Với những gia đình đam mê rừng núi, yêu thích khám phá thảm thực vật - động vật phong phú của nước ta thì không thể bỏ qua địa điểm du lịch nổi tiếng này. Đó chính là Bảo tàng rừng Việt Nam tại Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Đặc biệt, chuyến tham quan tại đây không chỉ giúp cả người lớn và trẻ nhỏ được khám phá khu rừng với vườn thực vật quý hiếm mà còn có thêm những kiến thức sinh động về côn trùng, thú rừng.
Dưới đây là những chia sẻ của chị Nguyễn Linh khi đưa các con tới đây tham quan và có ấn tượng vô cùng sâu sắc với thiên nhiên rừng núi Việt Nam. Chị Linh chia sẻ chắc chắn sẽ cùng cả gia đình quay lại đây một lần nữa và mong những kinh nghiệm đã tích luỹ sẽ hữu ích với các phụ huynh có con nhỏ muốn trải nghiệm Bảo tàng rừng Việt Nam.
Bảo tàng rừng Việt Nam có gì thú vị?
Trong tất cả các bảo tàng ở Hà Nội mà mình đã cho con đi, Bảo tàng rừng Việt Nam là bảo tàng sống động và khiến mình yêu thích nhất. Đến một lần và mình đã nghĩ là chắc chắn phải quay trở lại thêm nhiều lần nữa.
Có các phòng trưng bày về rừng, thú, côn trùng, thực vật khác nhau. Mỗi phòng đều chỉn chu với những mẫu vật thật hoàn toàn. Mình hỏi và được biết, ví dụ như xác con trăn thì các cô chú ở đấy sẽ lột da và nhồi bông vào, con khỉ, con cá sấu... cũng thế, còn những con nhỏ hơn thì được ngâm trong cồn để có thể tồn tại lâu. Vậy nên cảm giác nhìn những động vật ở đây rất chân thực.
Mình cũng đặc biệt yêu thích phòng côn trùng vì có ảnh và giải thích sẵn vòng đời của các loài như ong, bướm, bọ ngựa, chuồn chuồn... Nếu những bạn nào lớn 1 chút khoảng tầm 5-6 tuổi trở lên đến đây sẽ thu được vô số kiến thức thực tế.
Những con thú, con vật, các góc trưng bày rừng khiến mình mê mẩn, cứ muốn cầm điện thoại lên chụp chụp mãi không thôi. Nhìn màu của cây, của lá, của các loài vật không khác gì mình đang đứng trước một tác phẩm tuyệt mĩ của thiên nhiên.
Hay khi bước vào vườn thực vật, mình có cảm giác như mấy mẹ con đang đi khám phá khu rừng thật vậy. Những loài cây gỗ quý, dược liệu, tre trúc, những loại cây thường gặp trong đời sống… nhưng khi vào đây đều được khoác lên màu sắc đúng chất tự nhiên. Mình không biết "rừng" này được trồng bao nhiêu năm, nhưng chắc phải là hàng chục năm rồi.
Đi tham quan vườn thực vật cũng sẽ trở thành trải nghiệm khó quên.
Mình ấn tượng trong khu rừng nhất là có cái cây gì đấy trồng bằng hạt nhưng nay đã là một cây cổ thụ sừng sững, cây konia vì chỉ hợp với khí hậu miền trong nên dù trồng đã mấy chục năm vẫn còn rất nhỏ và nghe những đặc tính vì sao konia đi vào lịch sử hay cây trầu bà khổng lồ vắt vẻo từ cây cao xuống mặt đất, thân to bằng cả 2 ngón tay... Mình cũng nhớ cô hướng dẫn giải thích về cây tre, quan niệm ông bà truyền lại là nếu như măng mọc xen vào giữa đám tre là năm ấy nước mình nhiều bão...
Còn có cả hố bom từ thời Mỹ dội xuống Hà Nội nằm ở trong khu rừng. Mình còn được nhìn tận mắt một hầm trú ẩn và chỉ đứng trước thôi cũng cảm giác... rất khó diễn tả.
Mình lớn rồi mà đi còn hỏi nhiều và háo hức hơn bọn trẻ con gấp bội như vậy đấy.
Cô hướng dẫn viên thì nhiệt tình khỏi nói, dẫn mấy mẹ con đi khắp các phòng trưng bày, rồi đi lòng vòng quanh rừng và giải thích rất nhiều. Con gái lớn của mình chắc cũng thích thú lắm, thấy ngó nghiêng hỏi han cô đủ thứ. Ra về vẫn thấy biết ơn cô hướng dẫn đã giành thời gian cho mẹ con mình. Mong sớm có dịp gặp lại.
Những con vật trông y như thật!
Điểm trừ bố mẹ cần lưu ý
Điểm trừ duy nhất của chuyến đi vào bảo tàng rừng là nhiều muỗi ở trong vườn thực vật. Bọn trẻ con bị cắn nhiều nên cũng thấy khổ, nhưng sau khi về đến nhà lại bảo: "Hết ngứa rồi, con muốn hôm sau đi nữa!". Nên nếu các mẹ cho con đi thì chỉ cần mặc quần dài, đi ủng cho con, xịt thuốc chống côn trùng là chuyến đi dễ dàng hơn rồi!
Và mình cũng thấy cô hướng dẫn bảo trong rừng có thể có rắn nữa đấy! May quá nhà mình không gặp con nào chứ nếu gặp cũng sợ lắm. Tuy nhiên, các bố mẹ nếu cho con đi cần lưu ý về vấn đề này nhé.
Cần lưu ý gì khi đến Bảo tàng rừng Việt Nam?
Vé vào cửa: Miễn phí.
Tuy nhiên các mẹ cần gọi điện đăng kí trước về lịch sẽ đến và được sắp xếp đón tiếp. Ở đây thường đi theo đoàn nhiều hơn là đi theo gia đình lẻ, các mẹ cứ gọi điện để hỏi trước nhé.
Như trường hợp nhà mình khi đến vào lúc gần trưa, tìm ra số điện thoại để gọi thì được thông báo là không được vào. Mình xin sắp xếp lịch buổi chiều và được đồng ý vào tham quan lúc 2h chiều. Sau đó, mình liền bắt taxi cho các con sang công viên Yên Sở chơi và nghỉ trưa tạm, để đến giờ bảo tàng mở cửa sẽ quay lại. Như vậy coi như cũng được 2 chuyến đi chơi.
Các em bé vô cùng háo hứng với những kiến thức có được trong buổi tham quan.
Dịch vụ ăn và nước uống: Không có.
Các mẹ hãy mang nước ở nhà đi và còn đồ ăn thì hãy ăn ở bên ngoài nhé ạ, hoặc mang những thứ ăn nhẹ thôi. Ở đây cũng không có nghỉ hay ở lại qua trưa được đâu. Các bố mẹ vì vậy hãy sắp xếp thời gian hợp lý, chuẩn bị kế hoạch ăn uống nghỉ ngơi và nếu cần thêm thông tin gì hãy gọi điện để hỏi. Các cô chú ở đây nhiệt tình lắm, nên hãy yên tâm để hỏi nhé.
Trải nghiệm đi kèm: Làm tranh bướm, làm mẫu động vật...
Mình nghe cô hướng dẫn nói là nếu đi theo đoàn và đăng kí trước thì bảo tàng sẽ có thêm những trải nghiệm này để cho các con làm. Nếu các mẹ muốn đi hãy hỏi kỹ thêm về chi phí và những vấn đề liên quan nhé!
Ảnh: NVCC