Đội bóng nữ SHB FC, chỉ hơn 1 năm tuổi, vừa giành chức vô địch thứ hai trong năm 2024 tại giải Queen League S1, sau ngôi vương tại Cup Mùa Xuân ngành ngân hàng TP Hà Nội. Đội bóng nam SHB FC cũng trong TOP 5 giải HPL S11 – Giải đấu chuyên nghiệp cho bóng đá 7 người. Dấu ấn của đội bóng nam và nữ SHB FC là kết quả từ sự tập luyện bài bản, chuyên nghiệp, kỷ luật và đoàn kết khi cùng mang trên mình một màu áo.
SHB FC và nhiều đội bóng nội bộ tại các tỉnh/chi nhánh của SHB được "nuôi dưỡng" trong một tổ chức yêu bóng đá, yêu giá trị tinh thần của môn thể thao này. Những cán bộ nhân viên không chỉ mang tình yêu bóng đá trong huyết quản mà thấm đậm những nét văn hóa của Ngân hàng – một tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chuyên nghiệp, phát triển bền vững. Đó là nơi mỗi cá nhân luôn ý thức giữ gìn và xây dựng văn hóa của tổ chức, từ những hành động nhỏ lan tỏa giá trị lớn.
Cuối giờ chiều một ngày giữa tuần oi bức của Hà Nội, trên sân vận động trung tâm thể thao quận Hoàng Mai, vị HLV quan sát hơn 20 cầu thủ SHB FC xếp hàng trước mặt, ngẫm vài phút, chậm rãi nói:
"Hôm nay, chúng ta bước vào một buổi tập quan trọng. Tôi cảm ơn tất cả các bạn đã nghiêm túc sắp xếp thời gian. Chúng ta mỗi người đều có công việc và hoàn cảnh riêng, nhưng một đội bóng hoạt động quy củ tức là phải có kỷ luật, và mỗi người đều hy sinh một phần nào đấy quỹ thời gian của mình để cống hiến cho tập thể".
Sau các bài tập nhẹ, SHB FC chia đôi đá một nửa sân 7, bài tập đặc biệt bóp nghẹt không gian và đẩy các cầu thủ vào trạng thái phải vận động và tư duy liên tục. "Nhiều cầu thủ chuyên nghiệp không thể theo kịp nhịp độ sân 7 đâu nhé", ông Giám đốc kỹ thuật Lê Trọng Thủy chỉ vào sân giải thích. "Nhiều cầu thủ không quen sẽ nhanh chóng bị ‘hốc’, vì bóng lăn liên tục và không có thời gian nghỉ ngơi như sân 11 người".
Các khán giả và cổ đông viên của đội bóng nam SHB FC cần xem qua vài phút là hiểu phong cách của đội: không cầm bóng lâu, ưu tiên đá ít chạm, bóng sệt và toàn đội phải di chuyển cường độ cao để tạo ra các khoảng trống – một phong cách mang chút dáng dấp của "tiki-taka".
Giữ được kiểu chơi này một cách liên tục là điều không dễ dàng: nó thách thức sự vị kỷ của mỗi cầu thủ và đòi hỏi họ phải luôn ưu tiên tập thể trong mỗi quyết định của mình.
"Bản sắc của đội bóng SHB được xây dựng trên tinh thần tập thể và hướng đến sự cao quý trong thể thao. Khi lựa chọn cầu thủ, chúng tôi ưu tiên thái độ. Đó là những người có tư cách, đi kèm với chuyên môn, sẽ được chọn. Bạn có thể cải thiện về chuyên môn, nhưng hầu như không thể cải thiện được bản tính. Thà là chọn vế sau trước", ông Thủy nhấn mạnh.
Ông Thủy là đội trưởng đầu tiên của đội SHB phong trào, tiền thân của SHB FC dự giải HPL, hạng đấu cao nhất của sân chơi phủi toàn quốc hiện tại.
Nhớ lại hơn chục năm trước, ông Thủy hoài niệm về khoảnh khắc ông Nguyễn Huy Tài, hiện là Chủ tịch SHB FC, Phó Tổng giám đốc SHB định hướng con đường nghề nghiệp và sau đó là "mối duyên" đồng hành xây dựng đội bóng của SHB từ những ngày đầu.
“Thời tôi còn chơi bóng tại Thể Công, cầu thủ trẻ của đội chuyên nghiệp cũng không sướng gì. Nếu tôi không thể cạnh tranh được ở đội một Thể Công, thì cũng chẳng đi đâu được”, ông Thủy chia sẻ.
Khi ấy, đội một Thể Công có quá nhiều ‘cây đa cây đề’, như Hồng Sơn, Việt Hoàng, Quốc Trung... Tất cả đều đang ở đỉnh cao phong độ, các cầu thủ trẻ cùng lứa có rất ít cơ hội được thi đấu và khó nghĩ đến có thể khoác áo Đội tuyển Quốc gia. Vậy là ông Thủy ‘xuất ngũ’ và đi học. Cho đến giờ, đó thực sự là quyết định bước ngoặt của cuộc đời.
Sau khi ra trường và có cơ hội làm việc tại SHB, ông Thủy được ông Tài gợi ý về việc xây dựng một đội phong trào với những con người cốt lõi.
Những ngày đầu thành lập đội SHB phong trào, ông Lê Trọng Thủy vừa là đội trưởng vừa kiêm luôn vai trò HLV, chỉ đạo trên sân. "Không chỉ có thế, việc tổ chức hậu cần, nói vui là ‘xách nước bổ cam’, người đội trưởng cũng phải gánh vác hết. Mình cũng là người đi tuyển chọn từng người vào đội, cứ soi giò anh em ngân hàng nào đá tốt là gọi đi tập. Đầu tiên, thuê sân rồi tập một tuần hai buổi, đông thì chia đôi ra đá, xong đi bắt ‘đối’. Rồi quan sát và lọc tiếp để chọn ra nòng cốt cho đội".
Khi ấy, tài chính ngân hàng là ngành rất ‘hot’, thi tuyển đầu vào rất khắt khe. "Tôi còn nhớ đợt tôi thi tuyển vào ngân hàng ở điểm trường Việt Đức, tỉ lệ chọi phải lên đến 1:50, tức là 500 người thi chỉ lấy có 10 người thôi, như thi đại học", ông Thủy hồi tưởng.
Cho nên ngay từ thời điểm ấy, các cầu thủ SHB đã được sàng lọc rất kỹ về nhiều phương diện khác nhau, "quan điểm của các lãnh đạo cũng là phải đặt chuyên môn và đạo đức tính cách lên hàng đầu, xây dựng đội từ những người tu chí làm ăn, hiền hòa."
Một đội bóng tập hợp bởi những con người chung đam mê, nhiệt huyết, chung chí hướng, chung văn hóa là điều mà Chủ tịch CLB SHB FC, ông Nguyễn Huy Tài đã luôn duy trì ngay từ đầu. Điều đó xuất phát từ nét văn hóa của toàn SHB – nền tảng mà Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển đã xây dựng trong hơn 30 năm.
Phát triển con người là định hướng xuyên suốt dựa trên một trong 4 trụ cột của SHB – "Đặt con người là chủ thể". Đó là triết lý chung của Ngân hàng và đội bóng SHB FC. "Chúng tôi không chỉ là một tập thể trong bóng đá, mà còn là những đồng nghiệp trong một tổ chức. Văn hóa chính là thứ gắn kết mọi người với nhau, và đội bóng không chỉ là nơi sinh hoạt thể thao", ông Nguyễn Huy Tài chia sẻ. "Trong nhiều năm, đấy cũng là nơi chúng tôi định hướng, bồi dưỡng và phát triển cho cuộc sống tương lai bền vững của mọi người".
Ở Việt Nam, phong trào bóng đá "phủi" được cộng đồng yêu thích và có lượng người xem đông đảo. Cũng vì thế, không ít CLB được thành lập. Với bản sắc riêng cùng tinh thần nhiệt huyết của từng thành viên, SHB FC trở thành cái tên nổi bật và đáng chú ý bậc nhất.
Nếu Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển là người thắp lên tình yêu bóng đá, đặt nền móng cho sự thành lập của SHB FC, ông Nguyễn Huy Tài, Phó Tổng giám đốc ngân hàng SHB kiêm Chủ tịch đội bóng SHB FC, là người đã quy tụ những con người về cùng một tập thể tạo nên đội bóng.
"Đội bóng tôi xây dựng có ba trụ cột. Thứ nhất là văn hóa, được thể hiện qua cách ứng xử với nội bộ, với đội bạn và với cổ động viên, với cộng đồng yêu bóng đá và với ban tổ chức. Không nói tục chửi bậy, không gây gổ trên sân, không đá xấu. Với bên ngoài, đội bóng phải lan tỏa được văn hóa của doanh nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, luôn muốn đóng góp cho xã hội", ông Tài chia sẻ.
"Trụ cột thứ hai là kỷ luật. Một tập thể muốn vững mạnh phải có kỷ luật. Là tập luyện đúng giờ. L à tuân thủ đấu pháp, vị trí, vai trò trên sân và thái độ phải nghiêm túc. Ví dụ trên sân, chỉ có đội trưởng được quyền chỉ đạo, được nói thôi. Nhiều người nói quá thì thành cãi nhau, là loạn trên sân".
"Trụ cột thứ ba là chuyên môn, phải có tính đồng đội, chơi gắn kết, có bản lĩnh thi đấu và tinh thần mạnh mẽ", ông Tài kết luận.
Trên bản đồ bóng đá phong trào, với tình yêu bóng đá chảy xuôi huyết quản của các cán bộ nhân viên SHB, tính kỷ luật và chất lượng, đội phong trào SHB ‘đánh Đông dẹp Bắc’ khắp các giải từ nội bộ ngành ngân hàng cho đến các giải doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội.
Năm 2013, SHB được mời tham dự HPL lần đầu tiên, vì nằm trong số những đội bóng có chuyên môn và phong cách nổi tiếng bậc nhất bấy giờ. Sau đó một năm, tại Cúp Hồ Gươm, một giải đấu truyền thống rất nổi tiếng của ngành ngân hàng, SHB FC lên ngôi vô địch, sau trận chung kết kịch tính thắng FC Ngôi Sao 1-0.
Đấy là cơn địa chấn của bóng đá phong trào bấy giờ, vì đội hình FC Ngôi Sao, như cái tên của nó, là tập hợp của những cầu thủ hàng đầu Việt Nam vừa treo giày, có Minh Hiếu, Hồng Sơn, Tuấn Thành, Thạch Bảo Khanh, Lưu Thanh Châu… Đội bóng này được ví như "một dải ngân hà" của bóng đá phong trào một thập niên trước.
SHB FC đã vượt qua họ, bằng một lối chơi hợp lý, và còn hơn thế, để lại ấn tượng về phong cách. "Các giải đấu rất thích mời SHB tham gia", ông Tài tự hào kể. "Vì chúng tôi chủ trương muốn tạo ra một môi trường bóng đá lành mạnh, luôn muốn giải được tổ chức thành công. Làm thế nào để giải thành công? Cổ động viên phải đông, cầu thủ chơi đẹp, trọng tài công bằng, rõ ràng và ban tổ chức chu đáo".
Ông Tài là người không xa lạ gì với bóng đá phong trào nói chung và ngành ngân hàng nói riêng: kể từ năm 2001, ông đã được bầu vào ban tổ chức Cúp Mùa Xuân ngành ngân hàng, một giải đấu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội tổ chức bền bỉ suốt hơn hai thập niên qua. Ông cũng là một cầu thủ phong trào có thâm niên, luôn khiêm nhường tự nhận rằng mình “kỹ thuật không tốt, chỉ được cái nhiệt tình thôi”.
Nhưng con người với bề ngoài mềm mỏng đó cũng đã đưa ra một quyết định rất cứng rắn: đội bóng đá nam SHB sẽ không tham dự sân chơi HPL tại mùa thứ hai, sau trải nghiệm không tốt ở mùa HPL đầu tiên. “Tôi thấy các trận đấu của giải diễn ra quá căng thẳng và một số trận đấu không đúng tinh thần thể thao mà đội bóng SHB hướng đến”.
Giọt nước tràn ly khi SHB FC gặp đội bóng đến từ một công ty phân phối hàng điện tử, trận đấu mà ông Tài trực tiếp có mặt. Chỉ sau một vài tình huống va chạm, cầu thủ của SHB đã bị khiêu khích, thậm chí xung đột.
“Khi đó, tôi nghĩ đơn giản là mình mang đội bóng của ngân hàng SHB tham gia giải, với bản sắc và văn hóa rất cụ thể, nhưng với không khí này, nhỡ đâu có xung đột thì ảnh hưởng đến thương hiệu mà chúng tôi đã phải nhiều năm xây dựng” – Ông Tài kể lại.
“Vậy là chúng tôi không tham gia mùa thứ hai. Sau đó vài năm, tôi vẫn quan sát và thấy giải vẫn chưa quy củ, chưa đáp ứng được chuẩn mực đội bóng hướng đến, nên lại trì hoãn. Qua vài năm sau đó, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển đã có gợi ý là để SHB cân nhắc tham gia HPL. Sau thời gian theo dõi, năm vừa rồi, SHB mới quyết định quay trở lại, khi giải tiến tới chuyên nghiệp, quy củ và xứng đáng để chơi và tận hưởng hơn”.
Là một người chơi bóng lâu năm và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trên sân, ông Tài luôn bị ám ảnh với một câu hỏi lớn: làm sao một đội bóng có thể truyền tải được tinh thần, và giá trị của họ đến người xem? Làm sao các cầu thủ có thể cảm nhận được rằng mình đang đại diện cho điều gì và hướng đến các giá trị tử tế như thế nào?
