The Woman Who Ran là bộ phim thứ 24 được nhào nặn dưới bàn tay của đạo diễn gạo cội Hong Sang Soo. Bộ phim được đề cử giải Gấu Vàng (Golden Bear) – giải thưởng cao quý nhất của LHP Quốc tế Berlin. Sau 2 ngày công chiếu tại Đức, The Woman Who Ran đang nhận được những phản hồi rất tích cực từ giới phê bình cũng như công chúng trên toàn thế giới.
Nữ diễn viên Kim Minhee - nàng thơ màn ảnh của đạo diễn Hong Sang Ho – trong vai Gamhee
Trùng hợp thay, 2020 cũng là năm thứ 24 trong sự nghiệp điện ảnh của Hong Sang Soo. Là màn trở lại sau hai năm dài vắng bóng, The Woman Who Ran đánh dấu một làn gió mới trong phong cách làm phim cộp mác Hong Sang Soo – bớt đi một chút mơ hồ, trừu tượng nhưng lại không kém phần duyên dáng và bí ẩn.
The Woman Who Ran xoay quanh cuộc gặp gỡ của Gam Hee (Kim Min Hee) với ba người bạn cũ trong những ngày chồng cô đi công tác. Điều đặc biệt là tất cả những cuộc gặp gỡ này đều bị gián đoạn bởi sự hiện diện rất mơ hồ của những người đàn ông, có khi chỉ là bóng lưng hay giọng nói. Với một cốt truyện tưởng chừng khá mơ hồ, bộ phim đã nhận được cơn mưa lời khen từ báo chí và công chúng quốc tế về chiều sâu và tính nghệ thuật mà đạo diễn Hong Sang Soo gửi gắm qua từng thước phim.
1. Phong cách điện ảnh tối giản và tùy hứng cộp mác Hong Sang Soo
Sau hai bộ phim đen trắng, đạo diễn Hong đã trở lại với một bộ phim màu. Tuy vậy, theo tạp chí Variety, phong cách tối giản của ông vẫn được thể hiện rõ qua các cảnh quay dài bao gồm cả hai – ba nhân vật cùng lúc trên màn ảnh với ánh sáng lạnh khiến mọi thứ trở nên vừa tươi mới vừa nhợt nhạt. Chịu trách nhiệm cả về mảng âm nhạc của bộ phim, đạo diễn Hong Sang Soo chỉ để những đoạn nhạc ngắn chạy ở những phân đoạn chuyển đổi giữa các cuộc gặp gỡ của nhân vật chính.
Phong cách tối giản của Hong Sang Soo
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Gamhee là với Young Soon (Seo Young Hwa), một người mới ly hôn chồng. Cuộc gặp bị gián đoạn bởi một người đàn ông hàng xóm yêu cầu Young Soon và bạn cùng phòng Young Ji (Lee Eun Mi) không cho một con mèo hoang ăn vì vợ anh ta bị sợ mèo. Tiếp theo là cuộc gặp của Gam Hee với Su Young (Song Seonmi), một giáo viên pilate độc thân. Su Young bị một người đàn ông đeo bám sau một lần lỡ say rượu và qua đêm với anh ta. Cuối cùng, Gamhee tình cờ gặp Woo Jin (Kim Sae Byuk), người muốn xin lỗi Gam Hee về lỗi lầm trong quá khứ.
Những chi tiết tưởng như rời rạc lại mang đậm tính tùy hứng của Hong Sang Hoo, người "từ chối đi theo một lối mòn của những phong cách làm phim có sẵn (theo lời tạp chí Variety). Điều này còn được thể hiện qua cách lựa chọn góc máy và cảnh quay mà vị đạo diễn tài ba lựa chọn để thổi hồn vào tác phẩm của mình.
2. Sự lặp lại của những biểu tượng
Nhắc đến những hình ảnh biểu tượng, hiện tượng Oscar Parasite là một ví dụ tiêu biểu cho việc lặp đi lặp lại những hình ảnh cụ thể xuyên suốt bộ phim để gửi gắm những thông điệp ngầm của tác giả. Với The Woman Who Ran, không chỉ hình ảnh mà cả những lời thoại được lặp đi lặp lại cũng làm nên nhịp điệu của bộ phim (theo nhận xét của ScreenDaily).
Sự lặp lại của những hình ảnh trong phim như hiện tượng déjà vu
Trong mỗi cuộc gặp gỡ, Gam Hee đều nhắc lại rằng đây là lần đầu tiên cô xa chồng mình. "Anh ấy nói rằng những người yêu nhau nên ở gần nhau", cô giải thích một cách thẳng thừng. Đây là lời mà Gam Hee nói cả ba lần, thậm chí giống nhau đến từng chữ, khiến lời thoại đạt đến sự cứng nhắc như bị giam trong lồng kín không thể thoát ra.
Trang Hollywood Reporter đồng ý với nhận định này: "có cảm giác déjà vu (cảm giác quen thuộc) trong từng chi tiết". Hình ảnh táo được gọt rất nhiều lần, đến những đỉnh núi ngoài cửa sổ xuyên suốt bộ phim, tất cả đều tạo nên một sự hấp dẫn, đôi khi có chút hài hước. Qua đó đạo diễn Hong gửi gắm những suy ngẫm về những gì con người có thể bộc lộ mặc dù họ nghĩ rằng họ đang không nói bất cứ điều gì.
3. Nhân vật đặc biệt chiếm spotlight của bộ phim là một chú mèo
Nếu như trong Captain Marvel, chú mèo Goose đã từng chiếm spotlight hơn cả nhân vật chính, thì chú mèo trong The Woman Who Ran cũng đang được ưu ái nhắc đến vì diễn xuất "đỉnh cao" của mình.
Theo trang phim của Đức Movie Theater, đây là "chú mèo ngầu nhất từ trước đến nay". Như đã nhắc đến ở trên, người hàng xóm yêu cầu Young Soon và Young Ji không cho mèo ăn vì vợ anh ta sợ mèo. Tuy nhiên, hai người phụ nữ đã từ chối đề nghị này và cuộc đối thoại tiếp diễn với sự giằng co giữa hai bên. Cuối cùng, đạo diễn Hong zoom vào chú mèo hoang với một biểu cảm thờ ơ trước mọi sự đang diễn ra trước mắt mình. Đây cũng là cảnh quay đầu tiên nhận được tràng pháo tay của khán giả tại LHP Quốc tế Berline.
Trên Twitter, thậm chí khán giả còn nhận định nên trao giải Diễn viên xuất sắc nhất cho… chú mèo này:
Tạm dịch: Nếu tôi được quyết định, tôi sẽ trao giải Diễn viên xuất sắc nhất cho chú mèo trong The Woman Who Ran của Hong Sang Soo.
Ngoài các tạp chí và trang phim lớn thì The Woman Who Ran cũng nhận được nhiều tình cảm từ khán giả trên Twitter.
Tạm dịch: Bộ phim đầu tiên tôi xem hôm nay là The Woman Who Ran và tôi thích nó. Với bối cảnh ở Seoul, bộ phim khá yên tĩnh với những cuộc hội thoại hàng ngày, đôi khi khá hài hước rồi lại gợi rất nhiều suy tư. Diễn viên chính Kim Minhee đã có một màn trình diễn tốt
Hong Sang Soo mới vẫn là Hong Sang Soo cũ, thậm chí bộ phim còn nói về việc lặp đi lặp lại một việc, tôi thích điều đó
Tôi thích bộ phim The Woman Who Ran của Hong Sang Soo tại Berlinale 2020, dường như chẳng có gì xảy ra cả nhưng tôi không hề bị chán. Dưới bình luận: phần trình diễn ấn tượng nhất trong phim là của chú mèo.
Nhìn chung, The Woman Who Ran lại là một tác phẩm thành công tiếp theo của đạo diễn Hong Sang Soo. Hiện LHP Quốc tế Berlin đang bước vào những ngày cuối cùng, hãy cùng chờ xem đứa con tinh thần của đạo diễn Hong liệu có tiếp nối thành công của Parasite trên trường điện ảnh quốc tế để đưa điện ảnh Hàn Quốc lên một tầm cao mới.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.