Cho dù là trồng cây cảnh trong nhà hay có cả một khu vườn sân thượng xịn xò thì ngày càng có nhiều người theo đuổi “sự nghiệp” làm nông dân part-time. Bởi lẽ màu xanh mướt của cây cối đem lại cảm giác bình yên cho bất kỳ ai, nhất là giữa nhịp sống đô thị gấp gáp.
Khu vườn sân thượng rộng khoảng 60m2 của chị Nguyễn Phượng (37 tuổi) làm nghề kinh doanh ở Hà Nội là một ví dụ. Dù diện tích sân thượng có hạn nhưng chủ nhân khu vườn vẫn trồng được rất nhiều loại cây cối, là rau thì xanh mơn mởn còn là quả thì trĩu trịt khiến ai nhìn cũng mê.
Được biết chị Phượng bắt đầu làm vườn sân thượng từ năm 2017, khoảng 6 năm trước với mục đích lấy rau xanh phục vụ gia đình và có chỗ cho các con trải nghiệm. Thời điểm đó chị đã đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho các loại vật liệu như giá, kệ, chậu, đất, phân bón,...
Giống như nhiều nông dân part-time khác, ban đầu chị Phượng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc trồng rau do thiếu kinh nghiệm, do thời tiết khắc nghiệt,... Phải một thời gian sau, chủ nhân khu vườn mới rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân đồng thời tham gia các hội nhóm trồng trọt trên MXH để học hỏi nên mọi việc suôn sẻ hơn.
Hiện tại, khu vườn của chị Phượng cung cấp rau củ quanh năm. Mùa hè có mùng tơi, rau dền, rau muống, bồ ngót, khoai lang,… và các loại dưa lê, dưa lưới. Đến mùa đông khu vườn ngập tràn các loại rau xứ lạnh như bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, bầu bí, xà lách và các loại rau cải nội, ngoại.
Các loại dưa trong vườn vào mùa hè
Trong hành trình trồng rau của chị Phượng, không thể không kể đến người chồng tâm lý: “May mắn là mình được chồng ủng hộ nhiệt tình. Anh luôn phụ giúp mình những công việc nặng như đảo chậu, thay đất, ủ đất,... Đặc biệt, chính chồng mình là người đã thiết kế và lắp đặt khu vườn sân thượng này cho mình”.
Với kinh nghiệm của mình, chị Phượng cho biết chống thấm là một trong những khâu quan trọng với một khu vườn sân thượng, nếu không làm việc này kỹ thì có thể ảnh hưởng đến cả căn nhà. Ngoài ra nhà chị còn hàn các giá kê chậu cao hơn so với mặt sàn khoảng 50cm để nước mưa lưu thông tốt, khô nhanh và việc vệ sinh dọn dẹp vườn cũng dễ hơn.
Các thùng và chậu trồng rau được đặt cao hơn sân thượng khoảng 50cm
Về tính an toàn của khu vườn, tránh rủi ro không đáng có như chuyện điện giật vì hệ thống nước tưới, nhà chị Phượng sử dụng aptomat chống giật cho máy bơm. Ngoài ra vợ chồng chị cũng đặt máy bơm ở vị trí an toàn, tránh tiếp xúc với nước nên không quá lo lắng về chuyện rò rỉ điện.
Chủ nhân khu vườn cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm trồng trọt: “Để rau luôn xanh tươi, việc quan trọng nhất là trồng đúng loại đúng mùa. Cây cối phù hợp với khí hậu cộng với đủ dinh dưỡng sẽ hạn chế được sâu bệnh, đồng thời sẽ làm cho rau của mình luôn luôn tươi tốt”.
Mùa đông là thời gian cho các loại rau xứ lạnh
Về chi phí, chị Phượng khẳng định không có chuyện trồng rau là sẽ tiết kiệm hơn so với mua ngoài chợ: "Để trồng rau thực sự đảm bảo cho bữa ăn thì chi phí tốn hơn rất nhiều so với mua bên ngoài. Nguyên nhân đến từ việc mình luôn sử dụng các loại phân bón hữu cơ và dung dịch dinh dưỡng tự ủ nên chi phí khá tốn kém. So với giá rau ở chợ thì rau tự trồng đắt đỏ hơn còn so với rau organic thì giá cả tương đương. Ngược lại mình có thể yên tâm tuyệt đối về giá trị dinh dưỡng".
Với bản thân chị Phượng, trồng rau làm vườn cũng là một cách tự chữa lành. “Mỗi sáng thức dậy mình được hòa nhập vào thiên nhiên, được thư giãn với việc bắt sâu nhổ cỏ để bắt đầu ngày mới với năng lượng tích cực. Từ khi làm vườn mình cũng cảm thấy yêu đời hơn, được cười nhiều hơn, gia đình con cái có nhiều thời gian bên nhau hơn, làm tăng thêm sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình”.
Một số hình ảnh khác trong khu vườn nhà chị Phượng:
Chị Phượng còn trồn được một số loại cây ăn trái như sung Mỹ, cóc Thái
Các loại rau thuần Việt trong vườn