Điều khó khăn là khi đã quyết định tham gia một sân chơi gai góc như HPL, SHB FC sẽ phải vừa giữ được tinh thần chiến đấu, vừa đảm bảo rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cầu thủ của họ sẽ không bao giờ cư xử vượt quá giới hạn.
“Để giữ được sự tử tế không hề đơn giản, thậm chí trong bóng đá, nó như là việc bạn cố trộn lẫn nước và lửa vậy” – ông Tài phân tích. “Vì bóng đá là một môn thể thao đối kháng, có tính ăn thua, thậm chí tiểu xảo rất cao. Có thể bạn không xấu, nhưng trong một phút lơi là, bạn đánh mất mình, và chỉ cần một lần như thế thôi, đội bóng cũng không còn là chính mình”.
“Tử tế cũng phải được cụ thể hóa bằng hành động, vì nói là tôi tử tế thì dễ lắm. Nói đơn giản thế này, cầu thủ SHB FC sẽ không đá xấu, và không trả đũa, dù có bị chơi xấu”, ông Tài nhấn mạnh. “Thực thi thái độ này rất khó, và không thể chỉ nói suông là được, vì trong bối cảnh căng thẳng trên sân, không ai nói trước được điều gì. Chúng tôi phải cụ thể hóa thành quy chế, kỷ luật, để mọi người biến nó thành thói quen và thói quen được duy trì liên tục sẽ thành một thái độ”.
Tại SHB, tình yêu bóng đá được lan tỏa nơi mỗi người và như một chất dẫn thổi bùng một đam mê mãnh liệt. Mỗi chi nhánh đều xây dựng một đội bóng nhỏ nội bộ để cùng giao lưu, thi đấu. Hội thao của SHB nhân dịp sinh nhật 30 năm thành lập, các đội bóng đến từ các chi nhánh khắp cả nước đã cùng tham gia, tạo ra không khí rực rỡ sắc cam từ Bắc đến Nam.
Và không chỉ những "đấng mày râu", tinh thần bóng đá cũng được thắp lên nơi các "chị em" trong Ngân hàng. Đội bóng nữ SHB FC đã được thành lập bởi một chút bồng bột, một chút thổn thức và một tình yêu bóng đá dạt dào.
Từ một lần đi cổ vũ cho đội bóng đá nam SHB ở Cúp Mùa Xuân ngành ngân hàng, chị Nguyễn Kim Oanh, thủ lĩnh đội bóng nữ đầu tiên đã gửi email cho ban giám đốc chi nhánh Hà Nội, để xin thành lập đội. Phó Tổng giám đốc SHB Nguyễn Huy Tài trả lời email ngay trong buổi chiều, tổ chức ngay một cuộc họp để thống nhất rằng toàn bộ chi nhánh sẽ hỗ trợ nguyện vọng.
Một ký ức nào đấy về tình yêu bóng đá tưởng như đã ngủ quên của chị Kim Oanh đã được đánh thức, để giờ đây SHB FC có một đội bóng đá nữ mạnh mẽ, chuyên nghiệp và giành chức vô địch ngay tại mùa giải đầu tiên tham dự Giải Bóng đá cup mùa xuân ngành ngân hàng.
Nền móng của chiến thắng ấy là bản sắc: "Tôi muốn xây dựng một đội bóng được yêu thích, phải có điểm gì đó đáng nhớ. Có thể là phong cách đẹp mắt. Có thể là tinh thần vì cộng đồng. Nhưng phải đáng để lưu lại trong ký ức của khán giả. Đội bóng cũng là nơi đại diện cho các giá trị văn hóa của tổ chức mà chúng tôi làm việc", ông Tài nói.
Một đội bóng có thể đem đến những ký ức tốt đẹp cho người chơi, cho khán giả, cho cộng đồng, hẳn sẽ là đội bóng đáng xem nhất. Chúng ta xem họ chơi không chỉ bằng mắt thường, mà còn bằng trái tim.
Và bóng đá đối với SHB không chỉ là một phong trào thể thao đơn thuần. Đó là nơi biểu đạt, phóng chiếu các giá trị và bản sắc của một tập thể luôn muốn kiến tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới xã hội.
Tâm – Tin – Tín – Tri – Trí – Tầm là 6 giá trị văn hóa cốt lõi được định hình. Khởi nguồn từ tâm, gây dựng niềm tin, xác lập uy tín, tích lũy tri thức, đạt tầm trí tuệ để không ngừng vươn lên những tầm cao mới. SHB mong muốn đồng hành cùng khách hàng, người dân và đất nước phát triển, tiến về phía trước, sải bước không ngừng.