Sức mạnh đến từ cái tôi của Ronaldo
Có lẽ không ai quên phản ứng của Ronaldo khi bị HLV Sarri thay ra ở phút 55 trong trận đấu với AC Milan. Ronaldo đi thẳng xuống đường hầm, vào nhà tắm và rời khỏi sân trước khi trận đấu kết thúc. Một ví dụ nữa là việc CR7 thay đổi thái độ trong năm cuối cùng khoác áo Manchester. Khi đó, ngôi sao Bồ Đào Nha chỉ hướng tới Real Madrid.
Đỉnh điểm là CR7 nổi giận sau khi bị Sir Alex thay thế ở phút 60 trong trận derby Manchester mùa 2008/09. HLV người Scotland sau đó đưa ra chỉ trích hiếm hoi trên báo giới tới cậu học trò cưng: "Cậu không thể có mọi thứ theo cách mình muốn đâu". Tuy nhiên, cả Sir Alex và Ronaldo đều hiểu CR7 chỉ còn cách Santiago Bernabeu vài tuần nữa.
Thông thường, ý tưởng đối đầu với Ronaldo là không hề thông minh. Ronaldo cũng hiếm khi trở thành đối tượng chỉ trích vì thái độ tập luyện. Paul Clement, cựu trợ lý của Ancelotti hiểu rất rõ điều này. Ông từng làm việc cùng Zlatan Ibrahimovic tại Paris Saint-Germain, vì vậy khi gặp CR7, Clement rất hiểu cách để làm việc với ngôi sao này.
Không chỉ là một HLV, Clement trở thành người bạn của Ronaldo, chia sẻ và tâm sự với siêu sao sinh năm 1985 để hiểu hơn về con người anh.
"Tôi từng làm việc với những ngôi sao có bản tính khá hẹp hòi", Clement chia sẻ. "Họ luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ. Họ rất thích nói về bản thân, về trình độ của mình và mình chơi bóng tốt hay không. Nhưng Ronaldo lại khác, cậu ấy chia sẻ với tôi đủ thứ, về gia đình, kinh doanh và nhiều thứ khác nữa".
Một điểm đáng nói nữa là Ronaldo không cần HLV nào khích lệ tinh thần cả. Tự cầu thủ này cũng quá giỏi trong việc tự động viên.
"Nhờ kinh nghiệm làm việc với các ngôi sao, tôi cảm thấy khá dễ dàng. Tự họ muốn tập luyện thật tốt, duy trì kỷ luật và sự thích thú khi chơi bóng. Họ muốn mình phải chuyên nghiệp, phải xuất hiện ở phòng gym trước cả buổi tập. Họ mong muốn được theo dõi video tập luyện sau đó để tự đánh giá vả cải thiện bản thân. Đó là đẳng cấp cao nhất.
"Khi tổ chức buổi họp đội (tại Real Madrid), chắc chắn vài cầu thủ trẻ được chiêu mộ với giá cao sẽ tới muộn. Có thể không muộn, nhưng sẽ rất sát giờ và ngồi hàng cuối. Còn ngồi hàng ghế đầu và tới sớm 10 phút là những ai? Các trụ cột Ronaldo, Casillas, Ramos và Pepe. Buổi họp nào cũng vậy".
Lần trở lại Man United này, vị thế của Ronaldo là rất khác. Anh được kỳ vọng sẽ là người dẫn đầu, điều này rất có thể sẽ trở thành nguồn cơn của nhiều vấn đề. Như Karanka đã nói, khó nhất là thuyết phục Ronaldo rằng anh sẽ không được thi đấu tất cả số phút trong mọi trận đấu. Đó sẽ là thử thách dành cho Ole Solskjaer và ban huấn luyện.
Làm thế nào để đưa cầu thủ ở tầm cỡ như Ronaldo vươn lên đẳng cấp cao hơn? Làm thế nào để bảo ban một người đã giành 5 Quả bóng Vàng rằng anh ta sẽ phải cải thiện lối chơi?
Câu trả lời rất đơn giản: đừng làm thế.
"Có những thứ đừng bao giờ chỉ dẫn cậu ấy", Clement chia sẻ. "Điều cần làm là tạo ra một môi trường, một khung đội hình. Cần đưa ra kỷ luật, nhưng quan trọng nhất là tạo ra môi trường hợp lý để cậu ấy tỏa sáng".
"Carlo Ancelotti rất giỏi trong việc này, đủ cứng rắn nhưng rất công bằng. Ông ấy tôn trọng bạn và bạn phải tôn trọng ông ấy. Rất nhiều người không làm được như vậy. Nhiều HLV không hòa hợp tốt với đội bóng không phải vì họ yếu kém. Vấn đề là họ quá cứng nhắc về chuyện duy trì chiến thuật và kỷ luật".
Những người từng huấn luyện Ronaldo cho rằng việc anh trở về Old Trafford giống như một khóa học Thạc sĩ, không chỉ cho những Rashford hay Greenwood, mà còn cho chính ban huấn luyện.
Lý do là Ronaldo không chỉ thể hiện mình một cách xuất sắc, anh ta cũng yêu cầu nhận được điều tương tự. "Thái độ của cậu ấy rất rõ ràng", một cựu HLV của CR7 cho biết. "Cậu ấy gây áp lực để mọi người xung quanh phải cải thiện mình. Nếu đưa video cho cậu ấy, video đó phải được chỉnh sửa cẩn thận. Nếu nó lộn xộn, cậu ấy sẽ hỏi bạn vì sao lại tệ như thế".
"Có những buổi tập không phù hợp với Ronaldo vì nó không được xây dựng xung quanh cậu ấy", trợ lý HLV lâu năm tại Man United, Mike Phelan cho hay. "Cậu ấy sẽ nói ngay với ban huấn luyện. Cậu ấy lập tức sẽ nói buổi tập đó ổn hoặc không ra gì. Đó là bản tính của CR7, chúng tôi thích điều đó".
Những HLV thẳng thắn và đủ mạnh mẽ luôn nhận lại sự cống hiến tuyệt đối từ Ronaldo. Điều này góp phần giải thích vì sao Sir Alex, dù đã giải nghệ 8 năm, vẫn có thể thuyết phục Ronaldo trở về Man United thay vì tới chơi bóng cho Man City. "Cứ xem lại những đoạn Sir Alex nói chuyện với Ronaldo mà xem", Phil Neville, cựu cầu thủ Man United cho biết. "Ông ấy luôn quàng tay qua vai cậu ấy".
Sự tận tâm của CR7 cũng không thể bị đánh giá thấp. "Có một lần cậu ấy hỏi tôi về ngữ pháp tiếng Anh", Clement cười nói. "Cậu ấy kéo tôi qua và hỏi: 'Paul này, cụm động từ tiếng Anh là như nào?'. Tôi nói mình cũng không rõ. 'Anh bảo gì cơ? Anh là người Anh cơ mà?' Ronaldo thắc mắc. Dĩ nhiên chúng tôi không học tiếng Anh như thế. Nhưng điều đáng nói là lúc đó Ronaldo đã ở Madrid được 3 năm. Hóa ra trong suốt thời gian ở đó, cậu ấy vẫn không ngừng học tiếng Anh".