Dịch bệnh ập đến tạo điều kiện thuận lợi cho những cảm xúc tiêu cực, nhất là khi chúng ta đang trải qua một khoảng thời gian ở nhà giãn cách khá dài. Đối diện với các thành viên trong gia đình mặc dù là một chuyện tích cực thế nhưng không thể phủ nhận về thông tin số người mắc bệnh trầm cảm tăng vọt trong thời gian này!
Xin được phép trích lời từ Giáo sư Cao Tiến Đức trên Cổng thông tin của Bộ Y Tế để chúng ta nắm rõ được tầm quan trọng của những diễn biến tâm lý tiêu cực: "Đại dịch COVID-19 là một sang chấn, sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân, không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ nhỏ và vị thành niên nguy cơ rối loạn tâm thần cũng rất cao".
Dư chấn của đại dịch Covid-19 khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn nhưng làm sao để bạn tin rằng: Mọi việc rồi cũng sẽ qua?
Sau một tuần khởi động, chuyên đề Ở Nhà Sinh Chuyện, AFamily đã nhận được nhiều câu hỏi, tâm tư, nguyện vọng của các độc giả liên quan đến các vấn đề tâm lý, đúng như tên gọi mà chuyên đề chúng tôi đặt ra: Ở nhà đích thị là sinh ra rất nhiều chuyện!
Mẹ chồng hà khắc chi tiêu, luôn có thành kiến với tôi kể cả khi tôi đúng
Câu chuyện của chị N.T.N (44 tuổi, ngụ TP.HCM) là một câu chuyện điển hình trong rất nhiều câu chuyện làm dâu trong suốt thời gian giãn cách. Chị N. cho biết, những mâu thuẫn nhỏ nhặt xảy ra giữa chị với mẹ chồng hằng ngày khiến chị mệt mỏi và gần như không còn muốn về nhà.
“Tôi cảm thấy buồn vì sự thiên vị trong nhà. Khi tôi mua đồ, dù là 10.000 đậu phụ mẹ chồng cũng chê trách là lãng phí, không biết cân đo đong đếm. Còn chồng tôi mua 1 cái đồng hồ cổ giá 30 triệu mà không thể đánh chuông đúng giờ, bà cũng không nói 1 câu”, chị N. khuất tất kể.
Theo chị N. cho biết, nhà chị có 8 thành viên, trong đó gồm bố mẹ chồng, vợ chồng chị với 2 con nhỏ và 2 cháu nhỏ sang ở tránh dịch: “Tôi hỏi thì bà bảo đàn ông như cái giỏ, đàn bà như cái nơm, chồng đã hoang phí thì vợ phải tiết kiệm. Nhưng tôi tiết kiệm theo ý bà thì chồng tôi lại nặng nhẹ vì không lo chu đáo cho bố mẹ và các cháu.
Tôi mua gì cũng cố gắng hỏi ý mẹ chồng trước nhưng bà vẫn chê. Trẻ con thích ăn đồ chiên rán, pizza,... mua sẵn thì bà chê không sạch sẽ, còn mua đồ về làm không ngon bằng ngoài hàng nên có lúc chúng nó không ăn hoặc ăn không hết tôi cũng bị chê trách. Nhiều lúc tôi rất mệt mỏi mà không biết chia sẻ với ai”.
Ngoài mẹ chồng, chị N. còn gặp rắc rối khi các cháu chồng sang ở tránh dịch.
“Con còn nhỏ phải uống sữa cho trẻ dưới 1 tuổi, tôi mua riêng cho con thì cháu chồng tranh uống hết, tôi trách thì mẹ chồng bảo lỗi tại tôi mua về, không mua nữa vừa đỡ tốn tiền vừa đỡ lắm chuyện. Tôi đã giải quyết bằng cách mua riêng sữa cho bé lớn và sữa cho bé nhỏ, nhưng đám cháu cứ thích tranh uống sữa của em bé.
Những chuyện nhỏ nhặt cứ tích tụ hàng ngày khiến tôi mệt mỏi và áp lực đến nỗi không muốn về nhà. Chồng tôi thì cảm thấy chẳng có gì to tát cả, chỉ toàn chuyện lông gà, vỏ tỏi nhưng sao tôi cứ thấy nặng nề?”.
Nhận được câu hỏi này, Chuyên viên tham vấn, trị liệu tâm lý Nguyễn Minh Nhân đến từ đội ngũ chuyên gia Tâm lý từ MindCare - Viện Tâm Lý và Giáo Dục Việt Nam đã có những giải đáp:
“Xuyên suốt bức thư tôi nhận ra những nỗ lực rất lớn từ bạn, cố gắng làm hài lòng các thành viên trong gia đình, giữ hoà khí thế nhưng có thể cách làm chưa được hiệu quả dẫn đến những hệ quả khiến chúng ta cảm thấy khó chịu.
Xin phép được đưa ra một số nhận định như sau, thông qua đó bạn có thể tham khảo và đưa ra cho mình theo những giải pháp phù hợp nhất.
Đầu tiên các vấn đề của bạn liên quan đến mẹ chồng. Như bạn chia sẻ, mẹ chồng bạn đã thiên vị cụ thể ở đây là trong việc chi tiêu, khi mẹ chồng cố gắng nói với bạn rằng hãy chi tiêu một cách tiết kiệm thì lại không để ý đến chi tiêu của chồng bạn.
Các vấn đề trong gia đình nói chung tạm thời có thể chia ra làm 3 nhóm cách giải quyết, đầu tiên là Nhẫn nhịn - Tránh né - Giải quyết.
Tôi không nói cái nào là tốt là xấu, ở nhóm cách giải quyết, đây cũng là cách bạn đang làm nhưng có vẻ như nó không mang lại hiệu quả. Nhóm tránh né 2 ở trường hợp của bạn nó không phù hợp nhất là trong thời gian giãn cách, chúng ta không thể né tránh. Do đó chúng ta cần phải tìm đến nhóm phương án trực tiếp giao tiếp với nhau để giải quyết những vấn đề đang xảy ra.
Quay lại câu chuyện chi tiêu, câu hỏi được đặt ra cho bạn đầu tiên là: “Số tiền bạn chi tiêu là do ai kiếm được chồng hay là do bạn tự kiếm được?”.
Chuyên gia tham vấn tâm lý mùa dịch
Thứ nhất nếu là thu nhập của bạn thì bạn hoàn toàn có quyền chi tiêu với nó và có lý do chính đáng để chi tiêu với nó. Tuy nhiên nếu nó là tiền mà chồng bạn giao cho bạn để bạn chi tiêu, trang trải những chi phí trong gia đình thì có thể phần nào hiểu được tâm lý của mẹ chồng bạn khi nghĩ về sự vất vả của con trai. Chúng ta có thể giải thích như vậy.
Tuy nhiên, rõ ràng người giao tiền cho bạn là một người khác và người đánh giá khả năng chi tiêu của bạn lại là một người khác do đó bạn có thể phản hồi trực tiếp điều này với chồng của bạn.
Theo như những gì bạn kể lại, mẹ chồng bạn là một người thích phán xét, chỉ trích. Đây có thể là vấn đề về thói quen, niềm tin, thái độ. Việc tôi nghĩ bạn cần làm nhất đó là nhường quyền quyết định cho họ, hỏi ý kiến họ. Hoặc đôi khi bạn cũng cần phải thẳng thắn hơn, bạn có thể phản hồi trực tiếp với cách mà mẹ chồng đang làm với bạn. Tuy rằng việc này khó khăn, nhất là trong nền văn hoá của chúng ta sẽ khiến chúng ta rơi vào tình trạng cãi lại. Nếu khéo léo hơn bằng cách đưa ra những lập luận A, B: “Làm A không được, làm B lại càng không vậy thì theo họ nên làm như thế nào?” với thái độ nhã nhặn, cầu thị, không cãi lại.
Ngoài ra, câu chuyện của bạn còn liên quan đến vấn đề mẹ chồng - nàng dâu, rất cần một người trung gian là người đàn ông trong gia đình đủ uy tín, đủ quyền lực đứng ra xử lý, phân giải, đưa ra cách giải quyết cho các vấn đề này. Bạn có thể giao tiếp, bày tỏ nhu cầu của bạn để chồng bạn đưa ra quyết định và chia sẻ với gia đình để giữa bạn và chồng có đường hướng chung khi giải quyết một vấn đề thay vì đưa ra đánh giá dựa trên quan điểm của mình”.
Hùng 2 tỷ mua nhà với người yêu, tôi rơi vào khủng hoảng khi dịch tới
Nếu như câu chuyện của chị N.T.N là một câu chuyện xảy ra trong gia đình thì câu chuyện của chị A.G.T (30 tuổi, TP.HCM) dưới đây lại là một câu chuyện ở giữa một các cặp đôi đang yêu nhau.
Chị T. bắt đầu rơi vào khủng hoảng khi nhận ra bản thân người yêu và mình có những mâu thuẫn không giải quyết được.
“Tôi và bạn trai quen đến nay đã hơn 5 năm, tôi hơn anh 2 tuổi. Trước đây, anh ấy sống ở Úc. Khoảng thời gian đầu, chúng tôi yêu xa đến năm thứ 4 anh chọn về Việt Nam sống và bắt đầu lại mọi thứ. Tôi rất trân trọng khi anh ấy chọn về Việt Nam để sống cạnh tôi nhưng đến nay ở tuổi 30, anh vẫn cứ loay hoay mãi với những thứ của riêng anh”.
Chị T. cho biết năm 2020, bạn trai của chị đầu tư vào một công ty khởi nghiệp và thất bại. Tiếp đến, anh ứng tuyển vào một công ty truyền thông và nghỉ việc sau đó không lâu. Chuyện bắt đầu khi anh muốn mua một căn nhà gần 3 tỷ đồng.
“Đầu năm nay, khi một người quen của tôi muốn bán căn nhà với giá gần 3 tỷ đồng, anh nghe xong thì quyết định mua, anh đã tính chuyện lướt sóng ngay sau đó để kiếm lời nhưng vì không có đủ tiền nên anh mượn gia đình 1 tỷ, riêng tôi đứng ra vay cho anh hơn 2 tỷ để cùng nhau mua. Phần tiền trả ngân hàng và tiền lãi phải đóng mỗi tháng phần của ai người đó giải quyết.
Rồi dịch đến, căn nhà chưa kịp bán nhưng nợ thì cứ phải trả. Nói một chút về quan điểm của tôi, trước đây, tôi không quan trọng lắm chuyện nhà cửa, mục tiêu của tôi ở thời điểm này là để dành tiền cho việc khác của bản thân và gia đình. Nhưng quan điểm ấy thay đổi khi tôi nghe anh tính toán về căn nhà kia, nghĩ thôi thì chung tay đầu tư 1 chút. Hiện tại hơn 3 tháng rồi tôi phải lấy hết tiền bản thân để trả nợ, tiền tiết kiệm còn đúng 200.000 đồng mà anh tuyệt nhiên không hỏi han gì, cũng chẳng có ý hay 1 lần ngỏ lời san sẻ, giúp đỡ tôi. Tôi thấy người ta mua nhà sao mà họ vui và hạnh phúc quá, còn tôi thì chỉ thấy nặng trĩu vai, nặng lòng”.
Ngoài vấn đề về tài chính, nhà cửa, chị T. và bạn trai cũng gặp khúc mắc trong việc cưới xin và sự nghiệp sắp tới.
“Sang năm là tôi 31, cưới xin không biết bao giờ, bản thân mang cục nợ còn phía anh thì vẫn mãi loay hoay không có công việc, không có thu nhập vì dịch. Tôi thật sự không biết có nên chia tay anh không thưa chuyên gia? Cuộc sống của tôi đã quá vất vả, nên giờ tôi chỉ mong có 1 người đàn ông che chở được cho mình thôi!”.
Chuyên viên tham vấn, trị liệu tâm lý Nguyễn Minh Nhân cũng đặt ra các phương án giải quyết cho trường hợp của T. trong đó chị T. cần trả lời một số câu hỏi về bản thân mình như sau:
"Khi được đọc qua câu chuyện của bạn, tôi thấy có một vấn đề bạn đang không biết có nên chia tay bạn trai hiện tại hay không bởi bạn cho rằng cuộc sống hiện tại của mình khá vất vả và bạn cần một người đàn ông có thể che chở cho mình, trong khi đó bạn đã cảm thấy tủi thân khi quen một người như vậy.
Tôi cho rằng khi đặt ra câu hỏi: “Có nên chấm dứt mốiliên hệ hay không?”, thực tế mỗi người đã có cho mình một đường hướng riêng, chúng ta hỏi như vậy để có thêm động lực đưa ra quyết định một cách nhanh chóng hơn, hoặc bản thân chúng ta chưa nhìn được hết các mặt của vấn đề, chúng ta cần nhìn nhận nhiều mặt hơn, sâu sắc hơn để có thể đưa ra một quyết định khiến chúng ta không hối tiếc.
Chuyên gia tham vấn tâm lý mùa dịch p2
Trong trường hợp muốn chấm dứt một mối liên hệ, 2 câu hỏi được đặt ra ở đây đó là: Tôi có được đáp ứng những điều tôi cần trong mối liên hệ này hay không và thứ hai là tôi có hối tiếc khi tôi chấm dứt không?. Nếu như chúng ta cảm thấy đây là mối liên hệ rất đáng để lưu giữ và chúng ta vẫn được đáp ứng những nhu cầu của mình thì rõ ràng chúng ta vẫn nên tiếp tục duy trì nó.
Qua câu chuyện bạn chia sẻ, có thể thấy những nhu cầu của bạn chưa được đáp ứng trong mối liên hệ này thế nhưng đồng thời bạn lại cảm thấy hối tiếc bởi vì chúng ta đã dành quá nhiều thời gian chonó. Hãy làm rõ bạn đang cần gì trong mối liên hệ này, bạn đang theo đuổi những giá trị gì.
Theo bạn, nếu như bạn thấy mối liên hệ này hoàn toàn có thể cải thiện thì hãy nỗ lực bày tỏ nhu cầu của mình để người bạn trai cố gắng thay đổi, cùng nhau thay đổi, mỗi người cố gắng một chút để không cảm thấy hối tiếc về sau khi mà bạn đã cố gắng hết sức.
Cách thứ 2 bạn có thể chọn chấm dứt sẽ tạo ra nhiều điều hối tiếc. Nhưng bạn biết đấy, cuộc sống thì vẫn cứ tiếp diễn và chúng ta cần phải đưa ra lựa chọn cho mình để bản thân mình không rơi vào những viễn tưởng.
Tôi hi vọng bạn có thể lựa chọn cho bạn một hướng đi để sớm giải quyết được vấn đề của mình.