Trong kho tàng đồ sộ của Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, có một cặp cổ vật đặc biệt đã được công nhận là bảo vật quốc gia, khiến du khách cả trong và ngoài nước khi chiêm ngưỡng đều vô cùng thích thú.
Đó là cặp bát sứ ngự dụng của thời Lê Sơ.
Theo chị Khánh Vân, hướng dẫn viên của tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long", cặp bát sứ này là sản phẩm độc bản mà không nơi nào có, kể cả là ở các bảo tàng lớn, các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước, cũng như ngay tại di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) cũng không có.
Sau khi hai chiếc bát sứ này được tìm thấy, vào tháng 10 năm 2004, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac và cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã đến tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long và bày tỏ sự thán phục, ngợi ca về phẩm cấp cao quý, chất lượng tuyệt hảo, vẻ đẹp tinh mỹ của hoa văn hình rồng khi chiêm ngưỡng cặp bát này.
Vậy loại bát sứ ngự dụng thấu quang này có những gì mà chúng lại được đánh giá cao đến vậy?
Du khách tham quan, chiêm ngưỡng bảo vật bát sứ thấu quang trong Hoàng thành Thăng Long.
SOI DƯỚI ÁNH SÁNG THẤY CẶP RỒNG
Loại bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long là những hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công. Chúng đều là sản phẩm đơn chiếc và độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này.
Bản nghiên cứu "Những giá trị đặc trưng của hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia tại Hoàng thành Thăng Long năm 2021" đã đề cập. Mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2002.1.2714; ký hiệu khảo cổ là BĐ02.A9.L5 thì chiếc bát thứ nhất được gọi tắt là bát A9-2714. Bát được phát hiện cùng với các hiện vật có niên đại thời Lê sơ thế kỷ 15 – 16, nằm trong lớp trầm tích chưa nhiều cổ vật sành, gốm ở 2 khu khảo cổ A và B trong Hoàng thành.
Chiếc bát mang mã hiệu A9-2714. (Ảnh: Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long)
Chiếc bát thứ hai A22-3071 có mã số đăng ký theo quản lý hiện hành của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: 1.2017.1.3071; Ký hiệu khảo cổ là BĐ02.A22.L9. Bát A22-3071 được tìm thấy ở độ sâu sâu hơn so với Bát A9-2714 nhưng trong cùng địa tầng. Diễn biến địa tầng các lớp phía trên cũng tương đồng với diễn biến địa tầng phía trên của Bát A9-2714.
Chiếc bát mang mã hiệu A22-3071. (Ảnh: Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long)
Hai chiếc bát dù có chút khác nhau về kích thước nhưng hoa văn trang trí gần như hoàn toàn giống nhau.
Bát có xương gốm vô cùng mỏng, mỏng như vỏ trứng, độ trong của xương rất cao, thậm chí ánh sáng có thể xuyên qua, khi soi dưới đèn sẽ thấy hoa văn hình rồng nổi lên. Điều này cho thấy trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ thời Lê sơ đã đạt đến trình độ rất cao.
Cụ thể: Cách miệng bát khoảng 1,8-2cm xuống dưới là 2 đường chỉ nổi, phía dưới đường chỉ nổi là đồ án hoa văn chính. Đồ án hoa văn chính là đôi rồng được thể hiện trong tư thế đang bay lượn trong mây tạo thành hình vòng tròn trên thành bát, hướng vận động theo chiều kim đồng hồ; giữa lòng bát in nổi một chữ 官 (Quan).
Bát có xương gốm mỏng như vỏ trứng, độ trong của xương rất cao. (Ảnh: Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long)
Hoa văn rồng được thể hiện ở tư thế bay lượn, đầu ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng về phía sau như cái bánh lái, vây dương cao, các chân thể hiện tư thế vận động như đang đạp vào mây.
Từ đầu xuống đuôi, thân uốn 4 khúc, khúc đầu tiên thân uốn khúc hình túi vải, khúc thứ hai uốn cong hình yên ngựa, các khúc còn lại độ uốn giảm dần về phía đuôi. Rồng có tổng cộng 4 chân, các chân được thể hiện ở tư thế vận động với các bắp cơ nổi khối, 5 ngón chân giang rộng như đang muốn cầm nắm lấy ngọc báu ở phía trước. Các đặc điểm của thân, đầu, râu, trán, sừng, mắt… của rồng thể hiện theo tiêu chuẩn 9 giống của một con rồng, cụ thể: đầu giống đầu con bò; sừng giống sừng hươu…
Đặc biệt, rồng có bờm và trán nổi u, chân rồng 5 móng là thể hiện sức mạnh và tính biểu trưng cho quyền lực của thiên tử.
Khi có ánh sáng xuyên qua, chiếc bát thấu quang hiện rõ hoa văn hình rồng. (Ảnh: Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long)
Cận cảnh hoa văn hình rồng bay lượn và miệng nhả ngọc in trên bát sứ ngự dụng. (Ảnh: Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long)
Chữ 官 (Quan) in nổi giữa lòng bát là kiểu chữ chân. Các nhà nghiên cứu tin rằng, chữ 官 (Quan) in trong lòng bát là minh chứng khẳng định rằng chúng là sản phẩm của lò quan, tức là lò do Quan xưởng thiết lập, chuyên sản xuất các vật dụng dành cho triều đình.
Cận cảnh chữ 官 (Quan) in nổi giữa lòng bát. (Ảnh: Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long)
Lò gốm Quan xưởng đã tồn tại trong suốt thời gian ngự trị của các vương triều, từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ, với lịch sử dài hơn 500 năm. Các chuyên gia phỏng đoán các lò gốm này có thể nằm trên bờ sông Hồng hoặc phía Tây kinh thành Thăng Long.
KỸ THUẬT CHẾ TÁC ĐẶC BIỆT
Theo các nhà nghiên cứu, kỹ thuật chế tác sứ trắng đã xuất hiện tại Đại Việt từ thời Lý, đến thời Lê sơ đã có những nét sáng tạo độc đáo về dòng men và kiểu dáng sản phẩm. Để hoàn thiện 1 sản phẩm, các nghệ nhân phải đáp ứng ít nhất 5 tiêu chí là: Xương được làm từ cao lanh và có phủ men; nhiệt độ nung phải từ 1.200 độ C trở lên; thủy tinh hóa toàn bộ độ dày; gõ phải phát ra tiếng kêu như chuông; ánh sáng có thể xuyên qua ½ độ dày của xương gốm.
Theo các nhà nghiên cứu, 2 chiếc bát được làm từ cao lanh có độ tinh khiết cao với kỹ thuật điêu luyện. (Ảnh: Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long)
Khi so sánh các tiêu chí của đồ sứ, 2 chiếc bát sứ ngự dụng của Hoàng thành Thăng Long thậm chí còn vượt xa rất nhiều. Những điểm đặc biệt của 2 chiếc bát sứ ngự dụng được thể hiện qua những khía cạnh như:
Nguyên liệu làm nên 2 chiếc bát là loại cao lanh có độ tinh khiết rất cao. Độ tinh khiết của cao lanh kết hợp cùng với nhiệt độ nung cao làm thủy tinh hóa toàn bộ độ dày của 2 chiếc bát giúp cho chúng có xương rất mỏng mà vẫn đảm bảo được độ bền và thấu quang.
Từ độ tinh xảo của 2 chiếc bát, chúng ta có thể thấy được một quy trình kỹ thuật nung đốt vô cùng khắt khe. Kỹ thuật làm lò, duy trì, kiểm soát và điều khiển nhiệt độ của lò nung sao cho sản phẩm không bị biến dạng so với cốt nung càng chứng tỏ rằng trình độ của các nghệ nhân rất điêu luyện.
Trình độ kỹ thuật chế tác của 2 chiếc bát sứ thấu quang vượt xa rất nhiều so với các sản phẩm cùng thời.
Kỹ thuật tạo dáng và in ấn hoa văn cũng đã thể hiện một bước phát triển vượt bậc của trình độ sản xuất gốm sứ thời Lê sơ. Đây là kỹ thuật chuốt dáng bát bằng tay trên bàn xoay, hoa văn in nổi, các chi tiết nhỏ của hoa văn được thể hiện chi tiết, cụ thể cho thấy khuôn và cốt bát rất ăn khớp. Ngoài ra, để in được các chi tiết hoa văn nhỏ như vậy thì việc in phải diễn ra khi cốt còn ướt. Với xương mỏng như vậy, việc in ấn hoa văn khi cốt ướt phải yêu cầu độ chính xác gần như tuyệt đối giữa khuôn và cốt. Những kỹ thuật này đều được làm thủ công. Bên cạnh đó, chữ "Quan" in trong lòng bát cho thấy các nghệ nhân làm tại các quan xưởng của triều đình đều là những tinh hoa của làng gốm thời bấy giờ.
Các chuyên gia đã tiến hành phân tích thành phần trên bề mặt của 2 chiếc bát. Theo kết quả phân tích, trên cả 2 chiếc bát đều có các nguyên tố như: Vàng chiếm tỉ lệ 2,1 đến 4,7%; Paladi chiếm 8 đến 11,5%; Zirconi là 4,5 đến 9,3%. Việc có nguyên tố vàng cho thấy có thể 2 chiếc bát sứ ngự dụng thấu quang vốn còn được vẽ vàng.
Kết quả phân tích cho thấy, trên bề mặt cả 2 chiếc bát có sự hiện diện của vàng. (Ảnh: Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long)
Đặc biệt, sự xuất hiện của Paladi và Zirconi giúp làm tăng độ bóng, trong và bền của men khiến cho các nhà khảo cổ vô cùng bất ngờ. Với trình độ khoa học ở thời Lê sơ, thì việc sự hiểu biết cũng như tìm kiếm các nguyên tố này để đưa vào làm nguyên liệu chế tác đồ sứ đã cho thấy sự phát triển vượt bậc của kỹ nghệ sản xuất gốm thời kỳ này.
HIỆN VẬT ĐỘC BẢN
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, loại bát sứ men trắng có hoa văn rồng xương mỏng như 2 chiếc bát kể trên mới chỉ được tìm thấy tại di tích Lam Kinh và Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, số lượng rất hạn chế.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ khi khai quật tại khu lăng tẩm và thái miếu của triều Hậu Lê tại Lam Kinh đã phát hiện được một số mảnh bát sứ trắng in nổi hình rồng 5 móng giống như hai chiếc bát sứ ngự dụng của Hoàng thành. Đáng tiếc, những hiện vật ở Lam Kinh đều bị vỡ, chúng không còn đủ mảnh để ghép đủ dáng.
Trên thực tế, Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện được nhiều tiêu bản bát sứ thấu quang nhưng số lượng đủ dáng không nhiều. Do đó, có thể khẳng định, 2 chiếc bát sứ ngự dụng thấu quang được tìm thấy chính là hiện vật độc bản. Hơn nữa, 2 chiếc bát sứ này còn là những hiện vật còn đầy đủ dáng nhất trong bộ sưu tập bát sứ trắng cao cấp trang trí rồng và đồ ngự dụng thời Lê sơ đã tìm thấy.
Hai chiếc bát sứ ngự dụng thấu quang của Hoàng thành Thăng Long là những hiện vật còn đầy đủ dáng nhất thời Lê sơ đã được tìm thấy. (Ảnh: Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long)
Theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành trên báo Lao Động thì: "Bát sứ men trắng, thấu quang được đánh giá là một trong những đồ sứ ngự dụng quý hiếm nhất của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Đây là phát hiện quan trọng và có ý nghĩa khoa học rất lớn trong lịch sử gốm cổ Việt Nam, bởi đây là lần đầu tiên ở Việt Nam tìm thấy bằng chứng chắc chắn về sản phẩm của lò quan Thăng Long, chuyên chế tác đồ sứ cao cấp dành riêng cho nhà vua sử dụng trong Hoàng cung. Đây là những đồ dùng vật dụng trong cung, phản ánh quyền lực, quyền uy và đẳng cấp cao sang, vượt trội so với đồ gốm của các tầng lớp trong xã hội đương thời. Những đồ sứ ngự dụng này còn cho chúng ta có những cảm nhận chân xác và sâu sắc hơn về các loại hình đồ sứ ngự dụng dành riêng cho các vua chúa Đại Việt sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa.