Hành trình thoát khỏi tâm dịch của du học sinh Ý: Nhà là nơi để trở về khi sợ hãi

HH | 28-03-2020 - 19:24 PM

(Tổ Quốc) - Hồng Thủy - nữ du học sinh vừa trở về từ Italia bảo có niềm tin chính đáng rằng: Nhà là nơi để trở về khi sợ hãi.

Bọn em không sợ dịch, bọn em sợ kỳ thị

“Bọn em không sợ Corona, bọn em sợ sự kỳ thị”, Hồng Thủy nói về lý do cô và 7 người bạn của mình quyết định lên đường về Việt Nam, vào thời điểm mà con số bệnh nhân Covid-19 tại Italia còn dưới 10 ngàn.

Đó là một quyết định khó khăn của cả nhóm bạn.

Hồng Thủy là sinh viên năm thứ 4 ngành Quan hệ quốc tế Đại học Salerno, thuộc tỉnh Salerno, miền Nam Italia. Cô gái Hà Nội đã có 5 năm sống tại đất nước hình chiếc ủng, bao gồm 1 năm học trao đổi. Thủy bảo: “Em yêu Ý vô cùng” nhưng cô cũng đã có những trải nghiệm tồi tệ trong 10 ngày đầu tháng 3 bão táp.

Hành trình thoát khỏi tâm dịch của du học sinh Ý: Nhà là nơi để trở về khi sợ hãi - Ảnh 1.

Hồng Thủy khi ở Ý

Những ngày đầu tháng 3, các ca bệnh Covid-19 tại Italia đã có dấu hiệu mất kiểm soát. Không tìm thấy bệnh nhân số 0, bệnh nhân F1 bị xử lý sai. Số ca lây nhiễm tăng vọt lên 3000 chỉ sau ít ngày.

Bố mẹ của cả nhóm bạn liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình các con. Lo lắng vì corona thì ít mà sốt ruột với sự lo lắng của bố mẹ thì nhiều. Cả nhóm bảo nhau: “Cứ ở trong nhà thì cũng đâu có sao. Chắc không thể quá mất kiểm soát được. Chưa kể, việc học đang dở dang, nếu về thì biết bao giờ mới sang lại được.”

Thời điểm đó, chính phủ Italia vẫn chưa đóng cửa trường học.

Nhưng tình hình diễn biến căng thẳng từng ngày, số ca bệnh tăng nhanh. Các bệnh viện bắt đầu phải chọn bệnh nhân để điều trị. Người không có triệu chứng không được làm xét nghiệm, người dương tính còn khỏe mạnh được khuyên về nhà tự cách ly. 

Hồng Thủy cùng nhóm bạn bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh nếu chẳng may nhiễm bệnh bởi chắc chắn họ không thuộc nhóm được ưu tiên điều trị tại cơ sở y tế. “Ngày nào cũng ngồi nghĩ có về hay không. Về thì sợ nhỡ mang virus về. Ở lại thì cũng nguy hiểm”, Hồng Thủy kể về những ngày rối như tơ vò. 

Mối nguy hiểm mà cô nói không phải là con virus corona, mà đến từ sự kỳ thị nhân danh corona.

Những dồn nén tâm lý cộng với cuộc gọi đầy nước mắt bất an của mẹ khiến Hồng Thủy quyết định về nước.

Một lần đang ngồi ở bến xe buýt, cô bị ném nắp vào người, kèm theo câu nói thô tục. Trong khi đó, một người bạn của cô bị nhổ nước bọt, sau đó bị động chạm trên tàu. 

Bước vào cổng trường đại học, ngay tại sân trường, một sinh viên đeo khẩu trang chạy lại phía Hồng Thủy và nhóm bạn, chỉ tay vào chiếc khẩu trang trên mặt và nói: “Tao chụp ảnh với chúng mày được không?”

Những dồn nén tâm lý cộng với cuộc gọi đầy nước mắt bất an của mẹ khiến Hồng Thủy quyết định về nước. 

Ngay trong đêm cả nhóm 8 người chờ đến sáng để bắt chuyến buýt sớm lên Roma, chính phủ Italia ra lệnh phong tỏa toàn quốc. Hành trình về nước của cả nhóm vì thế có thêm một số trục trặc, nhưng may mắn họ vẫn lên được máy bay. 

Trên máy bay, cả nhóm Hồng Thủy bảo nhau đeo khẩu trang và găng tay cao su, quấn thêm một lớp khăn quàng cổ kéo cao  lên che nửa mặt. Hồng Thủy vẫn cẩn thận lấy khăn giấy tẩm cồn lau mọi thứ xung quanh rồi mới chạm. Đi toilet, cô cùng dùng khăn giấy lau một lượt, sau đó trải giấy lên bề bồn cầu trước khi ngồi xuống. Rửa tay xong, ra khỏi toilet, cô lại xin tiếp viên dung dịch cồn khử trùng để lau lại tay một lần nữa.

