-hộp đó".
Đồng ý kiến, chị Đặng Thị Hương – Giám đốc chiến lược & Đối ngoại của KOTO chia sẻ dù bên ngoài mình rất nữ tính nhưng vì tính quả quyết trong công việc nên chị thường được gắn với những "tính từ" mà bản thân không hề mong đợi. Với chị, "trong công việc nào mà mình được thể hiện, tôi luôn nỗ lực để đạt kết quả. Tôi cũng hay đùa là mình làm công ăn lương nên làm phải ra làm. Nhưng những định kiến từ xã hội, từ những người xung quanh chính là một rào cản lớn mặc dù mình hoàn toàn có kĩ năng và khả năng để đứng ở vị trí đó.
Theo tôi, đàn ông có kĩ năng lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý con người, lên kế hoạch thì phụ nữ cũng có những kỹ năng bẩm sinh như vậy – họ chẳng cần phải nỗ lực gấp 4-5 lần để đạt vị trí đó. Tất cả chỉ do mindset của mọi người nghĩ rằng phụ nữ phải gồng lên. Phụ nữ chúng ta phải thoát ra để nhận thức được rằng trong một tổ chức/cộng đồng, cơ hội dành cho chúng ta là công bằng, kỹ năng không hề thiên vị, được thể hiện và nắm bắt cơ hội. Còn nếu bạn chưa đạt vị trí đó là do bạn chưa cố gắng hết mình mà thôi".
Đàn ông có kĩ năng lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý con người, lên kế hoạch thì phụ nữ cũng có những kỹ năng bẩm sinh như vậy.
Chị Hương kể thêm một kỷ niệm, khi chị mới ra trường và làm việc ở một công ty công nghệ ở Úc, chị đã từng nhận được một sự coi thường phụ nữ khá lớn. Trong một công ty có nhiều đàn ông, một đồng nghiệp người Việt Nam làm ở vị trí developper luôn đánh giá các bạn nữ làm việc không logic, luôn theo cảm xúc. Người này luôn gán cho những đồng nghiệp nữ của mình những cái vai theo định kiến bất bình đẳng giới của anh ta.
Từ đánh giá này, chị Hương đã từng phân vân về khả năng của mình đến mức tự tạo áp lực cho mình và nghĩ rằng vì mình không giỏi nên gây ảnh hưởng tới cả dự án của công ty. Sau đó, chị có cơ hội làm việc trực tiếp với CEO người Úc và người này đánh giá rất cao thực lực của chị. Chị nhận ra, từ đó, hiệu quả công việc không thể hiện ở giới tính như mình từng nghi ngờ.
"Đàn ông xây nhà và đàn bà cũng thế", câu nói của chị Nga khiến nhiều người thức tỉnh. Còn chị Tia Liêu: từ một người nhận nhiều định kiến về ngành nightlife, đặc biệt đối với một người phụ nữ trước đây là giảng viên, từ một người phải dành thời gian tìm hiểu lại bản thân mình, chị của bây giờ luôn cảm thấy công việc mình làm rất tuyệt vời. Trong quá trình làm việc, một số bạn trẻ đã từng bày tỏ rằng muốn được cống hiến và làm công việc giống chị, ngay cả con chị cũng nói "muốn được làm những việc giống mẹ".
"Tôi của ngày hôm qua đã trải qua những cố gắng, những thất bại – và đến bây giờ cũng vậy. Có thất bại mới biết mình cần gì, có thất bại mới học được được những bài học mà chiến thắng sẽ không dạy bạn. Các bạn trẻ, hãy tìm hiểu bản thân mình, hãy thử và hãy nghĩ thất bại là một may mắn", chị Tia Liêu nhắn nhủ.