Trong Bảo tàng Ninh Hạ có một con trâu bằng đồng mạ vàng, được coi là "Trấn Quán Chi Bảo" – báu vật của bảo tàng. Con trâu đồng mạ vàng này là một đồ thủ công tinh xảo trong di tích văn hóa Tây Hạ được người ta gọi đùa là "bảo vật quốc gia ra đời từ một cú đá". Tại sao nó lại có cái tên này?
Tây Hạ (1038 - 1227) là một vương triều dân tộc thiểu số với thời gian trị vì ngắn ngủi. Vương triều này dễ dàng biến thành hư vô trong dòng sông dài lịch sử, tuy nhiên, lăng mộ hoàng gia Tây Hạ thuộc khu tự trị Ninh Hạ , tây bắc Trung Quốc lại nổi tiếng là đứng vững với thời gian, thậm chí được mệnh danh là 'Kim tự tháp phương Đông'.
Nằm trước ngọn núi Hạ Lan, với diện tích khoảng 53km vuông, đây là nơi yên nghỉ của 9 vị hoàng đế Tây Hạ cùng 271 lăng mộ của các thành viên hoàng tộc và quan lại. Các lăng mộ hoàng gia được sắp xếp theo thứ tự thời gian theo chiều từ nam ra bắc, cực kỳ hoàn chỉnh.
Bảo tàng Ninh Hạ. Ảnh: Sohu
Lăng mộ đầu tiên của quần thể lăng Tây Hạ được phát hiện vào những năm 1970 nhưng điều đáng buồn là nó đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi những kẻ trộm mộ. Vì vậy, bảo tàng Ninh Hạ đã ra lệnh cho đội khảo cổ khẩn trương đến và bắt đầu tiến hành khai quật cứu hộ.
Sau nhiều tháng khai quật, đội khảo cổ gần như đã "làm sạch" đất trên lăng mộ của vua Tây Hạ. Khi bước vào lăng mộ họ vô cùng ngạc nhiên, không phải vì họ nhìn thấy một số lượng lớn bảo vật mà vì tất cả các di tích văn hóa bên trong đã bị đánh cắp.
Những mảnh vỡ của di tích văn hóa la liệt trên mặt đất, trong nhiều năm qua, chưa bao giờ giới khảo cổ lại chứng kiến một vụ trộm mộ kinh khủng như vậy!
Khu lăng mộ của vua triều Tây Hạ (Nguồn: Sohu)
Căn phòng bí mật
Đoàn khảo cổ không bỏ cuộc, hy vọng thu thập được di vật văn hóa trong lăng mộ. Sau nhiều lần nghiên cứu sơ bộ, thăm dò tại chỗ, kết quả họ nhận được vẫn đáng thất vọng. Trên mặt đất đâu đâu cũng thấy mảnh vỡ, rõ ràng bọn trộm mộ đã cố tình phá hoại nơi này.
Vì lý do này mà một nhà khảo cổ học đã vô cùng phẫn nộ, anh ta đã đá vào bức tường trong lăng mộ. Cú đá vô tình của vị chuyên gia này lại vang lên âm thanh rất rõ ràng khiến cả đoàn khảo cổ lặng im kinh ngạc, hóa ra đằng sau bức tường là một không gian rỗng
Đặp bỏ bức tường, nhóm chuyên gia tìm thấy một căn phòng đặc biệt được sử dụng để lưu trữ các đồ vật tùy táng, với hàng trăm di vật văn hóa quý giá được xếp chồng lên nhau.
Di vật văn hóa quý giá nhất được khai quật lần này là "con trâu bằng đồng mạ vàng" dài 1,2m, rộng 0,38m, cao 0,45m, nặng 188kg, bên trong rỗng ruột, phần trong bụng vẫn còn lưu lại những hạt sắt.
Bảo vật trâu đồng mạ vàng hiện được trưng bày tại Bảo tàng Ninh Hạ (Nguồn: Chinanews)
Đáng tiếc là bề mặt được mạ vàng và một phần của lớp mạ đã bị tróc ra trong quá trình khai quật. Con vật có hình dáng sinh động, rất giống trâu thật, điều này đã phản ánh trình độ thủ công tuyệt vời của nghề đúc đồng thời Tây Hạ.
Sau khi kho báu này được công bố rộng rãi, nó đã gây chấn động giới cổ vật. Con trâu đồng mạ vàng này được ví như một bảo vật của các bảo vật quốc gia, có giá trị ít nhất là 100 triệu NDT (tương đương 356 tỷ đồng). Sau này, để đảm bảo sự an toàn, bảo vật này đã bị cấm đưa ra nước ngoài triển lãm.
Bài viết tham khảo từ Sohu