Chuyến bay "về nhà" quá cảnh tại Thái Lan trước khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào lúc 10 giờ sáng ngày 12/3 theo giờ Việt Nam. Tầm 1 giờ chiều, Hồng Thủy cùng 7 người bạn và 12 người khác được đưa thẳng về Lữ đoàn pháo binh tại tỉnh Bắc Giang, bắt đầu 14 ngày cách ly.

Sẽ cùng gia đình quyên góp cho nhà nước sau thời gian cách ly

Khu cách ly trong Lữ đoàn pháo binh không lạ lẫm với Hồng Thủy và nhóm bạn, bởi: "Giống hệt hồi bọn em đi quân sự, nhưng sướng hơn vì đây là doanh trại quân đội “xịn” luôn". 

"Vì bọn em mua vé tối, sáng hôm sau bay luôn nên không chuẩn bị được kĩ càng. Chủ yếu là quần áo đủ dùng cho 14 ngày và ít đồ cá nhân. Tuy vậy, về đến doanh trại, mỗi người bọn em được phát một gói đồ dùng gồm 1 bàn chải, 1 khăn mặt, 1 chai nước súc miệng, 2 chai nước suối, bột giặt, xà bông, dầu gội… Nói chung đầy đủ lắm, vui lắm chị ạ", Hồng Thủy khoe. "Hằng ngày, cứ 6 giờ sáng, các anh bộ đội gõ cửa gọi dậy ăn sáng. Đi cách ly mà ai cũng sợ tăng cân vì ăn ngon, ăn nhiều và ăn đúng giờ."

Hằng ngày, Hồng Thủy cùng các bạn dọn dẹp chỗ ở, tiện ai nấy làm mà không phải phân công lịch trực nhật. “Cũng chỉ quét và lau trong phòng, còn lại đến đổ rác các anh bộ đội cũng không cho làm, vì liên quan tới khử trùng theo đúng quy định.”, Hồng Thủy cho biết.

Cô kể chuyện các anh bộ đội lần đầu phải tiếp quản công dân nữ trong khu cách ly nên tỏ ra tế nhị, khó xử trong những điều hết sức bình thường. “Các anh ấy vừa nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm túc nội quy xong lại vội vàng xin lỗi ngay vì sợ đã nói nặng lời, trong khi bọn em không cảm thấy gì. Xong lúc nào cũng giữ khoảng cách với các phòng nữ vì ngại”.

Hành trình thoát khỏi tâm dịch của du học sinh Ý: Nhà là nơi để trở về khi sợ hãi - Ảnh 6.

Những người cách ly như cô được kiểm tra sức khỏe hai lần vào 7g sáng và 4g chiều. Nếu ai có nhiệt độ lên tầm 37,4 - 37,5 là ngay lập tức được đưa lên bệnh viện tuyến tỉnh để kiểm tra. May mắn, chỉ có 2 người bị đưa đi kiểm tra và đều có kết quả âm tính.

Khu Hồng Thủy ở có 25 du học sinh trở về từ Ý. Ngày đầu tiên, các gia đình khấp khởi đến "tiếp tế" cho các con. Hồng Thủy bảo: "Gọi là tiếp tế chứ thực ra bọn em không thiếu gì cả. Bố mẹ mong chờ con về Việt Nam nên ai cũng muốn gửi vào cho con chút đồ ăn vặt. Việc tiếp tế cũng chỉ diễn ra trong ngày đầu tiên. Không ai muốn bố mẹ phải lặn lội xa xôi vì cũng đâu có được gặp con."

Nhà là nơi để trở về khi ta sợ hãi. Trở về nhà, cảm giác lớn là tự hào về đất nước mình.

Không có bất tiện nào trong khu cách ly theo lời Hồng Thủy. Kể cả việc quần áo giặt tay và phơi lâu khô vì miền Bắc đang trong kỳ nồm ẩm. "Bọn em đều nghĩ về được nhà là may mắn nên không ai phàn nàn gì. Quần áo ngày thay một bộ, không khô thì bọn em bỏ máy sấy tóc ra xì khô. Trên mạng xã hội có bài viết tiêu cực, nhìn nhận chưa đúng về du học sinh bọn em thì bọn em cũng hạn chế đọc. Cũng có buồn nhưng không có gì xấu hổ, vì nhà là nơi để trở về khi ta sợ hãi. Lúc này bọn em chỉ có một cảm giác là tự hào về đất nước mình."

Khi chỉ còn 1, 2 ngày nữa là hết hạn cách ly, nhóm cô đã rủ nhau góp một khoản tiền gửi tặng cho đơn vị, nhưng “các anh bộ đội” mang trả lại, từ chối khéo rằng “bọn anh không biết đưa khoản tiền này vào quỹ gì”. Thế nên cô bảo việc đầu tiên cô làm khi trở về nhà là cùng gia đình quyên góp ủng hộ cho nhà nước để chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19. 

 - Ảnh 1.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM