Indonesia phát hiện ca nghi mắc bệnh viêm gan bí ẩn
Ngày 5/5, Bộ Y tế Indonesia thông báo phát hiện thêm một số ca nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em sau khi ghi nhận ba trường hợp tử vong do nhiễm căn bệnh bí ẩn này trước đó, TTXVN đưa tin.
Phát biểu họp báo trực tuyến, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia- bà Siti Nadia Tarmizi cho biết các trường hợp mới được phát hiện sau khi các cơ quan y tế trên toàn quốc được cảnh báo về các ca mắc bệnh viêm gan với triệu chứng vàng da.
Hiện giới chức y tế Indonesia vẫn đang xác minh nguyên nhân gây ra các ca bệnh mới này thông qua một loạt xét nghiệm, giải trình tự bộ gen để chắc chắn rằng đây không phải là các trường hợp mắc viêm gan siêu vi A, B, C, D và E.
Y tá tiêm vaccine cho trẻ em ở Indonesia. Nguồn: independent.co.uk
Cũng tại họp báo, Giáo sư-bác sỹ nhi khoa Hanifah Oswari đã bác bỏ các suy đoán đang phổ biến theo đó bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em này xuất phát từ việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Giáo sư Hanifah lưu ý rằng dù một số trẻ em nhiễm các loại virus như SARS-CoV-2 hoặc adenovirus cũng bị mắc bệnh viêm gan cấp tính, song đó có thể là các trùng hợp ngẫu nhiên.
Các chuyên gia lo ngại bệnh sớm lây lan vào Việt Nam
Trao đổi với Thanh Niên vào ngày 5/5, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc), cho biết theo thống kê của các nước trên thế giới, hiện có 228 trẻ ở hơn 20 quốc gia bị mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, chưa tính đến 50 ca đang điều tra. Trong đó, có khoảng 10% phải ghép gan, 5 ca tử vong.
"Hiện chưa rõ tốc độ lây nhiễm như thế nào nhưng ban đầu cho thấy không nhanh như COVID-19", bà Thu Anh đánh giá.
Cũng theo tiến sĩ Thu Anh, hiện vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này nhưng các nhà khoa học đang nghi do Adenovirus vì tìm thấy virus này ở nhiều trẻ. Song, phải nhấn mạnh rằng, không phải là tất cả trẻ đều nhiễm Adenovirus vì khi sinh thiết gan một số trẻ đã không tìm thấy dấu hiệu nhiễm virus.
Trước nghi vấn bệnh viêm gan bí ẩn có liên quan đến vắc xin Covid-19, tiến sỹ Thu Anh nhận định: "Hầu hết trẻ mắc viêm gan không tiêm vắc xin Covid-19 nên vắc xin không phải nguyên nhân. Vẫn chưa thể nhận định nhóm trẻ nào dễ mắc bệnh viêm gan bí ẩn này".
Vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân gây nên bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ
Đặc biệt, theo đánh giá của tiến sĩ Thu Anh thì khả năng virus vào Việt Nam là rất cao và khó tránh khỏi. Do đó các bác sĩ, nhân viên y tế cần cảnh giác để phát hiện và báo cáo ca bệnh, cập nhật thông tin trên thế giới cha mẹ theo dõi triệu chứng ở trẻ, đặc biệt là vàng da vàng mắt, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Các triệu chứng và cách phòng ngừa
Trước đó vào ngày 2/5, Indonesia công bố ba trẻ em 2 tuổi, 8 tuổi và 11 tuổi tử vong tại một bệnh viện ở Jakarta do nghi mắc bệnh viêm gan bí ẩn với các triệu chứng vàng da và các vấn đề tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy nặng.
Theo Bộ Y tế, kết quả điều tra dịch tễ đến nay cho thấy không thành viên nào trong gia đình các bệnh nhi bị tử vong nói trên có tiền sử mắc viêm gan hoặc vàng da, hoặc có các triệu chứng viêm gan tương tự sau khi con cái họ mắc bệnh.
Dấu hiệu của bệnh gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, vàng da hoặc mắt, xét nghiệm men gan thấy tăng cao. Phương pháp điều trị hiện tại là chữa triệu chứng, trong trường hợp nặng thì ghép gan.
Giáo sư Hanifah khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần cảnh giác sớm khi trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa và đưa trẻ nhập viện ngay lập tức. Đồng thời, do viêm gan cấp tính có khả năng lây lan qua đường tiêu hóa và đường hô hấp nên cần tập trung ngăn chặn sự xâm nhập của virus, chẳng hạn bằng cách rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.
Khi thấy trẻ có vấn đề về tiêu hóa, da hoặc mắt bị vàng thì cần đưa đến bệnh viện để được kiểm tra
Bộ Y tế Việt Nam tăng cường giám sát các ca nghi ngờ
Chiều 6/5, Cục Y tế Dự phòng đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Cụ thể, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới. Đồng thời, phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam gửi về Cục Y tế dự phòng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus, trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và giám sát, phòng chống bệnh viêm gan virus, tổ chức tập huấn đào tạo cho cán bộ y tế tại các địa phương trên địa bàn Viện phụ trách.
Báo cáo của Anh cho thấy adenovirus, một loại virus phổ biến ở trẻ em, có thể đóng một vai trò nào đó trong đợt bùng phát bệnh viêm gan này. Trong số 53 bệnh nhân ở Anh được xét nghiệm adenovirus, có 40 người dương tính. Một nghiên cứu ở Mỹ ghi nhận tất cả 9 đứa trẻ viêm gan cấp đều là bệnh nhân tại Children’s of Alabama, đến từ các vùng khác biệt về địa lý của tiểu bang, không có mối liên hệ dịch tễ học, đều dương tính với adenovirus.
Adenovirus là một bệnh nhiễm virus rất phổ biến ở người, đặc biệt là trẻ em. Gần như mọi đứa trẻ đều bị nhiễm adenovirus ít nhất một lần trước 10 tuổi. Trong đó, adenovirus type 41 chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa, là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm dạ dày - ruột cấp tính ở trẻ em, điển hình là tiêu chảy, nôn ói và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp.
Nếu adenovirus là nguyên nhân của những trường hợp mắc mới hiện nay, có nghĩa một biến thể mới của adenovirus đã xuất hiện dễ gây viêm gan hơn.