Khai quật "kho báu" ở Bắc Cực, chuyên gia đánh giá: Có 2 mặt, nguy hại khôn lường?

Minh Hằng | 14-06-2022 - 21:00 PM

(Tổ Quốc) - Các nhà khoa học phát hiện "kho báu" lên tới 1,4 nghìn tỷ tấn ở bên dưới Bắc Cực, nhưng lại không dám khai thác. Nguyên nhân là gì?

Bắc Cực và Nam Cực là hai vùng đất kỳ bí của Trái Đất. Dù khoa học kỹ thuật của con người ngày càng phát triển nhưng thực tế vẫn có những nhiệm vụ bất khả thi ở hai vùng cực này.

Trong quá trình thám hiểm hai vùng cực, các nhà khoa học đã phát hiện ra một "kho báu" với trữ lượng khổng lồ ẩn mình ở Bắc Cực.

Đó là metan.

Các nhà khoa học tìm thấy 1,4 nghìn tỷ tấn khí metan đang "ngủ say" ở Bắc Cực. Thế nhưng các chuyên gia lại không dám "đánh thức" hay khai thác nguồn khí khổng lồ này? Rốt cục là vì sao?

Trên thực tế có một số khác biệt giữa metan ở Bắc Cực và metan thông thường. Cụ thể, metan ở Bắc Cực được tạo ra do sự phân hủy của metan hydrat tại vùng biển Bắc Cực và nổi lên dưới dạng bong bóng.

Khai quật kho báu 1,4 nghìn tỷ tấn ở Bắc Cực, chuyên gia: Có 2 mặt, nguy hại khôn lường? - Ảnh 1.

Các nhà khoa học lo ngại nồng độ khí metan cao trên biển Laptev (gần Nga) có thể báo hiệu về một vòng phản hồi khí hậu mới đã được kích hoạt. Ảnh: Theguardian

Lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực có chứa nhiều thứ mà con người chưa thể phát hiện ra, trong đó có thể gồm những nguyên liệu để sản xuất năng lượng. Metan chỉ là một trong số những nguyên liệu này.

Trên thực tế, có một loại khí metan ẩn sâu dưới Bắc Cực, còn được gọi là đá băng cháy. Loại khí metan này có đặc tính tương đối ổn định, được tạo ra khi khí metan tự nhiên kết hợp với nước, sau đó bị đóng băng ở nhiệt độ thấp và áp suất cao.

Theo các nghiên cứu, loại khí metan này là một nguồn năng lượng. Thế nhưng việc khai thác rất khó vì sẽ có thể gây tác động nghiêm trọng đến hiệu ứng nhà kính và phá huỷ hệ sinh thái biển. Do đó, dù phát hiện trữ lượng lớn khí metan ở sâu bên dưới Bắc Cực nhưng con người lại rất khó khai thác bởi có thể kéo theo nhiều hậu quả khôn lường.

Tình trạng nóng lên toàn cầu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, con người ngày càng quan tâm đến nguồn năng lượng mới. Việc phát hiện có tới 1,4 nghìn tỷ tấn khí metan ở Bắc Cực có thể là điều tốt để giải quyết vấn đề và nhu cầu về năng lượng của con người trong tương lai. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt.

Thực tế dù quá trình đốt cháy metan có thể được sử dụng làm nguồn năng lượng, nhưng cũng làm gia tăng hiệu ứng nhà kính không kém so với việc phát thải khí CO2. Metan chỉ tồn tại khoảng 12 năm ở trong khí quyển, trong khi khí CO2 lại có thể lưu lại trong nhiều thập kỷ. Thế nhưng nếu xét theo chu kỳ 100 năm, khí metan vẫn mạnh hơn 25 lần so với CO2.

Chính vì vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực giống như "quả bom" hẹn giờ giải phóng carbon.

Có thể thấy rằng nếu con người khai thác khí metan ở Bắc Cực thì sẽ xảy ra phản ứng dây chuyền. Tốc độ tan chảy của các sông băng ở hai cực Bắc và Nam sẽ tăng nhanh, từ đó kéo theo nhiệt độ toàn cầu sẽ thay đổi. Tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ ngày càng gia tăng, dẫn tới nguy cơ về mực nước biển dâng cao, đời sống của con người chịu ảnh hưởng không hề nhỏ.

Tăng phát thải khí metan là nguyên nhân chính làm tăng nồng độ khí nhà kính ở trong bầu khí quyển của Trái Đất. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng nóng lên toàn cầu trong thời gian ngắn.

Khai quật kho báu 1,4 nghìn tỷ tấn ở Bắc Cực, chuyên gia: Có 2 mặt, nguy hại khôn lường? - Ảnh 2.

Các nhà nghiên cứu lo ngại vì tốc độ tan chảy của lớp băng vĩnh cửu.

Nếu băng vĩnh cửu tan chảy, hậu quả thế nào?

Theo AFP, tầng băng giá vĩnh cửu chủ yếu nằm sâu bên dưới Bắc Cực và Siberia, đã đóng băng trong hàng chục nghìn năm. Chúng chiếm tới 25% khối lượng đất của Bắc Bán cầu.

Trên thực tế, nhiệt độ của tầng đất băng giá vĩnh cửu này đang tăng nhanh hơn cả mức tăng trung bình của nhiệt độ toàn cầu. Điều này khiến chúng bắt đầu tan chảy.

Theo các nhà khoa học dự báo, 90% tầng đất đóng băng vĩnh cửu có thể biến mất vào năm 2100. Điều này có thể kéo theo nhiều hậu quả khôn lường. Cụ thể, quá trình tầng đất này tan chảy sẽ sinh ra các khí nhà kính, khi chứa khoảng 1.700 tỷ tấn carbon. Con số này nhiều gấp 2 lần lượng carbon có trong khí quyển.

Quá trình tan chảy này cũng làm gia tăng nồng độ khí thải carbon và khí metan trong không khí.

Theo ông Gustaf Hugelius, chuyên gia về chu kỳ carbon của đất đóng băng vĩnh cửu tại ĐH Stockholm (Thuỵ Điển), cho biết: "Nếu tất cả carbon đóng băng được giải phóng thì nồng độ carbon ở trong khí quyển sẽ tăng gấp gần 3 lần. Thế nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra vì quá trình tan chảy của đất đóng băng sẽ không diễn ra cùng lúc".

Quá trình carbon rò rỉ sẽ diễn ra trong nhiều năm, thậm chí là hàng trăm năm. Điều đáng lo ngại là đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy và giải phóng carbon sẽ tiếp diễn ngay cả khi con người tiến hành cắt giảm lượng khí thải.

Do đó, nếu các quốc gia không có hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng Trái Đất nóng lên thì lớp băng vĩnh cửu có thể sẽ tan chảy nhanh hơn, đồng thời giải phóng các loại khí nhà kính như metan, CO2. Điều này sẽ làm cho tình trạng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng và nguy hại hơn.

Cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 có diễn ra?

Trong 4,5 tỷ năm lịch sử, Trái Đất đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng. Trong những cuộc đại tuyệt chủng này, rất ít sinh vật có thể tồn tại được. Trong số đó, nổi tiếng nhất là cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 5, khi một tiểu hành tinh đã quét sạch loài khủng long cách đây 66 triệu năm.

Khai quật kho báu 1,4 nghìn tỷ tấn ở Bắc Cực, chuyên gia: Có 2 mặt, nguy hại khôn lường? - Ảnh 3.

Cách đây 66 triệu năm, cuộc tuyệt chủng lần thứ 5 đã xoá sổ các loài khủng long thống trị trên Trái đất. Ảnh: Shutterstock

Theo các nhà khoa học, Trái Đất đang trải qua một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học do biến đổi khí hậu và hậu quả từ các hoạt động của con người như săn bắn, đánh bắt quá mức, phá rừng.

Do đó, các nhà khoa học hiện nay đang lo sợ về một cuộc tuyệt chủng lần thứ 6 có thể xảy ra với Trái Đất vì biến đổi khí hậu.

Khi các sông băng ở Bắc Cực tan chảy, con người không những chịu ảnh hưởng của từ việc rò rỉ khí metan, mà còn phải đối mặt với sự "thức dậy" của các loại virus cổ đại, làm xuất hiện các bệnh tật khó lường trong tương lai.

Khai quật kho báu 1,4 nghìn tỷ tấn ở Bắc Cực, chuyên gia: Có 2 mặt, nguy hại khôn lường? - Ảnh 4.

Các nhà khoa học đang lo ngại về một cuộc đại khủng hoảng lần thứ 6 có thể xảy ra với Trái Đất.

Các nhà khoa học cũng đưa ra cảnh báo rằng, lũ lụt, cháy rừng và hạn hán do biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều thiệt hại cho Trái đất giống như tác động của một tiểu hành tinh khổng lồ hoặc một vụ phun trào núi lửa lớn.

Theo một nghiên cứu vào năm 2017, sự tuyệt diệt sinh học của động vật hoang dã trong các thập kỷ gần đây đã gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6, và nhấn mạnh Trái Đất đang hướng tới một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Theo đó, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo rằng việc loài người tiêu thụ và tàn phá bừa bãi chính là nguyên nhân cho sự kiện này. Đây cũng có thể là cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên (kể từ thời khủng long).

Hiện có khoảng 41% các loài lưỡng cư và hơn 1/4 các loài động vật có vú đang bị đe doạ.

Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 8,7 triệu loài động thực vật trên Trái Đất, cụ thể với 86% loài trên cạnh và 91% loài ở biển vẫn chưa được khám phá. Thế nhưng trong số các loài mà chúng ta biết thì có tới 1.204 loài động vật có vú, 2.100 loài lưỡng cư, 1.469 loài chim, 2.386 loài cá… và 1.215 loài bò sát đang bị đe doạ.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng dự đoán rằng, trong vòng 100 năm tới, các loài côn trùng có thể tuyệt chủng vì kết quả của sự suy giảm số lượng ở mức tê liệt.

Bài viết tham khảo nguồn: Phys, Smithsonianmag, Dailymail, Knowledgeatworld

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM