Vào ngày 26/10, Công chúa Mako đã chính thức kết hôn với bạn trai thường dân Kei Komuro sau gần 4 năm chờ đợi. Không có bất kỳ nghi lễ truyền thống hay bữa tiệc xa hoa nào được diễn ra trong ngày vui của Công chúa Mako.
Lần đầu tiên trong lịch sử hoàng gia Nhật có một nàng công chúa đã quyết định từ bỏ của hồi môn giá trị và chấp nhận một đám cưới nhỏ gọn, giản lược nhất có thể. Lý do giải thích cho sự bất thường này đó là vì dư luận không chấp nhận Kei Komuro trở thành rể của hoàng gia.
Vì những rắc rối tài chính của mẹ chú rể với hôn phu cũ của bà mà Công chúa Mako và Kei Komuro quyết định không dùng tiền thuế của người dân để tổ chức đám cưới, thay vào đó họ chỉ đăng ký kết hôn và tổ chức một cuộc họp báo ngắn gọn rồi lặng lẽ chuẩn bị cuộc sống mới ở Mỹ.
Theo quy định của hoàng gia Nhật, Công chúa Mako sẽ chuyển khỏi hoàng gia và mất hết địa vị khi kết hôn với một thường dân. Sự rời đi của Công chúa Mako đã đẩy hoàng gia Nhật vào một cuộc khủng hoảng mà nó đã âm ỉ cháy từ lâu.
Cuộc khủng hoảng không lối thoát
Sau Thế chiến II, hoàng gia Nhật còn có 67 thành viên. Đến ngày 26/10, sau khi Công chúa Mako rời đi, đại gia đình giảm xuống còn 17 thành viên, gồm 3 người có thể có thể kế vị Nhật hoàng Naruhito: Hoàng đệ Fumihito 55 tuổi, người cháu Hisahito 15 tuổi (em trai của Công chúa Mako) và hoàng thúc Masahito 85 tuổi.
Hiện nay Nhật Bản và một số hoàng gia khác trên thế giới như Arab Saudi, Oman hay Morocco vẫn giữ nguyên quy định chỉ truyền ngôi cho nam thành viên trong gia đình. Đám cưới của Công chúa Mako đã nhắc lại thực trạng đáng lo ngại của hoàng gia Nhật khi lượng thành viên và người kế vị ngai vàng đang ngày một thu hẹp dần.
Giới chuyên gia, quan chức và công chúng đã nhiều lần kêu gọi và vận động việc nên thay đổi luật lệ để phù hợp với tình hình hiện tại đó là truyền ngôi cho nữ thành viên, nhằm duy trì và củng cố một trong những hoàng gia lâu dài nhất thế giới. Thay đổi này còn giúp cho hoàng gia Nhật Bản hòa nhập hơn với dòng chảy tư tưởng bình đẳng giới hiện đại.
Vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, tờ Kyodo đã thực hiện cuộc khảo sát cho thấy, có khoảng 85% người trả lời khảo sát ủng hộ Nhật Bản có Nữ hoàng. Khoảng 79% ủng hộ Nữ hoàng truyền ngôi cho con. Tuy nhiên, quyền quyết định lại không nằm ở hoàng gia Nhật. Vai trò của hoàng gia và quy tắc truyền ngôi phải tuân theo luật pháp Nhật Bản. Trong khoảng hai thập kỷ qua, một số chính trị gia tìm hướng thay đổi quy định này nhưng đều thất bại.
Số lượng thành viên trong gia đình hoàng gia Nhật sẽ còn tiếp tục giảm khi nhiều thành viên nữ kết hôn với thường dân, làm tăng gánh nặng nghĩa vụ hoàng gia cho những người ở lại. Sự ra đi của Công chúa Mako đã làm khuyết đi một chỗ trống lớn cho các vị trí và các nhiệm vụ hoàng gia. Giờ đây, các thành viên còn lại sẽ thay phiên nhau lấp đi chỗ trống của Công chúa Mako.
Ngọn lửa cứ âm ỉ cháy
Người chịu gánh nặng và áp lực nhất hiện nay trong hoàng gia Nhật đó chính là Hoàng tử Hisahito. Thiếu niên 15 tuổi này là con trai duy nhất của Thái tử Nhật Bản và là em trai của Công chúa Mako. Trong tương lai không xa, Hisahito sẽ lên thừa kế ngai vị và phải gánh vác trọng trách sinh con nối dõi cho hoàng gia Nhật sau này.
Việc kết hôn của Hisahito chắc chắn sẽ được coi trọng và lựa chọn kỹ lưỡng. Vợ tương lai của Hisahito chắc hẳn cũng sẽ chịu áp lực tương tự giống như nhiều nàng dâu hoàng gia Nhật khác đó là phải sinh được con trai nối dõi. Khi quy định kế vị không được thay đổi thì mãi mãi các thành viên hoàng gia Nhật phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về người kế thừa ngai vị.
Chưa có tín hiệu nào cho thấy chính phủ của Thủ tướng Kishida sẽ điều chỉnh luật lệ về hoàng gia, ít nhất trong tương lai gần. Đã có nhiều nỗ lực thay đổi trước đó bị thất bại. Vào năm 2012, Thủ tướng Nhật khi đó là Yoshihiko Noda cũng cân nhắc cho các Công chúa Nhật Bản tự lập nhánh gia phả và giữ vị trí trong hoàng thất sau khi thành hôn. Nỗ lực này thất bại khi ghế lãnh đạo đảng cầm quyền đổi chủ.
Năm 2020, Thủ tướng Yoshihide Suga lúc bấy giờ đã mở hội đồng chuyên gia xét lại đề xuất. Ý tưởng một lần nữa "chết yểu" khi ông không tái tranh cử năm nay. Đương kim Thủ tướng Fumio Kishida thì lại không mặn mà với viễn cảnh Nhật Bản có Nữ hoàng. Rõ ràng cuộc khủng hoảng về việc thiếu người kế vị vẫn là một ngọn lửa cháy âm ỉ cháy và không ai rõ đến khi nào nó sẽ bùng phát, gây ra chấn động lớn.
Sau khi kết hôn, Mako sẽ theo chồng sang Mỹ, từ bỏ mọi hỗ trợ tài chính từ hoàng gia và chính phủ Nhật Bản. Kei Komuro đã được nhận vào một hãng luật ở New York, còn Mako sẽ thoát khỏi sự xét nét của truyền thông nhiều năm qua. Từ đây Công chúa Mako sẽ bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới không còn bị ràng buộc bởi các quy tắc, định kiến. Cô đã thực sự được tự do, được sống là chính mình bên cạnh người mà cô nguyện dành cả cuộc đời để ở bên.
Nguồn: NBC News, Bloomberg