Những người ủng hộ y học cổ truyền Trung Quốc đã lên án hành động buôn bán động vật hoang dã. Dù vậy nhưng những kẻ này vẫn bỏ ngoài tai mọi quy tắc pháp luật và tiếp tục hoạt động. Họ cho rằng, có một bộ phận nhỏ người hành nghề Đông Y vẫn đang sử dụng các bộ phận động vật hoang dã để làm dược phẩm, bỏ qua các cân nhắc về phúc lợi và sự tôn trọng đa dạng sinh học vốn có.
Tiến sĩ Lashing Lao, chủ tịch Đại học Y khoa Virginia nói với The Guardian: “Sự cân bằng của thiên nhiên là trọng điểm đối với y học cổ truyền và việc sử dụng động vật có nguy cơ tuyệt chủng là trái với tự nhiên”.
Ông cũng đề cập đến các chuyên gia triều đại nhà Đường cách đây 1500 năm từng tin rằng 100% dược phẩm y học cổ truyền có thể có nguồn gốc từ thực vật.
Bên cạnh thuốc, thì y học cổ truyền bao gồm nhiều thứ như liệu pháp châm cứu, thở và tập thể dục, thói quen ăn uống cũng có liên quan đến tình trạng đặc biệt của cơ thể và một loạt quan điểm về việc cân bằng thể chất.
Đối với Tiến sĩ Lao và một số chuyên gia khác, con đường cải cách việc này chính là từ bỏ việc sử dụng các bộ phận của động vật có nguy cơ tuyệt chủng như tê tê, hổ, báo và tê giác.
Ở Trung Quốc, thị trường buôn bán động vật hoang dã trị giá 74 tỷ đô la (khoảng 1.722 tỷ đồng) và đây được coi là nguồn cơn gây ra Covid-19. Hành vi này phần lớn được duy trì bởi sự mê tín và nhầm lẫn về lợi ích của động vật hoang dã.
Trước khi chính phủ ban hành lệnh cấm hoạt động buôn bán động vật hoang dã, thì chính quyền Cục lâm nghiệp và đồng cỏ Trung Quốc đã cấp giấy phép cho các công ty dược phẩm y học cổ truyền được sử dụng các bộ phận động vật từ kho dự trữ trước đó hoặc động vật hoang dã trên nông trại.
Dù vậy nhưng nạn săn bắt và buôn bán trái phép các bộ phận của động vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn ra. Các bộ phận động vật được bán cho công ty dược phẩm TCM như vảy tê tê nướng và sấy khô. Những thứ này được nghiền thành bột để sử dụng cho một số phương pháp điều trị. Hoặc những sản phẩm như rượu hổ, rượu xương báo, được quảng cáo là rất tốt trong y học cổ truyền.
Tiến sĩ Lao nhấn mạnh: “Đây không phải là vấn đề của một người hành nghề Đông Y. Nó là ngành công nghiệp thương mại của những kẻ kinh doanh kiếm tiền. Điều này đã khiến ngành y học cổ truyền Trung Quốc trở nên xấu xí trong mắt nhiều người. Họ đã lợi dụng y học cổ truyền cho mục đích riêng”.
Sừng tê giác và xương hổ là hai bộ phận được loại bỏ ra khỏi dược điển truyền thống của Trung Quốc vào những năm 1980. Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Traffic đã nói với The Guardian rằng họ đã nhìn thấy hướng tích cực từ cộng đồng y học cổ truyền Trung Quốc trong những năm gần đây khi cố gắng tránh xa việc sử dụng bộ phận của các loài động vật đang bị đe dọa.
Richard Thomas, giám đống truyền thông Traffic cho biết: “Vấn đề này nằm trong ý thức của y học cổ truyền”. Chính phủ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã ca ngợi những lợi ích của thuốc y học cổ truyền.
Các chuyên gia y học cổ truyền như Tiến sĩ Lao tin rằng phương pháp chữa bệnh chỉ nên được sử dụng khi thực sự cần thiết và không được kê đơn theo cách mà các dược phẩm phương tây thường sử dụng.
Thay vào đó là ưu tiên việc phòng bệnh để giảm nhu cầu sử dụng thuốc ngay từ đầu. Năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống nhất đưa y học cổ truyền vào sách yếu lược toàn cầu phiên bản thứ 11 (Phân loại thống kê bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan - ICD).
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không được thực hiện nếu như các vấn đề cốt lõi của việc buôn bán động vật hoang dã - hành động có liên quan đến sự bùng phát của Covid-19 và sự suy giảm của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, vẫn còn tiếp diễn.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng, việc thúc đẩy ngành y học cổ truyền là một trong nhiều cách giúp hàng triệu người thoát nghèo. Dự kiến vào cuối năm 2020, tổng giá trị của ngành công nghiệp y học cổ truyền ở Trung Quốc sẽ đạt khoảng 420 tỷ đô la (khoảng 9.778 tỷ đồng), riêng với thủ phủ của y học cổ truyền ở Bạc Châu, tỉnh An Huy, thì ngành công nghiệp này được ước tính trị giá 109 tỷ nhân dân tệ (khoảng 349 tỷ đồng).
Một báo cáo chỉ ra rằng hiện tại có khoảng 900 triệu học viên theo chuyên ngành y học cổ truyền ở 183 quốc gia và con số này chưa dừng lại. Các bệnh viện và phòng khám y học cổ truyền ở Trung Quốc đã ghi nhận vào năm 2017 có 1 tỷ lượt khám và con số đó đang tăng khoảng 6% mỗi năm.
Một báo cáo về sự phát triển của ngành chăn nuôi động vật hoang dã được Học viện Kỹ thuật Trung Quốc công bố năm 2017 đã định giá ngành công nghiệp này ở mức 50 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 7 tỷ đô la (khoảng 162 tỷ đồng).
Vào tháng 2 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm. Ba tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc và hai tổ chức toàn cầu gần đây cũng đã đề xuất tất cả các thành viên của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ủng hộ việc ngăn chặn sử dụng các loài động vật có nguy cơ bị đe dọa trong y học cổ truyền.
Linda Wong, phó tổng thư ký của Quỹ phát triển xanh và bảo tồn đa dạng sinh học Trung Quốc, một trong những tổ chức phi chính phủ liên quan đến việc đưa ra đề xuất này, nói với The Guardian: “Chúng tôi ủng hộ sự phát triển bền vững của y học cổ truyền. Chúng tôi không đồng ý với việc sử dụng động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng trong y học cổ truyền. Việc này sẽ khiến các loài như tê tê bị tuyệt chủng”.
Debbie Banks, người đứng đầu chiến dịch tội phạm về hổ và động vật hoang dã của EIA cho biết, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong văn bản của IUCN, đặc biệt liên quan đến việc tiêu thụ động vật hoang dã.
Aron White, chuyên gia Trung Quốc tại Cơ quan điều tra môi trường cho biết: “Chúng tôi hy vọng các nhà lập pháp sẽ mở rộng quy định đối với y học cổ truyền Trung Quốc theo các cải cách của Luật bảo vệ Động vật hoang dã. Thay vì sử dụng bộ phận động vật hoang dã có nguy cơ bị đe dọa thì có thể được thay thế bằng thảo dược hoặc các chất nhân tạo như nhiều người đã làm”.
(Nguồn: The Guardian)