Không chế tạo tên lửa, cũng không biết nhiều về vũ trụ, John F. Kennedy đã dùng thuật lãnh đạo đại tài giúp Mỹ ‘vượt mặt’ Liên Xô như thế nào?

Vân Thảo | 21-04-2021 - 20:34 PM

(Tổ Quốc) - John F. Kennedy không chế tạo tên lửa. Ông cũng không khoác lên người bộ đồ phi hành gia hay đặt chân lên Mặt Trăng nhưng tầm nhìn và tài lãnh đạo của ông đã “khai thông” con đường khám phá không gian của nhân loại.

Cuộc chạy đua vào không gian và tầm ảnh hưởng từ người không biết gì về Mặt Trăng

Năm 1957, Liên Xô khiến cả thế giới kinh ngạc khi phóng vệ tinh Sputnik mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ. Sự kiện đã châm ngòi cuộc đua vào không gian, mà Mỹ lúc này đang thua cuộc.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Eisenhower, Mỹ khởi động dự án Mercury với mục tiêu đưa phi hành gia vào không gian nhưng dự án dần thất bại khi không có dấu hiệu tiến triển.

Cho đến tháng 4/1961, nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái Đất. Vấn đề là, Yuri Gagarin là người Liên Xô.

Một lần nữa, Mỹ lại thua trong cuộc đua khám phá không gian. Không lâu sau, John F. Kennedy - Tổng thống Mỹ đương nhiệm khi đó đã đứng trước Quốc hội Mỹ và phát biểu những lời làm thay đổi cuộc chơi.

Và trong năm 1961, Alan Shepard và Gus Grissom đã trở thành hai người Mỹ đầu tiên du hành vào không gian. Một năm sau đó, John Glenn Jr. trở thành người Mỹ đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái Đất.

Năm 1963, Mỹ có thêm ba du hành gia bay quanh quỹ đạo Trái Đất, mở đường cho bước tiến vĩ đại của nhân loại: Bay lên Mặt Trăng. Ngày 20/07/1969, phi hành đoàn của tàu Apollo 11 trong đó có Neil Amstrong, đã đáp xuống Mặt Trăng - hoàn thành mục tiêu thập kỷ mà Tổng thống Kennedy đã đề ra.

Không chế tạo tên lửa, cũng không biết nhiều về vũ trụ, John F. Kennedy đã dùng thuật lãnh đạo đại tài giúp Mỹ ‘vượt mặt’ Liên Xô như thế nào? - Ảnh 1.

Tên lửa phóng tàu con thoi Challenger của NASA. Ảnh: NASA

John F. Kennedy chính là đại diện tiêu biểu cho nhà lãnh đạo khai thông. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều nguồn quỹ khổng lồ đã được lập ra, nhiều trung tâm mới được xây dựng, cơ sở hạ tầng mới được tạo ra và nhiều hệ thống mới được đưa vào hoạt động.

Trong cuốn Talent Unleashed (tựa Việt: Kích hoạt tiềm năng), các tác giả đã liên tưởng hình ảnh của Kennedy giống như con tàu phá băng - loại tàu chuyên dụng để phá các tảng băng và dọn đường cho các con tàu khác ở vùng biển băng giá.

Tương tự, nhà lãnh đạo khai thông trong tổ chức không chỉ loại bỏ trở ngại và rào cản cho nhân viên, mà còn tạo ra môi trường làm việc phù hợp đồng thời trao quyền cho cấp dưới. Lúc này, họ không giống một vị sếp ra lệnh, mà như cố vấn và người hỗ trợ sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Lãnh đạo khai thông - Đỉnh cao của lãnh đạo

Trong các doanh nghiệp hiện nay, có 2 kiểu lãnh đạo thường thấy: Vi mô và phó mặc. Cuốn sách Kích hoạt tiềm năng định nghĩa, người quản lý vi mô liên tục dò xét và ra lệnh, không bao giờ nhượng quyền kiểm soát hoặc sở hữu cho ai khác.

Còn nhà quản lý bỏ mặc thường giao trách nhiệm nhưng không hỗ trợ nhân viên hoàn thành trách nhiệm. Họ phủi tay với trách nhiệm rồi biến mất mà không mang đến sự hỗ trợ hoặc nguồn lực tương xứng.

Người lãnh đạo khai thông không quản lý vi mô cũng không bỏ mặc đội nhóm của mình. Họ không liên tục "rình mò" và giành quyền kiểm soát, cũng không biến mất rồi bất thình lình xuất hiện để sửa chữa sai lầm của nhân viên.

"Khai thông" con đường là loại bỏ các trở ngại. Giống như người lái tàu phá băng, họ chính là người can thiệp và giữ cho con đường tiến lên phía trước được thuận lợi và thông thoáng. Công việc này đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ. Bằng cách đó, họ âm thầm thể hiện vai trò chèo lái xuất sắc trong tổ chức.

Nhà lãnh đạo khai thông là người không ngừng khích lệ người khác, loại bỏ chướng ngại và hiểu theo một cách nào đó, họ "trải nhựa" cho con đường nhân viên đi. Khi các thành viên trong nhóm cảm thấy tiếng nói và sự đóng góp của họ được tôn trọng, khi các kỳ vọng đã được làm rõ, và khi con đường đã được khai thông, thì tài năng có thể được khai phóng hoàn toàn.

"Có những việc bạn hoàn thành trong vòng 5 phút, nhưng nhân viên của bạn sẽ mất 5 giờ đồng hồ mới làm xong. Lúc đó, hãy mở đường bằng cách giúp họ phá bỏ rào cản, như giới thiệu mối quan hệ, gửi email giúp đỡ, giải thích khúc mắc cho họ…", cuốn sách gợi ý.

Như trong cuộc đua lên Mặt Trăng giữa Mỹ và Liên Xô, Tổng thống Kennedy và tầm ảnh hưởng của ông đã mang đến sự hỗ trợ thiết yếu cho con đường khám phá không gian của đội ngũ.

"Kennedy không chỉ tạo ra tầm nhìn bằng những lời kêu gọi xúc động, mà còn giúp loại bỏ chướng ngại và duy trì sự ưu tiên bằng cách khởi xướng và ủng hộ thực hiện những điều cần thiết để biến tầm nhìn thành hiện thực", các tác giả nhận xét.

Kích hoạt tiềm năng được viết bởi bởi tập thể tác giả thuộc FranklinCovey - tổ chức toàn cầu chuyên về đào tạo và phát triển lãnh đạo, kiến tạo văn hóa, triển khai chiến lược cho các doanh nghiệp.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực tuyển dụng và đào tạo nhân sự, các tác giả cho rằng, lãnh đạo chính là những cuộc đối thoại dài giúp nhân viên cảm thấy "được quan tâm" và "được thuộc về" tổ chức.

Và nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là khai phóng tiềm năng vô hạn của những người mình dẫn dắt, như cách John F. Kennedy đã làm trong hành trình chinh phục Mặt Trăng của nhân loại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM