KTS Nghiêm Đình Toàn là nhà đồng sáng lập công ty me + Architect. Anh tốt nghiệp ĐH Kiến trúc TPHCM, có bằng thạc sĩ xuất sắc tại trường ĐH Salford, Anh. Năm 2016, anh, khi đó là đại diện công ty a21studio, đã trình bày đạt giải nhất tại cuộc thi Festival kiến trúc Thế giới WAF (World Architecture Festival). Đây là một giải thưởng uy tín, có quy mô lớn toàn cầu và được ví như giải Oscar của ngành Kiến trúc.
Năm 2021, vượt qua hàng nghìn nhóm thiết kế khác, công trình The Veil - White Palace Phạm Văn Đồng do anh chủ trì thiết kế, cùng với Tho.A, đã có mặt trong danh sách rút gọn đề cử giải Display: Completed Building của Festival kiến trúc Thế giới WAF. Thành tựu này đã có những tác động không nhỏ đối với KTS Nghiêm Đình Toàn.
- Công trình The Veil được lọt vào top 400 của giải Oscar kiến trúc thế giới đem đến những khác biệt gì trong sự nghiệp của anh?
Khi một công trình được lọt vào vòng chung kết giải thưởng WAF thì nhiều người biết đến tôi hơn. Theo đó, những cơ hội làm việc, lựa chọn những công trình tốt cũng tìm đến nhiều hơn.
Nhưng giải thưởng chỉ là một cột mốc có tính thời điểm, không đại diện cho cả quá trình làm nghề. Giải thưởng này khiến tôi và các cộng sự cẩn thận hơn khi làm việc. Để sau này, mọi người không coi việc tôi được đề cử giải thưởng là một sự may mắn nhất thời.
- The Veil đã được anh và các cộng sự thực hiện như thế nào?
Khi chúng tôi nhận dự án, đơn vị đầu tư và vận hành tự bố trí bố cục, khối tích, thậm chí dây chuyền công năng đều đã có sẵn. KTS nào cũng có niềm tin vào công việc mình làm, đôi khi sẽ cảm thấy không thoải mái nếu vẽ theo những thứ mà CĐT đã "đo ni đóng giày". Bởi khi đó, họ chỉ như một nhà "trang trí".
Vì thế, White Palace là một thử thách đối với tôi và cộng sự để có thể xử lý một công trình thân quen, trở nên có sự khác biệt, ấn tượng.
May mắn là, chủ đầu tư The Veil chấp nhận cho tôi và các cộng sự thử sức, tạo ra những điều mới mẻ chưa từng có trước đây. Bởi đây là công trình thứ 3 hợp tác cùng, chúng tôi đã có sự hiểu nhau nhất định.
Điều quan trọng nhất là công trình đã được hoàn thành. Cũng giống như điều đáng quý nhất đối với một con người là được sinh ra. Vì chỉ khi được sinh ra thì họ mới có cơ hội được đóng góp cho cuộc đời.
-Tại sao The Veil lại lựa chọn chất liệu thép đục lỗ chứ không phải 1 chất liệu khác?
Đó là suy luận theo logic thôi. Khối chính của The White Palace vốn cần phải kín, được sử dụng vật liệu bằng gỗ, có tính cứng, đặc và chắc. Vì thế, phần không gian bên ngoài tôi muốn có sự mềm mại, mỏng bao bọc. Bởi thế, một chất liệu mỏng, đục lỗ cho cảm giác có sự lớp lang, bông xốp hơn.
Ban đầu tôi tưởng tượng đó nên là một lớp lưới bằng inox đục lỗ,một vật liệu hoàn hảo khi có độ bóng, phản chiếu hình ảnh khi có người đi qua. Tuy nhiên, sử dụng inox thì chi phí quá cao.
Sau khi bàn bạc, mọi người cùng đi tới phương án sử dụng thép đục lỗ vì chi phí tốt hơn, và vẫn tạo ra hiệu ứng mềm mại. Và lớp sơn màu trắng cho cảm giác như những đám mây, cho phép khách tham quan đi xuyên vào nó, lúc ẩn lúc hiện.
- Trong quá trình thực hiện The Veil, đâu là khâu khó khăn nhất và anh đã vượt qua như thế nào?
Nếu tạm gọi công trình The Veil đã đạt được một số thành quả nhất định. Thì việc đưa ra ý tưởng trên mới chỉ đóng 5% tổng khối lượng công việc thôi, chiếm 1 phần rất nhỏ trong những nỗ lực để công trình thành hiện thực.
Để có được ý tưởng thú vị dĩ nhiên là khó. Nhưng cái khó khăn nhất là sự phối hợp của các bên để biến ý tưởng đó thành sự thật. Vì trong kiến trúc, đôi khi sự không hiểu ý của các bên sẽ là trở ngại lớn để hoàn thành công việc.
Để một công trình được "sinh ra", các cá nhân, đối tượng tham gia công trình cần có sự kết hợp. KTS trưởng – người điều phối thiết kế phải điều chỉnh thiết kế sao cho phù hợp với thời gian thi công, chi phí hợp lý cho công trình…
Dù sự kết hợp đó không phải lúc nào cũng yên ả, nhưng mọi thành viên đều hướng tới mục tiêu tốt đẹp. Đó là điều cực kỳ may mắn và thuận lợi đối với tôi khi thực hiện công trình này.
- Anh từng nói, làm Kiến trúc phải đem đến sự bất ngờ. Sự bất ngờ đó của The Veil có nằm trong tính toán của anh không?
Tôi hi vọng rằng the White Palace Phạm Văn Đồng thực sự mang đến sự bất ngờ cho mọi người. Điều đó cũng có nghĩa rằng nhóm thiết kế đã chuyển tải thành công những những dự định của mình đến với người sử dụng.
Với tôi, thiết kế kiến trúc là một quá trình. Một công trình kiến trúc thông thường kéo dài từ nửa năm đến vài năm. Vì thế, khi hoàn thành thì nó không hoàn toàn là sự bất ngờ cho những người tham gia. Bởi chẳng ai bất ngờ gì nữa trước 1 công trình xây dựng suốt một thời gian dài.
Tuy nhiên, nếu quá trình diễn ra như vậy từ năm này đến năm khác thì mình sẽ sống như thế nào với công việc này? Chính mình tạo ra cho mình sự thử thách, chỉ cần thay đổi từng chút ở những thứ mình thường làm thì dần dần, có thể tạo ra một thành quả bất ngờ. Và việc này, lâu dần trở thành thói quen của mình và cũng chính là ý nghĩa của việc: Kiến trúc là tạo ra sự bất ngờ.
Tôi thích sự mới mẻ trong công việc không phải vì mục đích khiến cho người ta ngạc nhiên, tạo hiệu ứng lôi kéo sự chú ý. Tôi muốn tạo sự bất ngờ cho chính mình và cả cộng sự trong những công việc mình làm hàng ngày. Sự chú ý của mọi người, nếu có, chỉ là một sự phát triển sau đó.
Khi chỉ nghĩ tới việc khiến người khác bất ngờ, đôi khi mình sẽ chỉ chạy theo người ngoài riết, mà quên đi mục tiêu của chính mình. Nếu chỉ loanh quanh tìm câu trả lời cho câu hỏi của người khác, đến cuối cùng, kết quả cũng sẽ chẳng khiến ai bất ngờ cả.
- Khi thiết kế những công trình thương mại, anh phải giải quyết những điều gì để có thể dung hòa giữa ý tưởng của mình, nhu cầu của chủ đầu tư và thực tế công trình?
Đầu tiên, KTS phải thấu hiểu đối tượng mà mình làm việc cùng. Đối tượng ở đây, không chỉ là Ban giám đốc, đối với công trình thương mại, mà còn là các đơn vị vận hành, tài chính, marketing, ban quản lý dự án cho đến thi công và đặc biệt là người sử dụng cuối cùng. Một câu chuyện xuyên suốt, kết nối các đối tượng đó, luôn đóng vai trò cốt lõi và có ích cho việc hướng mọi người đến một cái đích chung. Khi đã có một câu chuyện tốt, đủ mạnh, thì các quá trình thực hiện tiếp theo sẽ trở nên đơn giản hơn. Ít nhất khi đó, mọi người đều biết mình đang làm cái gì và vì sao như vậy.
Rất khó để đề xuất 1 phương án hoàn hảo ngay từ đầu. Nhưng dù là vấn đề lớn hay nhỏ thì khi mổ xẻ vấn đề, tìm ra điểm cần thay đổi để phù hợp với các bên thì sẽ giải quyết được.
