Người Trung Quốc có thành ngữ "Bạch thủ khởi gia", có nghĩa là tay không làm nên sự nghiệp, thường dùng cho những người đàn ông. Tuy nhiên, khi câu nói này được đặt lên vai người phụ nữ thì họ sẽ có cái nhìn khác.
Với sự bùng nổ kinh doanh gần đây ở Trung Quốc, đã có nhiều "Thương giới Mộc Lan" (những người phụ nữ thành công trong giới kinh doanh) bắt đầu xuất hiện.
Gần đây, Viện nghiên cứu Hồ Nhuận đã công bố Danh sách người phụ nữ tay trắng làm nên sự nghiệp năm 2020 thì trong số 10 người có 9 người đến từ Trung Quốc.
Vấn đề này không giống với những tình tiết trong phim mọi người thường thấy. Họ không phải là người thừa kế tài sản kinh doanh của gia đình, hay vì âm mưu hôn nhân gia đình để có sản nghiệp, mà những người phụ nữ này đều đi lên từ hai bàn tay trắng. Cuối cùng, họ tự hào vì có tên trong bảng danh sách nữ nhân thương trường Trung Quốc.
Là phụ nữ, họ nắm lấy tinh thần khởi nghiệp và liều mình xông về phía trước để tìm kiếm cơ hội, dám đổi mới với những thách thức máu lửa phía trước. Trên thực tế, không ai có thể ngăn cản tham vọng của phụ nữ Trung Quốc. Nếu để nói đến một cái tên cho mọi người có thể hình dung thì Đào Hoa Bích là ví dụ điển hình.
Đào Hoa Bích không phải nhân vật lớn lao nhưng bà không bao giờ thiếu tên trong bản báo cáo tài chính. Đào Hoa Bích được xem là ân nhân giúp 8 triệu nông dân làm giàu bằng cách tự làm tương ớt.
Đào Hoa Bích, người sáng lập ra thương hiệu tương ớt nổi tiếng Laoganma đã trở thành mẫu hình lý tưởng cho những người phụ nữ kinh doanh thời hiện đại. Thương hiệu tương ớt của bà được bán rộng rãi ở nước ngoài, từng xuất hiện trên trang mua bán trực tuyến Amazon, Gift và các trang web mua sắm khác ở Mỹ.
Đào Hoa Bích, sinh năm 1947 tại một ngôi làng ở miền núi nhỏ hẻo lánh thuộc huyện Mi Đàm, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Gia đình bà có 8 anh chị em và phải trải qua cuộc sống nghèo khổ không ai có thể tưởng tượng được. Bà Đào chưa bao giờ biết đến trường lớp là gì, bà chưa từng được đi học và chỉ viết được tên của mình.
Năm 20 tuổi, bà kết hôn với một nhân viên kế toán nhưng không ngờ sau đó chồng mình bị ốm nặng và qua đời. Ở tuổi đời còn quá trẻ bà đã trở thành góa phụ, một mình lo cho hai đứa con trai ăn học.
Để tiết kiệm tiền, bà Đào dường như không bao giờ ăn bên ngoài mà thay vào đó là bà tự làm một loại tương ớt để ăn cơm, đây là nguyên mẫu tương ớt đầu tiên của thương hiệu Laoganma.
Bôn ba làm việc ở phía Nam bao năm, sau cùng bà trở về Quý Dương mở một quán ăn nhỏ ở ven đường chuyên bán mì lạnh, với gia vị chính là tương ớt tự làm. Vì hương vị thơm ngon nên học sinh từ một số trường Trung học kỹ thuật gần đó đã đến quán ăn ủng hộ bà. Mỗi lần gặp những học sinh không có điều kiện ăn, bà thường mời họ ăn và không lấy tiền.
Từ đây, người dân truyền miệng nhau rằng, quán ăn mì lạnh của bà Đào có gia vị tương ớt rất tuyệt vời. Vì vậy, quán bà Đào ngày càng đông khách, đa phần họ đến để thưởng thức món mì có vị tương ớt đặc trưng này. Có người còn mua tương ớt về nhà để ăn với các món ăn khác.
Đến một ngày, bà Đào chợt nhận ra sức mạnh của tương ớt do bà làm. Mỗi khi hết tương ớt hết thì khách hàng cũng chẳng đến ăn mì. Điều đáng nói, những quán mì xung quanh lại trở nên đông khách hơn sau khi họ bán kèm mì với tương ớt của bà.
Năm 1996, bà Đào Hoa Bích đã thành lập một nhà máy chế biến tương ớt. Lúc đầu chỉ có hơn 40 nhân viên trong nhà máy, bà là người tiên phong trong việc mở rộng kinh doanh nên muốn tự mình làm mọi thứ. Kết quả bà bị viêm khớp nghiêm trọng.
Năm 2018, CCTV đã đến thăm nhà máy Laoganma và xác nhận giá trị thực sự của gia vị tương ớt này. Để mở rộng doanh số, bà Đào đích thân mang một giỏ tương ớt và đi dạo trên đường để quảng bá cho thương hiệu Laoganma. Không phụ thuộc vào các chiến dịch quảng cáo hay đóng gói sản phẩm mới, bà Đào tự tin rằng mình sẽ tạo ra một huyền thoại nước sốt cay tuyệt đỉnh không ai có thể làm giả.
Được biết, theo thống kê đầu tư trong năm 2019, doanh thu bán hàng của Laoganma vượt 5 tỷ nhân dân tệ, tăng 14,43% so với năm trước đó. Điều đáng ngưỡng mộ là hơn 20 năm sau khi thành lập, Laoganma luôn tuân thủ nguyên tắc "Không nợ ai một xu cũng không ai được nợ một xu". Câu chuyện về thương hiệu Laoganma của bà Đào Hoa Bích khiến mọi người có thể thấy được tinh thần khởi nghiệp của những nữ doanh nhân độc lập đầu tiên của Trung Quốc.
Cũng giống như Đào Hoa Bích, Du Du cũng là người phụ nữ kiên cường với hai bàn tay trắng.
Du Du, sinh năm 1965, là người đồng sáng lập nhà bán lẻ sách trực tuyến lớn nhất Trung Quốc dangdang.com. Du Du vốn là người phụ nữ thông minh. Bà tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh rồi lấy bằng MBA tại Đại học New York, sau đó kiếm được công việc ở phố Wall.
Năm 1996, Du Du gặp được người đàn ông Lý Quốc Khánh và nhận thấy cả hai có cùng chí hướng nên đã phải lòng nhau. Sau 3 năm họ tiến đến hôn nhân và cùng nhau thành lập Dangdang.com.
Trong những ngày đầu khởi nghiệp, Du Du đóng vai trò là người phụ nữ đứng sau Lý Quốc Khánh. Tuy nhiên, sau khi Dangdang.com phát triển, Lý Quốc Khách và Du Du bắt đầu bất đồng trong việc kinh doanh, ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ chồng. Bên cạnh đó, Lý Quốc Khánh còn vướng vào nhiều bê bối đời tư khiến tình cảm vợ chồng tan vỡ.
Du Du từ hậu phương đã chủ động bước ra tiền tuyến để bảo vệ sự nghiệp của mình. Cuối cùng, sau tất cả Du Du là người dành phần thắng về mình và tiếp tục phát triển Dangdang.com.
Điều gì thúc đẩy nữ doanh nhân Trung Quốc tiến lên con đường làm giàu?
Ngoài những phẩm chất chăm chỉ và ngoan cường của phụ nữ Trung Quốc từ thời cổ đại, thì sự tham vọng cũng là một trong những lý do cực kỳ quan trọng.
Một nghiên cứu của Trung tâm chính sách làm việc và sinh hoạt ở New York cho hay, có khoảng 76% phụ nữ Trung Quốc đang tham vọng đạt đến vị trí cao trong xã hội, ở Mỹ chỉ có 52% phụ nữ mong muốn điều đó. Điều này có thể xác định rằng, phụ nữ Trung Quốc chắc chắn là những người tham vọng nhất thế giới.
Nhìn vào các nữ doanh nhân mới bắt đầu sự nghiệp, hầu hết họ thường xuất thân từ nông dân, công nhân và không hề có viện trợ nước ngoài. May mắn thay, họ được sinh ra trong một thời đại thiếu doanh nhân. Chính sách bình đẳng nam nữ đã mở ra một mảnh đất màu mỡ để phụ nữ có khả năng kinh doanh và được thành công như những người đàn ông.
Năm 1985, Trương Nhân - người sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn giấy Cửu Long năm đó mới 27 tuổi đã từ bỏ công việc với mức lương rất cao, chỉ mang theo 30.000 nhân dân tệ (gần 100 triệu đồng) sang Hong Kong lập nghiệp.
Năm đó, Trương Nhân nhận thức được sự thiếu hụt giấy ở Trung Quốc và tiềm năng to lớn của thị trường giấy tái chế trong tương lai nên bà đã quyết tâm "biến giấy cũ thành tiền". Theo hồi ức của bà, những năm tháng đầu tiên thúc đẩy kinh doanh tái chế giấy là vô cùng khó khăn. Không chỉ vậy, để cải thiện chất lượng giấy nội địa, Trương Nhân đã có một quyết định táo bạo là đến Mỹ để tài chế giấy.
Vào những năm 1990, quan hệ Mỹ - Trung mới bắt đầu, người Mỹ không tin tưởng các doanh nhân Trung Quốc. Nhưng Trương Nhân đã khiến họ phải thay đổi suy nghĩ bằng sự chân thành của mình, cuối cùng họ cũng đã thiết lập được sự hợp tác lâu dài.
Theo báo cáo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hội đồng nhà nước năm 2017, các doanh nhân nữ làm việc tốt và ổn định hơn các doanh nhân nam, và tỷ suất bán hàng của họ cũng vượt xa hơn các doanh nghiệp do doanh nhân nam điều hành.
Dù tài giỏi nhưng vẫn phải đối mặt với áp lực xã hội và những định kiến
Không ít những người phụ nữ thành công đã phải đối mặt với áp lực đến từ sự cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Dù phụ nữ xưng hùng xưng bá ở thương trường nhưng họ cũng phải có trách nhiệm với gia đình, chăm lo và dạy dỗ con cái nên người.
Du Du, người phụ nữ thành công với sự nghiệp nhưng vẫn phải giặt quần áo, làm việc nhà và quán xuyến việc trong gia đình. Một doanh nhân Hàn Tiểu Hồng cho hay, nữ doanh nhân là một người lưỡng tính. Khi họ chăm chú làm việc thì họ sẽ quên mất rằng mình cũng là một người phụ nữ.
Ngoài ra, xã hội còn bỏ qua những thành tựu mà các doanh nhân nữ đã tạo nên, thay vào đó là họ chỉ chăm chăm soi mói về định kiến đối với phụ nữ, người cần ở hậu phương lo việc bếp núc cho gia đình chứ không phải ra ngoài làm kinh doanh.
(Nguồn: The Paper)