Với bộ phim "Như Ý Truyện", tưởng như chỉ là một bị phim cung đấu đơn thuần với những nhân vật hư cấu nhưng ẩn sau trong đó luôn là những hình ảnh, những tình huống ta dễ dàng bắt gặp ngoài đời thực. Câu chuyện về Như Ý và Lang Hoa cũng vậy: hình ảnh về hai vị hoàng hậu quản lý lục cung phần nào phản ánh về những mẫu nhà quản lý thời hiện đại. Vậy trong các quản lí của Như Ý và Lang Hoa có điều gì khác biệt?
Lang Hoa - Người sếp kỷ cương
Được sinh ra là lớn lên trong đại gia tộc Phú Sát Thị, Lang Hoa luôn được dạy dỗ một cách khắt khe để trở thành một bậc mẫu nghi thiên hạ. Do vậy, hình ảnh của nàng trong phim luôn luôn giữ chuẩn mực của một Hoàng Hậu thực thụ.
Có thể nói, trong "Như Ý Truyện", hình ảnh Lang Hoa luôn hiện lên là một người sếp kỷ cương tiêu biểu. Nàng khắt khe, chuẩn chỉnh với tất cả người mà nàng quản lí. Nàng đưa cả lục cung vào nề nếp cần kiệm bằng những lý lẽ thuyết phục, tự mình làm hình mẫu. Lang Hoa luôn thể hiện bản thân là người công bằng, phân minh, rạch ròi công - tư. Mỗi lần nàng xuất hiện luôn thể hiện sự chỉn chu, chuẩn mực. Tại nơi Tử Cấm Thành có hàng trăm, hàng ngàn con mắt nhìn nàng, nàng càng phải làm gương. Thậm chí với con cái mình nàng cũng có phần khắt khe hơn.
Nhờ vậy, mà có thể thể nói rằng Lang Hoa trong mắt hoàng thượng và phi tần luôn là chuẩn mực của bậc mẫu nghi thiên hạ. Thế nhưng mặt trái là việc nàng luôn bị sống trong sự gò bó và lo lắng về quyền lực mình. Nàng luôn sợ những người muốn phá vỡ trật tự mà mình đặt ra, sợ phải san sẻ quyền lực. Những áp lực đó luôn đè nặng khiến nàng day dứt.
Tựu trung lại, Lang Hoa chính là hình ảnh một người sếp chuẩn mực mà nhiều người đặt ra. Nhờ sự kỷ luật, nề nếp tạo ra sự quy củ trong một tập thể, một tổ chức, nhờ kỷ luật, kỷ cương mới tạo được sự phát triển và nhất quán trong công việc của bất kỳ một tập thể nào. Nhưng đồng thời, nếu quá kỷ luật thì tổ chức cũng dễ bị hạn chế đi sự tình cảm, gắn bó cũng như việc tạo ra đột phá sáng tạo trong công việc.
Như Ý - Người sếp cảm tính
Không giống như Lang Hoa, Thanh Anh - Như Ý từ lúc sinh ra đã luôn muốn sống cuộc đời tự do, tự tại. Nàng lên ngôi vị Hoàng Hậu không vì quyền lực hay đem về vinh quang gia tộc. Đơn thuần nàng chỉ muốn ở được ở bên người mình yêu, được là một người vợ hơn hơn là bước lên ngôi hậu vị. Do vậy, với nàng không quá chú trọng tới phép tắc mà lại thiên về tình cảm trong cách quản lý của mình.
Ở Như Ý, ta thấy hình ảnh về một người bạn thân thiết hơn là hình ảnh của người quản lý. Nàng luôn đối xử với người dưới bằng tình cảm và thu phục họ bằng sự chân thật, bản tâm của nàng. Nhờ vậy, mà Như Ý được đa phần người dưới yêu quý. Nàng xử lý mọi việc một cách hài hòa các mối quan hệ và có được những người đồng hành bền vững, luôn trung thành và tận tụy với nàng như Hải Lan, Hương Kiến, Mi Nhược...
Đến những hình thức kỷ luật mà Như Ý đưa ra vẫn rất thâm thúy và tế nhị, không hề khoa trương khiến các phi tần mất mặt nhưng cũng vô cùng sâu sắc để họ phải nhớ mãi. Điển hình nhất có thể kể đến việc Như Ý trừng phạt Gia Quý Phi việc thưởng đôi bằng đôi bông tai. Phạt qua việc thưởng của Như Ý không những thấm thía cho kẻ có tội mà còn rất được lòng những phi tần phía dưới.
Tuy nhiên, cũng không ít lần vì tình cảm mà nàng nhu nhược với kẻ dưới. Điển hình là việc Kim Ngọc Nghiên và Yến Uyển không ít lần vượt mắt, làm trái cung quy nhưng vẫn được tha bổng. Điều này khiến cho không ít những kẻ phá hoại coi thường quy tắc và qua mặt nàng. Nhiều người cho rằng, nếu Như Ý cũng kỷ luật, khắt khe như Lang Hoa thì có lẽ chúng ta sẽ có một kết phim khác.
Kết: Dù là kỷ luật khắt khe như Lang Hoa hay tình cảm, tinh tế như Như Ý thì đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Trong cuộc sống, chắc chắn sẽ có những lúc ta bắt gặp hình tượng người sếp tương tự như bộ phim gây dựng nên. Bởi vì đó chính là hiện thực cuộc sống mà Như Ý Truyện phản ánh. Đây chính là chiều sâu trong nội dung mà bộ phim truyền đạt tới chính chúng ta - những nhân vật chính đang đóng bộ phim của chính mình.