Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" suốt 50 năm, có tiếng như bữa cơm nhà "nuôi" con nít trong xóm từ nhỏ đến khi lên đại học

Bài: PHÚC NGÂN; Ảnh: ANDY TRẦN | 07-01-2022 - 12:04 PM

(Tổ Quốc) - Chúng tôi đã phải "trố mắt" kinh ngạc khi gọi dĩa bánh ướt đầy đủ ở đây và được cô chủ quán tính tiền 10 nghìn đồng.

Có dịp ghé qua con hẻm nhỏ trên đường Nghĩa Phát (quận Tân Bình) để ăn sáng, thu hút chúng tôi là sự kết nối rôm rả của vài vị khách. Họ ngồi cùng nhau quanh một chiếc bàn ăn món bánh ướt quen thuộc. Cái hàng này chẳng phải mới mẻ hay đặc biệt gì, những vị khách quen ở đây cũng chính là bà con trong xóm đã ăn ủng hộ từ năm này qua năm khác.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không khẳng định là duy nhất nhưng cũng phải "kiếm đỏ con mắt" mới thấy có hàng bán đồ ăn chiều lòng khách đến kinh ngạc. Cô chủ dễ tính đến mức ai mua bao nhiêu cũng bán, muốn ăn bao nhiêu thì ăn chứ chẳng có quy định một phần phải bán ra bao nhiêu cả.

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" suốt 50 năm, có tiếng như bữa cơm nhà "nuôi" con nít trong xóm từ nhỏ đến khi lên đại học - Ảnh 1.

Hàng bánh ướt "bao nhiêu tiền cũng bán" phục vụ cho bà con trong xóm đã hơn 50 năm qua

HÀNG BÁNH ƯỚT NHƯ BỮA CƠM NHÀ, CÓ TIẾNG "NUÔI" CON NÍT TRONG XÓM TỪ NHỎ LÊN ĐẾN ĐẠI HỌC 

Nguyên gốc cái hàng ăn này là của cụ Hà, năm nay đã 86 tuổi, ngồi trong con hẻm này từ năm 1970 cho đến khi không còn khỏe khoắn nên giao lại cho con gái của cụ là cô Trịnh Thị Lan (60 tuổi) thay thế.

"Từ năm tôi 14 tuổi đến bây giờ tôi 62 tuổi, ngồi góc bên này qua bên này vẫn còn bán, là bao nhiêu năm rồi nhỉ?", một người hàng xóm của cô Lan đi ngang qua cảm thán.

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" suốt 50 năm, có tiếng như bữa cơm nhà "nuôi" con nít trong xóm từ nhỏ đến khi lên đại học - Ảnh 2.

Một mình cô loay hoay dọn từng chút, bà con hàng xóm với nhau nên cũng chịu khó đợi đúng giờ để ăn bánh ướt

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" suốt 50 năm, có tiếng như bữa cơm nhà "nuôi" con nít trong xóm từ nhỏ đến khi lên đại học - Ảnh 3.

Chiếc bàn nhỏ kê vài ba chiếc ghế vô cùng giản dị và gần gũi

Có lẽ vì họ đã quá quen thuộc với sự xuất hiện của cụ Hà, cô Lan ở đây cho nên đột nhiên nhắc lại về thâm niên của hàng bánh ướt này đến họ cũng có chút kinh ngạc. Hóa ra đã hơn 50 năm cả xóm này ăn đi ăn lại bánh ướt của cụ Hà.

"Có người họ còn bảo bà Hà nuôi con nít từ hồi nhỏ lên đến đại học. Người già bắt đầu nằm bệnh vẫn còn ăn cho đến khi mất thì thôi", cô Lan chia sẻ về sự gắn bó của cô và mẹ với cái nghề, với bà con trong xóm này.

Qua bao nhiêu năm nhưng sự dễ tính của hai thế hệ bà chủ ở đây vẫn nguyên vẹn, có lẽ vì vậy mà người ta ghé lại không chỉ vì món ăn, mức giá rẻ đến kinh ngạc mà còn là sự san sẻ đầy tình nghĩa của những người lao động ở đây.

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" suốt 50 năm, có tiếng như bữa cơm nhà "nuôi" con nít trong xóm từ nhỏ đến khi lên đại học - Ảnh 4.

"MỘT CÁI BÁNH ƯỚT MỘT NGHÌN, AI THÍCH ĂN BAO NHIÊU THÌ BÁN BẤY NHIÊU" 

Chúng tôi gọi cô Lan cho một dĩa đầy đủ như bình thường mọi người hay ăn xem thế nào mà mọi người tấm tắc khen cô vừa bán rẻ vừa dễ tính như thế. Nhưng quả thật là phải kinh ngạc khi cô báo giá 10 nghìn đồng.

"Ở đây khách muốn ăn gì gọi bao nhiêu thì mình tính tiền như thế. Có người không ăn bánh chỉ kêu một ngàn bánh rồi ăn với chả. Cô cứ bán một ngàn cái bánh, mua 3 ngàn hay 5 ngàn cũng có, thích ăn bao nhiêu thì bán bấy nhiêu", lời lí giải của cô Lan cho "phong cách" bán hàng đặc biệt của mình.

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" suốt 50 năm, có tiếng như bữa cơm nhà "nuôi" con nít trong xóm từ nhỏ đến khi lên đại học - Ảnh 5.

Đĩa bánh này có giá 10 nghìn đồng, tuy không bắt mắt như các hàng quán khác nhưng lại là bữa sáng dễ ăn cho những người dân lao động ở khu này

Mỗi ngày cô Lan cặm cụi dọn ra từng món, tầm 7 giờ là đã có khách đứng đợi sẵn để mua. Bây giờ cụ Hà đã lớn tuổi nên chỉ còn một mình cô loay hoay, cũng chỉ làm vừa đủ bán vài tiếng rồi dọn hàng về. Cô Lan chia sẻ cũng không lời nhiều nhưng đủ tiền quà sáng với đi chợ là được rồi.

Bánh ướt ở đây được cô Lan tráng sẵn từ tối vì không đủ thời gian vừa tráng vừa bán như bao nơi khác, khách đến cũng có sẵn ăn liền không phải đợi. Nhưng chuẩn bị trước như thế lại là phương án mang đến nhiều khó khăn chứ không phải đơn giản.

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" suốt 50 năm, có tiếng như bữa cơm nhà "nuôi" con nít trong xóm từ nhỏ đến khi lên đại học - Ảnh 7.

Đối với người dân lao động trong xóm, đĩa bánh ướt này rất ngon và rất được trân trọng.

"Tráng sớm như cô thì kén gạo lắm, phải dùng loại ngon vì để đến sáng bóc ra mà bánh không bị dính vào nhau là thành công. Còn tráng ra ăn ngay thì dùng loại nào cũng được thôi. Làm sẵn cũng nhiều cái khó lắm, có khi cô đổ cả hai xô bột nó bị nhão hết bánh vì không đúng bột".

Cô Lan cho biết lúc trước mỗi ngày cụ Hà bán đến mười mấy cân bánh ướt trong một buổi sáng, nhưng bây giờ chỗ ăn uống ngày một nhiều, cô không đủ sức nên chỉ duy trì ngày vài cân để bán cho khách đi chợ quen hay bà con hàng xóm.

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" suốt 50 năm, có tiếng như bữa cơm nhà "nuôi" con nít trong xóm từ nhỏ đến khi lên đại học - Ảnh 9.

Đúng là bây giờ để chọn món ăn sáng thì quả thật không thiếu, bánh ướt cũng có rất nhiều người bán, nhưng hiếm có chỗ nào lại dễ dàng đến như thế. Tâm quyết của cô Lan là từng chiếc bánh tự tay làm, còn những cuốn chả giò, đậu hủ hay chả lụa chỉ là bán kèm theo. Mỗi món bán một ít với giá vài nghìn đồng cho mọi người dễ chọn.

Có người bảo ăn ở đây như bán đồ hàng vậy, cái gì cũng chút chút vừa phải. Ai muốn ăn nhiều thì gọi nhiều, ăn ít thì cứ mua ít cũng không sao. Không có những quy định rằng ăn tối thiểu một phần là phải bao nhiêu tiền, chỉ cần khách thích ăn như thế nào cũng được.

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" suốt 50 năm, có tiếng như bữa cơm nhà "nuôi" con nít trong xóm từ nhỏ đến khi lên đại học - Ảnh 10.

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" có tiếng nuôi con nít trong xóm từ nhỏ lên đến đại học - Ảnh 7.

Ngoài những người dân ở đây thì mọi người đi chợ cũng ghé qua mua bánh ướt, đa số mỗi người đều gọi đến mấy phần hoặc mua thêm bánh không

Hàng bánh ướt "mua nhiêu cũng bán" có tiếng nuôi con nít trong xóm từ nhỏ lên đến đại học - Ảnh 8.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM