Quán hủ tiếu Thanh Xuân hay còn được biết đến với tên gọi quán hủ tiếu Chùa Chà là một cái tên nổi bật trong hàng ngũ những quán ăn lâu đời ở quận 1. Đúng với tên gọi của mình, quán hủ tiếu này đã gắn liền với biết bao “thanh xuân” của nhiều thế hệ. Nhưng thanh xuân của mỗi người thì chỉ có một, còn quán thì lại có lịch sử hơn 70 năm. Quán được chú Thanh, người chủ đã mất của quán tiếp quản quán hủ tiếu của gia đình. Cái tên Thanh Xuân cũng xuất phát từ tên chú - Xuân Thanh. Sau khi chú Thanh mất, vợ chú là cô Tươi tiếp tục thay chú buôn bán để gìn giữ món ăn truyền thống của gia đình chồng.
Địa hình “núp hẻm”, nằm ẩn mình sau hàng cây mát rượi
Từ xa xưa, quán hủ tiếu được mở ra, đặt ngay trước cổng vào con hẻm để tiện trông coi nhà cửa giùm những gia đình đang sinh sống trong hẻm. Ngày nay quán vẫn ở đó dù đường phố xung quanh đã thay đổi nhiều, chỗ chuẩn bị đồ ăn cho thực khách vẫn để cạnh con hẻm nhỏ suốt bao năm qua. Còn bàn ghế của quán không còn xếp dọc theo con hẻm mà dời ra ngoài, nhưng cũng vì vậy mà khách hàng có cơ hội vừa được ngắm đường phố, vừa thưởng thức tô hủ tiếu thơm ngon.
Sợ không đủ chỗ, cô Tươi còn tận dụng nhà của gia đình kê bàn ghế cho thực khách lên ăn mỗi khi đông. Xa xa, chiếc biển hiệu có từ thời cha chú giờ đây cũng đã nhuốm màu thời gian. Quán hủ tiếu cũng trải qua biết bao thăng trầm với chiếc biển hiệu này, nhưng cũng là minh chứng cho món hủ tiếu tôm cua Thanh Xuân nổi danh khắp thành phố.
Món hủ tiếu cua có nước sốt ăn kèm bánh pate chaud trứ danh
Hủ tiếu khô của tiệm Thanh Xuân không giống với hủ tiếu khô của người Hoa ở Chợ Lớn, nơi đây có loại nước sốt đặc biệt chan lên sợi hủ tiếu. Đây là loại nước sốt gia truyền, không nơi nào có được khiến thực khách nhớ mãi. Nước sốt này là sự kết hợp nhuần nhuyễn từ cà chua và cua khiên sợi hủ tiếu trở nên đậm đà hơn. Cũng không thể bỏ qua lượng thức ăn “đồ sộ” của tô hủ tiếu, chỉ với giá 50.000 đến 60.000 mà tràn ngập càng cua, thịt heo, tôm, trứng cút đi kèm. Thỉnh thoảng dừng lại màn nếm muỗng nước lèo mang vị thanh, thơm đặc trưng của hủ tíu Mỹ Tho sẽ khiến người ta chỉ biết trầm trồ.
Ngoài nước sốt thơm ngon, một điểm thú vị nữa là món hủ tiếu khô ở đây được ăn kèm với bánh pate chaud. Tô hủ tiếu thấm đẫm sốt hoà với bánh pate chaud bùi bùi, giòn rụm khiến thực khách thích thú. Toàn bộ bánh bán trong ngày đều do quán tự tay làm chỉ bán tầm 100 cái, thực khách nào đi ăn trễ thì đành "mất phần".
Chỉ bán một buổi sáng nhưng khách vào ra liên tục
Xung quanh quán hủ tiếu Thanh Xuân này là vô số những hàng quán sang trọng, thực khách tuy có nhiều lựa chọn nhưng quán hủ tiếu vẫn là địa chỉ được nhiều người lui đến. Thậm chí có những người ở các quận xa lắc xa lơ vẫn hay những vị khách Việt kiều vẫn tìm đến quán ăn cho bằng được. Vì quán ăn gia truyền nên hương vị vẫn được giữ vẹn nguyên qua từng ấy năm, hỏi sao lúc nào quán cũng đông và luôn tìm được hình dáng của những vị khách quen, đã đi cùng quá từ rất lâu rồi. Quy mô quán Thanh Xuân cũng đã thu hẹp hơn trước, thế nhưng những ai yêu mến hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được thì vẫn luôn tìm đến quán ăn nhỏ kế bên chùa Chà mỗi khi có dịp. Cô Tươi vẫn ở đó, vẫn mặc chiếc áo bà ba giản dị, quấn mái tóc đơn giản như những người bán hàng từ thế kỷ trước phục vụ chu đáo cho khách đến ăn.
Ngồi xuống ghế, gọi tô hủ tiếu khô với cái bánh pate kèm thêm ly sữa đậu nành, thong thả ngồi nghe tiếng lá xào xạc, xe cộ chạy xung quanh. Ai cũng bất chợt nhận ra, sao buổi sáng tại nơi này đậm chất một buổi sáng đặc trưng của thành phố đến thế - nhẹ nhàng, bình yên, thoải mái.
Dù trải qua nhiều biến cố như lời cô Tươi (chủ quán) chia sẻ, thì quán vẫn cố gắng mở cửa, duy trì để gìn giữ tâm huyết mà cô chú đã gây dựng suốt bao năm qua. Đến nay, quán hủ tiếu dần đã được truyền lại cho đời con cháu của cô chú, nên cô vẫn luôn mong rằng quán hủ tiếu Thanh Xuân này vẫn luôn tồn tại để nhiều người có dịp thưởng thức món ăn độc đáo.