Trẻ nhỏ luôn ngập tràn năng lượng, nhiều ý tưởng và điều bố mẹ cần làm là khơi gợi và tìm ra nguồn cảm hứng ấy cho các con. Với mong muốn đó, anh Tú (sống tại Hà Nội) đã quyết định cho các con của mình (bé trai 12 tuổi, bé gái 7 tuổi) tham gia bộ môn trekking - hoạt động đi bộ đường dài khám phá thiên nhiên hoang dã, kết hợp du lịch dã ngoại, du lịch thể thao mạo hiểm, cắm trại... Các hoạt động trekking thường được người chơi lựa chọn ở những vùng có địa hình hiểm trở, đồi núi, các vườn quốc gia, rừng hoang sơ và ít người biết đến.
Thông qua hoạt động này, ông bố trẻ nhận ra các con trở nên dũng cảm, tự tin và giàu lòng nhân ái. Tất cả các môn thể thao như leo trèo, bơi lội đều giúp các con học được thêm kỹ năng mới. "Vì nỗi sợ hãi và lo lắng là do người lớn nhắc nhở, dọa nạt, ngăn cấm mà hình thành dần trong mỗi bạn nhỏ, cho dù ở nông thôn hay thành thị. Do đó, dã ngoại, lội suối, bơi thuyền, chèo thác... là cơ hội tuyệt vời để các bạn khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần", anh Tú nhấn mạnh.
Theo ông bố trẻ, lý do mà anh chọn trekking thay vì các môn năng khiếu hay thể thao nhẹ nhàng hơn là vì:
- Nếu coi là 1 môn thể thao: thì không thi đấu với bất cứ ai, rèn luyện thể lực - tinh thần và vượt qua chính mình.
- Trekking để rèn luyện thể lực, thái độ tích cực và tinh thần mạnh mẽ, tự tin, độc lập.
- Trekking để xây dựng kỹ năng mềm và phát triển cảm xúc.
- Trekking để hòa mình với thiên nhiên, hiểu văn hóa các vùng đất mới, con người mới.
- Trekking để tránh xa các thiết bị nghe nhìn với nhiều cám dỗ mà trẻ nhỏ chưa sàng lọc được thông tin.
- Trekking để gắn kết với bố mẹ, hòa đồng cùng bạn bè cũng như hòa nhập nhanh với cộng đồng mới, những người khác trên cùng cung đường...
Bên cạnh đó, khi đi khám phá như vậy, bố mẹ là người dẫn dắt đầu tiên nên cần tìm hiểu kỹ, đầu tư nhiều thời gian hơn và có thể tốn kém hơn. Bố mẹ cần đồng hành và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước khi tham dự một buổi dã ngoại nào đó, ví dụ như lên trước nội dung, lịch trình, địa điểm, thời tiết, đồng đội...
Cho đến hiện tại, gia đình anh Tú đã cùng nhau đi qua rất nhiều nơi như Ba Khan, Thác Mu, Hàm Lợn, Lảo Thẩn, Tam Đảo... Các bé đều rất hứng thú và muốn trải nghiệm tiếp. Vợ chồng anh Tú cũng gặp phải một số khó khăn như bé khóc, đòi bế, đòi ăn, ông bà ngăn cản...
Những đồ cẩn chuẩn bị trước khi đi, địa điểm chọn để đi cần chú ý những gì?
Trang phục gọn nhẹ, đồ ăn - uống đơn giản: giày thể thao, quần áo thể thao mỏng - thoáng, găng tay; nước uống, bánh kẹo, đồ ăn nhẹ...
Nếu gặp tình huống nguy hiểm sẽ xử lý ra sao?
Bố mẹ là người đầu tiên quản lý rủi ro, phân tích hướng dẫn kỹ thuật vận động, bước đi, leo dốc, nghỉ -tránh gió to - nắng gắt... Nếu cung đường nào có tiềm ẩn rủi ro, bố mẹ phải là người đi trước, làm trước và luôn hỗ trợ. Không được phép chọn địa điểm, thời điểm có nguy hiểm xảy ra.
"Với bất cứ cung đường nào, bố mẹ nên nắm rõ lộ trình và biết người dẫn đoàn, đồng đội là ai. Mọi điểm đều có đồ ăn, có người chuẩn bị giúp hoặc bán sẵn: càng đơn giản càng tốt. Đồ ăn không phải điều quan trọng khi trekking. Trên cung đường có mọi điều lạ để vui chơi: từ cỏ lau, từ mầm cây dương xỉ, từ hoa rừng, quả thông... đến xích đu, cùng câu cá, cùng nướng thịt và chuẩn bị với người lớn đều thú vị và hấp dẫn", anh Tú nhấn mạnh.
Sau nhiều chuyến đi, ông bố trẻ rút ra kinh nghiệm rằng: "Bố mẹ hiểu khả năng của con, chuẩn bị cho những cung tiếp theo, rèn luyện chú trọng vào các đặc điểm con mình còn đang yếu hoặc điều chỉnh cách tiếp cận của bố mẹ, dạy con và thói quen sinh hoạt tại gia đình để con tự lập hơn, mạnh mẽ hơn".
Hy vọng những kinh nghiệm trên của ông bố trẻ sẽ có ích với các gia đình đang muốn cho con đi khám phá và trải nghiệm loại hình mới này nhé.
Ảnh: NVCC