Khi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter khai quật lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun vào năm 1922, ông báo cáo rằng mình thấy "những thứ tuyệt diệu". Lăng mộ Vua Tut tràn ngập những kho báu quý giá, bao gồm một mặt nạ vàng, ngai vàng và thậm chí một đôi xăng-đan cũng bằng vàng. Nhưng có phải mọi lăng mộ Ai Cập cổ đều hào nhoáng đến vậy không?
Câu trả lời là không. Mặc dù Đại Kim tự tháp Giza và các kim tự tháp Ai Cập cổ đại khác là những kỳ quan phi thường, những thứ được chôn giấu bên trong chúng đều có vẻ khá khiêm tốn so với kho tàng của các vị quốc vương sau này như Vua Tut.
"Đồ tùy táng trong các kim tự tháp lớn hơn có vẻ khá giản dị khi đem so với kho tàng của Vua Tut" - theo Wolfram Grajetzki, một nghiên cứu sinh tại Học viện Đại học London (UCL), chuyên gia về phong tục chôn cất và đồ tùy táng Ai Cập cổ đại.
Grajetzki cho biết các kim tự tháp được dùng làm nơi chôn cất cho các vị Pharaoh Ai Cập từ thời Vua Djoser (khoảng năm 2630 - 2611 TCN) đến thời Vua Ahmose (1550 - 1525 TCN). Phần lớn các lăng mộ này đã bị trộm mộ viếng thăm hàng thế kỷ trước, nhưng một vài trong số chúng vẫn còn nguyên vẹn bằng cách xem xét các kho tàng còn sót lại.
Lấy ví dụ, Công chúa Neferuptah (sống vào khoảng thế kỷ 19 TCN) được chôn cất trong một kim tự tháp gần di chỉ Hawara, khoảng 100km phía nam Cairo. Lăng mộ của bà được khai quật vào năm 1956 và chứa đồ gốm, một bộ quan tài, vài món nữ trang mạ vàng và gia huy hoàng gia để nhận diện với vị Thần địa ngục Osiris.
Vua Hor (sống vào khoảng năm 1750 TCN) được chôn cùng những món đồ tương tự, dù ông không được táng trong một kim tự tháp.
Lăng mộ của Hoàng hậu Hetepheres, mẹ Vua Khufu - người xây Đại Kim tự tháp - có "cao cấp" hơn một chút. Được xây trong quần thể Giza, lăng mộ này chứa một chiếc giường và cặp ghế được trang trí với vàng, cùng đồ gốm và vài món dụng cụ bằng đồng thu nhỏ.
Phần cấu trúc bên dưới trong kim tự tháp chưa hoàn thiện của Vua Sekhemkhet vẫn yên bình trước nạn trộm mộ, được tìm thấy gần Saqqara. Theo nhà Ai Cập học Reg Clark, chiếc quách của nhà vua rỗng không, nhưng các nhà khảo cổ học tìm thấy 21 vòng tay vàng, một chiếc đũa thần hoặc quyền trượng vàng, và nhiều món kim hoàn khác trong một hành lang. Dù có vẻ khá ấn tượng, số đó chưa thấm vào đâu với kho tàng của Vua Tut.
Khác với các vị vua đời trước, kho tàng của Tutankhamun xa xỉ hơn nhiều. Ông cũng được chôn cất tại Thung lũng các Vị vua, một địa điểm hẻo lánh gần Luxor ngày nay và là nơi được dùng làm địa điểm chôn cất chung của Hoàng gia suốt hơn 500 năm thời Tân Vương quốc.
Những kho báu lớn chưa bao giờ được tìm ra ở bất kỳ kim tự tháp nào khác, theo chia sẻ của Hans-Hubertus Münch, một học giả chuyên về đồ tùy táng Ai Cập cổ đại. Kể cả thời đại trước khi có các kim tự tháp, cũng không có kho tàng lớn với đồ chôn cất xa xỉ nào được phát hiện. Chỉ sau khi thời đại xây dựng các kim tự tháp kết thúc và Tân Vương quốc bắt đầu, số lượng đồ quý hiếm trong các hầm mộ mới tăng dần.
Thay vì những kho tàng khổng lồ chất đầy của cải châu báu, các kim tự tháp Ai Cập cổ lại được chạm khắc rất nhiều văn bản bằng chữ tượng hình, được các nhà nghiên cứu gọi là "văn kim tự tháp". Các văn bản này ghi lại thần chú hoặc những nghi lễ cổ, các nhà Ai Cập học cho hay.
Những câu thần chú trên được cho là giúp các mảnh linh hồn "ka" và "ba" của người chết hợp nhất ở bên kia thế giới thành "akh" - một dạng tồn tại hoàn thiện hơn theo quan niệm của người Ai Cập cổ.
Nguồn: Livescience