- Anh đã làm thế nào để tạo những dấu ấn của riêng mình trong các công trình mà anh thiết kế?
Tôi không cố gắng tìm kiếm dấu ấn riêng của mình. Tôi nghĩ việc mình làm là để công trình được người sử dụng chấp nhận. Giữa một công trình được nhiều khen ngợi, giải thưởng và một công trình được nhiều người sử dụng, thì tôi thích cái thứ 2 hơn. Vì các CĐT đều mong muốn 1 công trình được sử dụng hiệu quả, kinh doanh được.
Một công trình đậm dấu ấn của KTS, như một tượng đài nghệ thuật nhưng lại không thể sử dụng, kinh doanh hiệu quả thì cũng không phải một công trình thành công.
Mỗi công trình như một cơ thể sống, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xung quanh tạo ra nó, kiến trúc sư, chủ đầu tư, thi công, môi trường, thời điểm… Tôi cho rằng việc tôn trong các yếu tố đó, để cho các yếu tố đó phát triển thuận lợi tự nhiên, đã tạo ra sự khác biệt cho công trình.
-Dưới góc độ 1 KTS, một công trình đẹp thực sự cần đảm bảo những yếu tố gì?
Kiến trúc là một ngành nghệ thuật, ở đó yếu tố về mặt thị giác tác động rất lớn để lựa chọn kiến trúc sư. Bởi vậy, một công trình đẹp, trước tiên cần có yếu tố thẩm mỹ, tác động trực tiếp tới thị giác của người khác. Không có gì ngoài điều đó.
Chỉ khi thấy công trình đẹp, người ta mới đi tìm hiểu sâu hơn về chi phí, kết cấu, thiết kế…. Giống như yêu từ cái nhìn đầu tiên. Khi xây dựng 1 công trình không đủ đẹp thì mình mới mới lấy các yếu tố khác để làm lí do cho sự ra đời của công trình đó.
Đôi khi chạy xe ngoài đường hoặc đọc tạp chí, việc đầu tiên khi bạn dừng mắt bởi một công trình và về vẻ đẹp của nó, điều đó mới dẫn dắt tới việc mình tìm hiểu, hoặc nghe giải thích, thuyết trình về những "giá trị tiềm ẩn" khác. Bởi vậy, "yêu từ cái nhìn đầu tiên" là cơ hội gần như duy nhất để người ta đánh giá vẻ đẹp của một công trình.
- Tới thời điểm hiện tại, công trình nào khiến anh tâm đắc nhất?
Đối với tôi, những công trình tôi đang làm hiện tại là tâm đắc nhất. Với những công trình đã qua thì luôn có những tiếc nuối. Tôi luôn hướng tới mục tiêu làm những công trình ngày càng tốt hơn những cái đã đi qua.
- Khi thiết kế cách công trình, anh tìm cảm hứng từ đâu?
Kiến trúc là sự kết hợp rõ rệt giữa nghệ thuật và kỹ thuật khi vừa có tính nghệ thuật và đảm bảo tính kỹ thuật.
Tôi luôn tưởng tượng ở góc nhìn của một người quan sát, khi công trình hoàn thiện ra thì nó sẽ như thế nào, hiện lên ra sao, mọi người sẽ sử dụng công trình như thế nào. Đó là 1 trong những điều thích thú của người KTS. Rồi khi mọi thứ biến thành sự thật thì thực sự tuyệt vời. Đó là điều cơ bản mà tôi làm hàng ngày.
-Anh từng chia sẻ: Anh rất thích nghề kiến trúc sư, vì nghề cho anh rất nhiều góc nhìn khác nhau. Góc nhìn của nhà thầu, góc nhìn của chủ đầu tư… Theo anh, 1 KTS giỏi sẽ cần rèn luyện những kỹ năng gì, bên cạnh yếu tố chuyên môn?
Tôi khẳng định là tôi rất thích nghề KTS. Tôi không dám nhận mình là 1 KTS giỏi để cho lời khuyên về việc cần phải có điều gì để trở nên giỏi. Nhưng với những người làm việc cùng tôi, tôi mong muốn một công sự có sự lắng nghe, thông cảm với những người làm cùng với mình. Bởi vì trong mọi dự án thì KTS là người chịu trách nhiệm tạo ra một công trình phù hợp với nhu cầu của khách hàng – người thuê mình.
Thứ 2, KTS chủ trì dự án khi thiết kế cần nghĩ về những người cùng làm việc mới mình, đó là bộ phận thi công, dự án…. Nếu mình thiết kế như vậy thì những người khác phối hợp với mình ra sao, những người thi công có thể thực hiện thiết kế của mình ra sao… Nếu lờ đi tất cả những điều đó khi thiết kế, không quan tâm đến những người đi cùng mình thì sản phẩm được thiết kế sẽ không thể thực hiện. Khi đó, bản vẽ buộc phải thay đổi.
Thứ 3 là, hiện tại các CĐT có rất nhiều lựa chọn KTS Việt Nam hay nước ngoài, các công ty tư vấn… Vì thế, ngoại ngữ là 1 điều cần thiết với các KTS để trao đổi công việc, bảo vệ ý kiến, ý tưởng của mình dù ở thị trường Việt Nam hay thế giới.
Dù bạn làm việc ở đâu đi chăng nữa thì đều cần tác phong chuyên nghiệp và có trách nhiệm với công việc của mình. Không ai có thể đảm bảo công việc của mình không xảy ra sai sót. Nhưng điều quan trọng hơn là khi xảy ra sai sót thì bạn cần có thái độ chịu trách nhiệm và sửa chữa sai lầm. Khi có thái độ tốt thì tự nhiên tác phong sẽ nghiêm chỉnh, trình độ làm việc sẽ tốt hơn. Dù ở ngành nghề nào cũng cần các yếu tố đó.
-Điều gì giúp anh duy trì động lực làm việc mỗi ngày?
Tôi khởi động mỗi ngày bằng việc tập luyện và làm việc với cường độ rất cao. Với tôi sức khỏe là yếu tố rất quan trọng.
Tôi rất thích boxing, bởi có lẽ nó giúp tôi giải tỏa căng thẳng. Tôi thích những môn thể thao có tính va chạm mạnh… Có những thời điểm tôi từng nghĩ đến việc từ bỏ kiến trúc để theo đuổi nghiệp boxing. (cười).
Boxing là môn thể thao trí tuệ. Nó giống như một trận đấu cờ, hai người luân phiên suy nghĩ, đoán định những hành động của đối phương lẫn đề ra kế hoạch của mình, nếu sai, bạn sẽ trả giá. Bạn sẽ phải sử dụng não bộ rất nhanh để ứng phó với những bước đi của đối thủ. Bạn cần duy trì sự tập trung cho đến khi kết thúc trận đấu. Tất cả những điều trên, diễn ra hệt như việc thiết kế, hoặc mở rộng ra, gần như tất cả mọi việc trên đời này.
Tôi chỉ luôn cố gắng duy trì các thói quen tốt cho cuộc sống và công việc hàng ngày của mình thôi như đọc sách, luôn tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Tôi nghĩ thái độ tích cực, vui vẻ là điều rất luôn luôn cần trong cuộc sống.
- Công việc của KTS rất bận rộn. Anh đã cân bằng cuộc sống như thế nào?
Mọi người tìm kiếm sự cân bằng, còn tôi thì không. Cuộc sống cũng như chiếc lò xo, có lúc bị nén, dồn hết cỡ với những căng thẳng, áp lực, rất bí bách. Nhưng cứ kệ nó đi. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ tìm được lối thoát, có thể thoát ra khỏi sức nén đó.
Nếu lúc nào bạn cũng nghĩ và tìm kiếm sự cân bằng thì phí thời gian quá. Tôi không có một công thức nào cả. Mà mọi chuyện sẽ là một bước tiến dần dần, và tự cởi nút thắt.
Tôi không cố gắng để vượt quá những khoảnh khắc mất cân bằng. Tôi luôn muốn tạo ra sự bất ngờ cho chính mình trong công việc. Vì thế, tôi vẫn duy trì việc vẽ của mình, để ngày mai khi nhìn lại, có thể tôi sẽ lại tìm ra những điều mới mẻ. Đó là một quá trình, một bước tiến từng bước một để tạo sự khác biệt. Công việc của tôi cũng giống như hơi thở của cuộc sống mỗi ngày.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!