Antoly là một chàng du khách nước ngoài nổi tiếng trên mạng xã hội bởi những video tìm đến những địa điểm đặc biệt ở Việt Nam, dựa trên bản đồ. Sau những địa điểm như ngọn núi hình ngón tay ở Thanh Hóa, hay vòng tròn khổng lồ ở Huế, mới đây một video về một địa điểm ở Nam Định của chàng trai nhận được hơn 1 triệu lượt xem và thu hút sự chú ý của nhiều cư dân mạng.
Trong video có thể thấy, khi zoom kỹ vào bản đồ, Antoly ngạc nhiên khi địa điểm này có hình dạng giống như một bàn cờ tướng. Ngoài ra bên cạnh đó còn là một hồ nước hình chiếc đàn ghi ta.
Với sự chỉ dẫn của bản đồ kết hợp với sự giúp đỡ của người dân bản địa, cuối cùng chàng du khách nước ngoài cũng đã tìm được vị trí thực sự của điểm đến. Nó nằm ở Nam Định, và là một trong những địa điểm thu hút đông du khách bậc nhất tại địa phương này, mang tên đầy đủ là Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần.
Với sự giúp đỡ của bản đồ và những người dân địa phương, chàng khách Tây đã tìm đến được địa điểm mình mong muốn. (Video Anatoly)
Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần ở đâu?
Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần thuộc địa bàn phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, mới hoàn thành cải tạo và mang một diện mạo hoàn toàn mới từ khoảng 2-3 năm gần đây. Tổng diện tích khu vực này rộng tới 92,53ha, bao gồm 3 phân khu chính, đó là: Khu Công viên Văn hóa Trần; Khu Trung tâm lễ hội và Khu đệm.
Khuôn viên khu Di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần nhìn từ trên cao sau với bàn cờ tướng khổng lồ và hồ nước có hình dáng như chiếc đàn ghi ta (Ảnh: Báo Tổ Quốc)
Trước kia, địa điểm chính trong khu Di tích này là Đền Trần. Đền được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần từng bị phá hủy vào thế kỷ XV. Đây là nơi thờ các vị vua nhà Trần cùng các quan lại có công trong triều.
Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường hay còn gọi là đền Thượng, đền Cố Trạch hay còn gọi là đền Hạ và đền Trùng Hoa. Cả 3 đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian.
Mỗi năm, cứ vào các dịp lễ Tết, đền Trần lại thu hút rất đông du khách tới lễ cũng như tham quan. Nổi bật nhất phải kể tới là dịp Lễ Khai ấn đền Trần, được tổ chức vào rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm. Đây được xem là dịp người dân bản địa cũng như du khách về đền Trần cũng như khu Di tích Lịch sử - Văn hóa đông nhất năm.
Lễ Khai ấn đền Trần - nét đẹp trong văn hóa Việt
Đầu năm nay, tức năm 2023, lễ Khai ấn chính thức được tổ chức lại với quy mô lớn sau 3 năm (2020 - 2022) gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.
Theo thông lệ, bắt đầu từ đêm ngày 14 tháng Giêng Âm lịch, nghi lễ đầu tiên sẽ được diễn ra, trước giờ Khai ấn. Đó là nghi lễ rước Kiệu, thực hiện từ khoảng 22h40 đến 23h10. Sau đó, các vị lãnh đạo, thường là UBND thành phố sẽ đọc diễn văn. Tiếp đến, nghi lễ Khai ấn sẽ được thực hiện tại ban thờ Trung thiên, đền Thiên Trường với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc cùng một số đại diện của các ban, ngành, đoàn thể. Cuối cùng là nghi lễ đóng dấu Khai ấn.
Dấu Khai ấn là 14 cánh ấn bằng giấy màu vàng. Những lá ấn này sau đó sẽ được dâng lên các đình, chùa thuộc địa bàn phường Lộc Vượng.
Các nghi thức chính của lễ Khai ấn thường diễn ra từ đêm ngày 14 Âm lịch
Sau khi đã hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23h55, cửa đền Trần sẽ bắt đầu mở để người dân cũng như du khách thập phương tới lễ bái, tham quan. Đặc biệt, từ 5h sáng hôm sau, những ai đến đây sẽ đều được phát ấn, tượng trưng cho sự may mắn đầu năm.
Ngoài ra theo lời kể lại từ người dân địa phương, không chỉ bên trong đền Trần, kể từ khi Khu di tích được cải tạo lại, nhiều hoạt động thú vị khác cũng được diễn ra bên ngoài thu hút đông đảo du khách, ví dụ như ở khu vực công viên. Nổi bật có thể kể tới như "ván cờ khổng lồ", được tổ chức ngay tại khu vực sân cờ tướng.
Lễ Khai ấn đền Trần bắt đầu được tổ chức từ năm 2000 và tổ chức thường niên hàng năm, vào dịp giữa tháng Giêng Âm lịch. Đây là một tục cổ để tưởng nhớ công đức của các vị vua thời nhà Trần, đồng thời mang ý nghĩa giáo dục thế hệ mai sau về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cũng từng nhấn mạnh trong Lễ Khai ấn đầu năm 2023, rằng việc duy trì tổ chức lễ hội này hàng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa, mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Lễ Khai ấn là một trong những dịp thu hút đông du khách bậc nhất ở đền Trần (Ảnh Đinh Thành Trung)
Không chỉ là dịp để người dân bản địa tề tựu về Khu di tích, dịp Lễ khai ấn còn là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, từ đó thu hút nhiều du khách hơn tới với địa phương.
Ngoài lễ Khai ấn, tại đền Trần cũng như khu Di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần còn có một dịp hội lớn nữa, vào tháng 8 Âm lịch. Đó là Hội đền tháng 8. Hội diễn ra từ ngày 15 - 20 tháng 8 Âm lịch. Phần lễ bắt đầu với các lễ rước từ đình, đền xung quanh, rồi về dâng hương ở đền Thiên Trường. Còn phần hội sẽ có các hoạt động văn hóa dân gian như diễn võ 5 thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn hay múa Bài Bông...
Chính vì vậy, nếu du khách có ý định ghé thăm khu Di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần, thì thời điểm lý tưởng và tận hưởng được trọn vẹn không khí lễ hội nhất chính là 2 dịp tháng Giêng Âm lịch và tháng 8 Âm lịch. Tuy nhiên là dịp các lễ hội lớn, lượng người về đây lên tới hàng ngàn người nên sẽ không tránh khỏi tình trạng đông đúc.
Cùng với lễ Khai ấn, Hội đền tháng 8 cũng là dịp thu hút nhiều du khách và có nhiều hoạt động văn hóa thú vị