Làng xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh
Tại ven biển của huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), đã từng có một làng chài nghèo, người dân thì lam lũ dựa vào sinh kế từ biển hoặc làm ruộng để nuôi sống gia đình. Nhưng du khách đến với làng chài này ngày hôm nay chắc chắn sẽ phải ngỡ ngàng vì diện mạo hoàn toàn đã "thay da đổi thịt" tại nơi này. Đó chính là làng Cương Gián, nơi bỗng chốc nổi lên san sát hàng loạt dãy nhà biệt thự cao tầng, đường sá bỗng khang trang, cơ sở vật chất hiện đại hẳn lên.
Hàng loạt các biệt thự "rỗng" không người sinh sống tại Cương Gián. (Ảnh: Zing).
Sự biến chuyển diễn ra kể từ những năm 1990, khi một nhóm thanh niên trong làng Cương Gián đã tiên phong tìm cách thoát nghèo nhờ việc xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan… Chính điều này đã mở lối cho ngôi làng này trở thành làng “tỷ phú". Nhờ nguồn tiền gửi về từ các lao động ở nước ngoài, làng Cương Gián thay da đổi thịt, nhiều gia đình nhanh chóng thoát nghèo và khấm khá lên trông thấy.
Cứ thế, Cương Gián được mệnh danh là làng tỷ phú nhờ có đông đảo người đi lao động nước ngoài.
Theo chia sẻ của ông Trần Đức Lâm (Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián) trên Vietnamnet, làng Cương Gián đang có khoảng 2.700 người sinh sống, lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...; trong số đó, không ít người đã định cư nơi đất khách quê người. Bình quân mỗi lao động gửi về cho gia đình khoảng 700 USD/tháng, mỗi năm toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về trên 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một hệ quả không ai mong muốn đã xảy ra là ngôi làng tỷ phú này là ở đây chỉ có sự nguy nga, tráng lệ của vật chất nhưng lại thiếu hơi người, lâu đài biệt thự thường xuyên trong tình trạng cửa đóng then cài. Cuộc sống nơi đây đìu hiu, chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Hàng quán cũng thưa thớt, vì không có khách, lại cũng chẳng có nhân lực để vận hành…Thanh niên phần đông đi XKLĐ hoặc đi làm ăn xa, có những gia đình có đến 2-3 người đi xuất khẩu lao động.
Theo thống kê của địa phương, ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Cương Gián có trên 200 cặp vợ chồng ly hôn, thậm chí, trong một gia đình có 3 cặp vợ chồng "đường ai nấy đi". Đáng nói là, phần lớn những vụ việc ly hôn này đều có vợ hoặc chồng đi nước ngoài về. Nhiều gia đình cả bố mẹ đều ở nước ngoài, con cái phó mặc cho ông bà, đồng áng không ai quan tâm, bỏ hoang nhiều năm. Cả người già và trẻ nhỏ đều thiếu sự quan tâm, chăm sóc dù đều đang ở độ tuổi nhạy cảm
Làng giám đốc, có nhiều xe con bậc nhất tỉnh Bắc Ninh
Thời điểm đầu những năm 2000, thôn Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) bất ngờ chứng kiến sự ra đời của gần 500 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ. Thị trường xuất khẩu chính của các sản phẩm tại đây là Trung Quốc. Kể từ đó, ngôi làng này cũng chào đón hàng trăm tỷ phú, giám đốc và hàng loạt các ngôi nhà khang trang, hiện đại.
Lúc đó trên các con đường vào làng, đâu đâu cũng thấy tiếng đục, đẽo, cưa xẻ gỗ. Nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi, không ai còn nghe thấy những tiếng động ầm ĩ của xưa kia nữa mà thay vào đó là sự trầm lắng, ảm đạm đến mức kinh ngạc.
Lí do là vì đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ rơi vào tình trạng khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng sản xuất đều bị ứ đọng, ế ẩm. Thị trường đóng băng, các đối tác Trung Quốc tạm ngừng nhập sản phẩm nên hàng hóa ứ đọng. Các cửa hàng đã đóng cửa hàng loạt, nhiều nhà xưởng không còn hoạt động, không ít gia đình lâm vào trạng thái vỡ nợ, trắng tay, bị ngân hàng siết nợ.
Khung cảnh đìu hiu của làng nghề thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ (Ảnh: VTCnews).
Trước đây, không chỉ nhiều tỷ phú nhất, Đồng Kỵ từ lâu còn được xem là làng có nhiều người sở hữu ô tô con bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh. Nhưng nay đâu còn đường làng tấp nập các loại ô tô xịn như Lexus, Camry, giờ chỉ còn lại rất ít, nhiều chiếc trong số đó đã được chủ nhân đem gán nợ.
Do đó, làm giàu nhanh chóng bằng cách chạy theo cơn sốt của thị trường không hề là một bước đi bền vững, người dân dễ dàng gặp rủi ro lớn với kết cục đáng buồn khó lường trước được.
Làng tỉ phú hồ tiêu ở Đắk Nông
Được thiên nhiên ưu đãi cùng với bản tính cần cù, chịu khó làm kinh tế, xã Nâm N’giang (tỉnh Đắk Nông) từ chỗ "nghèo rớt mồng tơi" đã vươn lên, trở thành những xã tỷ phú, nổi tiếng vì sự giàu có. Ở đây, cứ gia đình nào trồng tiêu thì phần lớn đều là hộ khá, giàu, có bạc tỷ trong tay.
Một trong những ngôi nhà bề thế được xây dựng khi người dân "phất lên" . (Ảnh: Zing)
Đó là khi giá hồ tiêu đột ngột tăng mạnh, lên mức 200.000 đồng/kg. Tiêu tại Nâm N’Jang liên tục trúng mùa, trúng giá, có trên 300 hộ dân thu nhập trên 1 tỷ/năm, có hộ còn chạm mức thu nhập 17 tỷ/năm. Toàn xã có trên 500 căn nhà được xây từ 1 tỷ đồng/căn, gần 300 chiếc xe hơi con các loại, chưa kể đến các loại xe ô tô tải, dịch vụ du lịch, vận tải khác. Các dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu buôn bán sầm uất cũng mọc lên liên tục.
Nhưng đó chỉ là câu chuyện đã 5-6 năm trước đây. Chỉ được một thời gian ngắn, hồ tiêu bất ngờ liên tục rớt giá, xuống dưới 50.000 đồng/lượng trước sự ngỡ ngàng của không ít người. Cuộc sống của người làm nông tại đây lại rơi vào cảnh bấp bênh. Hàng trăm nhà lầu, biệt thự treo biển bán mà chẳng ai buồn ngó ngàng. Cũng đã có hộ đã bị ngân hàng tịch thu nhà vì không thanh toán được nợ. Có những biệt thự tiền tỷ sắp hoàn thành phải ngừng lại, gia chủ cũng bỏ đi luôn.
Hiện có khoảng 70% thanh niên trong xã đến độ tuổi lao động phải đi kiếm việc làm ở các thành phố lớn chứ không còn có thể trụ vững ở quê hương, khép lại một thời vô cùng hoàng kim cho xã tỷ phú vì những hệ lụy khi phát triển nông sản ồ ạt.
Làng "toàn tỷ phú đi nước ngoài" ở Nghệ An
Người xã Đô Thành, tỉnh Nghệ An vốn bén duyên với nghề buôn gỗ, làm mộc từ nhiều năm trước, những sản phẩm như tủ, giường, bàn ghế,... rất được ưa chuộng, có mặt khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh. Nhưng với quá khứ từng là một trong những xã nghèo nhất Nghệ An vào những năm 1980, xã này chỉ thực sự phất lên khi có một số lượng lớn dân làng quyết định đi xuất khẩu lao động ở châu Âu.
Ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch xã Đô Thành cho biết: "Có tới 70 đến 80% biệt thự ở đây đã được xây dựng bằng kiều hối. Nếu kiếm tiền ở trong nước, sẽ tốn rất nhiều thời gian để xây dựng một ngôi nhà lớn như thế này."
Cho đến nay, có tới 1.500 người dân xã đang lao động châu Âu, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Những khó khăn khi tìm công ăn việc làm, sự dụ dỗ của các băng đảng buôn người…là những yếu tố khiến nhiều người ra đi. Câu chuyện về xã huyện đổi đời này cũng được chính báo Reuters của Anh đến tận nơi tìm hiểu.
Một góc nhà thờ lớn ở trung tâm xã Đô Thành (Ảnh: Reuters)
“Những số liệu về lượng kiều hối thậm chí có thể cao hơn so với ghi nhận, do tiền được chuyển thông qua nhiều kênh không chính thức, như tiền mặt hoặc hàng tiêu dùng, đều không được tính,” ông Nguyễn Trí Hiếu, một nhà kinh tế tại Hà Nội và cựu cố vấn Chính phủ, cho biết với Reuters.
Diện mạo khang trang của ngôi làng tỷ phú. (Ảnh: Reuters).
Tuy nhiên, những sự việc đáng buồn vào năm 2019 đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân xã Đô Thành khi phải chứng kiến sự ra đi của nhiều người dân làng đang xuất khẩu lao động nơi xứ người. Sự việc xảy ra khi có đến 39 nạn nhân thiệt mạng trong chiếc container chở người nhập cư trái phép vào nước Anh, trong đó có nhiều người chính là người dân từ xã này.
Trước đó, chính quyền Anh cũng cho biết khoảng 70% các vụ buôn bán người Việt vào nước này trong giai đoạn 2009-2016 đều liên quan đến việc bóc lột sức lao động, với những người di cư bị dụ dỗ đi trồng cần sa trái phép và làm việc trong các tiệm giũa móng.
Nguồn: Tổng hợp