Hoại tử xương sau khi mắc COVID-19: Y văn thế giới đưa ra 4 nguyên nhân

Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu | 19-07-2022 - 13:00 PM

(Tổ Quốc) - Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lung lay răng, chảy mủ, sưng đau họng… Kết quả thăm khám cho thấy xương hàm xuất hiện phần hoại tử.

Gia tăng số ca bệnh hoại tử xương hàm ở Việt Nam  

Hậu COVID-19 luôn là điều lo ngại trong lòng người dân. Mới đây nhất, thông tin liên quan đến các trường hợp mắc bệnh lý hoại tử xương hàm sau khi mắc COVID-19 tại Việt Nam gây ra nhiều lo lắng và hoang mang trong cộng đồng. Liệu nguyên nhân có phải do COVID-19?

Ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lung lay răng, chảy mủ, sưng đau họng… Đến khi được thăm khám, chẩn đoán thì xương hàm đã xuất hiện phần bị hoại tử, thậm chí là lan rộng, đe dọa đến tính mạng. Đặc biệt, trong số đó, đã có hai trường hợp tử vong với đặc điểm chung của tất cả các ca bệnh này là đều từng mắc COVID-19. Đáng chú ý, các bệnh nhân đều không có tiền sử về bệnh tai mũi họng hay răng hàm mặt.

Đến nay, các chuyên gia trong nước vẫn chưa thể khẳng định tình trạng này có liên quan đến COVID-19 hay các liệu pháp điều trị bệnh hay không.

Xương hàm trên vốn được nuôi dưỡng rất tốt, không dễ bị hoại tử như xương hàm dưới. Vì mạch máu nuôi được cung cấp cho xương hàm trên nhiều hơn nên những bệnh lý về hoại tử xương hàm thường xảy ra ở xương hàm dưới. 

Tuy nhiên, những bệnh nhân nhập viện gần đây đều có hoại tử ở xương hàm trên, đa phần không rõ nguyên nhân và có biểu hiện ban đầu là lung lay răng nhẹ, thậm chí có bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên lan nhanh lên tận xương thái dương, xương gò má, tới sàn sọ não. Những bệnh nhân này thường có bệnh nền (tiểu đường) làm giảm sức đề kháng và giảm lượng máu nuôi dưỡng khiến cho xương bị hoại tử và tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển, tăng hoại tử và tỉ lệ tử vong.

Bên cạnh hoại tử xương hàm, các trường hợp hoại tử xương ở các bộ phận khác như xương đùi, xương bánh chè, xương hông cũng được phát hiện. Những bệnh nhân này đều có chung đặc điểm là đã từng mắc COVID-19 trước đó.

4 yếu tố nguy cơ gây hoại tử xương sau COVID-19  

Các y văn thế giới tổng hợp đưa ra bốn nguyên nhân chính có nguy cơ gây ra tình trạng "chết xương" lạ này. Nhiều yếu tố có khả năng góp phần gây ra và lan truyền chứng hoại tử xương hàm liên quan đến nhiễm trùng sau COVID-19.

- Yếu tố chính là virus. Virus gây giảm điều hòa ACE-2 và trạng thái quá viêm sau đó, tăng cytokine và rối loạn điều hòa miễn dịch, ngoài ra còn có các huyết khối vi mạch và trạng thái tăng đông máu.

- Yếu tố thứ hai là các loại thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng viêm quá phát và cơn bão cytokine, đó là các corticosteroid và các loại thuốc sinh học như tocilizumab kháng thể đơn dòng.

- Yếu tố thứ ba là các bệnh đồng nhiễm, có thể là nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn hoặc nấm.

- Yếu tố thứ tư là các bệnh đồng mắc kèm theo, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, làm suy giảm thêm khả năng miễn dịch tại chỗ và bẩm sinh của cơ thể.

Tất cả những yếu tố này có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của chứng hoại tử xương hàm, độc lập hoặc là kết quả của sự tương tác của chúng.

Tuy nhiên ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng corticosteroid trong điều trị COVID-19 liên quan mật thiết với cơ chế bệnh sinh hoại tử xương xuất hiện gần đây. Các nghiên cứu trước đây cũng ghi nhận tác hại tiềm tàng của corticosteroid, bao gồm sự chậm trễ trong việc loại bỏ virus và sự hiện diện của các tác dụng phụ như phát triển bệnh tiểu đường, rối loạn tâm thần, loãng xương toàn thân và hoại tử xương vô mạch.

Người ta cũng chỉ ra rằng mức độ mất xương phần lớn bị ảnh hưởng bởi liều lượng và thời gian sử dụng corticosteroid. Tuy nhiên, liều lượng hay thời gian sử dụng chính xác của thuốc gây ra bệnh vẫn còn là một ẩn số.

Hoại tử xương sau khi mắc COVID-19: Y văn thế giới đưa ra 4 nguyên nhân - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Hoại tử xương hàm là một tình trạng không phổ biến nhưng có thể trở nên nghiêm trọng vì mô xương không nhận được máu và bắt đầu chết.

Chẩn đoán hoại tử xương 

MRI được khuyến cáo dùng để chẩn đoán hoại tử vô trùng ở những người sống sót sau COVID-19 ở tháng thứ 3, 6 và 12 sau khi kết thúc điều trị corticoid. Các y văn cũng chỉ ra khoảng thời gian này giữa việc uống corticosteroid và sự phát triển của hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.

Bên cạnh chẩn đoán MRI, các nhà khoa học đã tìm kiếm các yếu tố dự báo mới về căn bệnh này. Ví dụ, giảm PAI-1 là một phương pháp nhạy cảm để sàng lọc những bệnh nhân có nguy cơ cao bị hoại tử xương. Ngoài ra, có thể đề nghị sử dụng microRNA 423-5p như một dấu ấn sinh học, trong đó nồng độ trong máu tăng lên đáng kể ở những bệnh nhân bị hoại tử xương do corticosteroid. Hơn nữa, các thông số xét nghiệm về đông máu trong hầu hết các trường hợp đã được ghi nhận là vẫn nằm trong giá trị bình thường.

Điều trị hoại tử xương

Nếu bệnh hoại tử xương được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (I hoặc II), thì 92% –97% bệnh nhân sẽ không cần can thiệp phẫu thuật và điều trị bảo tồn có thể hồi phục. 

Cũng giống như trường hợp hoại tử xương vô căn hoặc hoại tử xương thứ phát không liên quan đến COVID-19, việc điều trị bệnh ở giai đoạn đầu chủ yếu nhằm mục đích giảm đau, làm chậm sự tiến triển của bệnh, ngăn ngừa xẹp xương dưới sụn và phục hồi chức năng khớp. Điều trị thận trọng các giai đoạn đầu của hoại tử vô khuẩn sau COVID-19 cho phép tránh dùng thuốc nội sinh có nguy cơ cao gây mất ổn định vô khuẩn ở bệnh nhân trẻ và trung niên.

Hiện tại, không có phác đồ điều trị hoại tử xương giai đoạn sớm sau COVID-19 được tiêu chuẩn hóa. Trong thực hành lâm sàng, dược trị liệu thường được kết hợp với dỡ khớp, đã được chứng minh hiệu quả của nó, đặc biệt là trong bệnh hoại tử xương do glucocorticoid. Khớp được tháo dỡ với sự trợ giúp của nạng trong thời gian ít nhất 3 tháng trong trường hợp khu trú của chỏm xương đùi, và trong trường hợp khu trú ở các xương khác, gậy và nẹp chỉnh hình được sử dụng thay cho nạng.

Tình trạng hoại tử xương hàm xảy ra ở những bệnh nhân được hồi phục sau nhiễm SARS-CoV-2 là một mối quan tâm tiềm ẩn. Với tỷ lệ COVID-19 ngày càng tăng, các bác sĩ nha khoa nói chung và bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt, bác sĩ chỉnh hình phải được chuẩn bị và định vị tốt nhất cho việc xác định sớm và phòng ngừa hoại tử xương hàm. 

Nâng cao nhận thức của bác sĩ về sinh bệnh học, phương pháp chẩn đoán và điều trị các giai đoạn bệnh sớm sẽ làm giảm nguy cơ phát triển giai đoạn nặng của hoại tử vô khuẩn sau COVID-19, làm chậm sự tiến triển của bệnh lý và trì hoãn hoặc thậm chí ngăn ngừa cần thay khớp. Ngoài ra với những bằng chứng và nghiên cứu trên thế giới, việc cân nhắc cẩn trọng khi sử dụng corticosteroid là điều hoàn toàn cần thiết lúc này.

Nhóm tác giả:

Trần Huyền Thoại (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng).

Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng).

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Đại học Nagasaki, Nhật Bản).

Tài liệu tham khảo:

https://bit.ly/3uXvVXd

https://bit.ly/3IM0rce

https://bit.ly/3yWEx1E




CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM