0h ngày 31/5, Sài Gòn thực hiện lệnh giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15 kéo dài đến 19/6, Chỉ thị số 10 sau đó được áp dụng thay và đến 9/7, chỉ thị số 16 được ban hành, trên tinh thần quyết liệt nhất.
Sự biến thiên của đại dịch khiến những người tha phương không thể trụ lại Sài Gòn, cách họ chọn là tạm rời đi và chờ một cơ hội mới, khoẻ mạnh và tích cực hơn. Vậy còn những người quyết định ở lại, họ sẽ kể lại câu chuyện vào thời đại dịch như thế nào?
Ở PHÒNG TRỌ VỪA KHÔNG CÓ BẾP CŨNG KHÔNG CÓ TỦ LẠNH - RỒI SỐNG SAO TA?
"Mình sống một mình và chưa từng nghĩ đến việc nấu ăn. Với mình việc nấu ăn một mình rất mất thời gian, tốn kém hơn việc đi ra ngoài và mua 1 suất cơm 25 - 30 nghìn đồng", đó là câu chuyện của một bạn nữ tên V.A.N (24 tuổi, quê Cà Mau) gắn bó với Sài Gòn hơn 6 năm làm một nhân viên văn phòng.
Lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 khiến N. rơi vào thế khó của một người không bếp núc, không tủ lạnh. Cái thế mà rất nhiều người "tha phương cầu thực" cũng đang gặp phải. Điều mà có lẽ nhiều người cùng thắc mắc đó là: "N. đã sống như thế nào khi không thể ra đường vào thời gian này?".
Khi hay tin N. phải thực hiện giãn cách tại nhà, bạn bè cũng gửi đến cho cô ấy rau củ quả.
"Mỗi tuần mình ra ngoài mua lương thực 1 lần, vì không có tủ lạnh nên mình ưu tiên đồ đóng hộp bảo quản được ở nhiệt độ phòng như mì gói, cá hộp, trứng, sữa,... Vì không có bếp nên mình tính chuyện mua một nồi cơm điện vừa để nấu cơm vừa để chế biến đồ ăn. Dụng cụ nấu nướng thì chỉ dùng duy nhất một tô sành, đĩa, đũa, muỗng. Cắm cơm xong có thể xới ra tô, cho cá hộp vào hâm nóng rồi cho thẳng vào tô và ăn thôi".
Để đỡ ngán đồ hộp, N. ghé siêu thị mua thêm ít gia vị có sẵn như gói gia vị kho, gia vị khìa, hạt nêm, dầu ăn... Mỗi đầu tuần đi chợ, cô thường chọn thịt gà đã cắt sẵn, mang về chỉ rửa sạch, ướp bằng những gói gia vị theo món mà cô muốn ăn rồi cho tất cả vào nồi cơm điện.
N. khoe mình học nấu được nhiều món làm bằng nồi cơm điện trên mạng...
Theo N. để việc ăn uống được đơn giản hoá, cô sử dụng nồi cơm điện dành cho cả việc xào, chiên, hấp,... Chỉ cần cắm điện và bật nút sau đó cho nguyên liêu vào và đảo liên tục là được. Khi được hỏi làm sao để có đủ chất và đáp ứng đủ nhu cầu sức khoẻ để phục công việc hằng ngày N. đáp:
"Vì mình không ăn được rau, thi thoảng chỉ bổ sung chất xơ bằng việc uống thực phẩm chức năng, đặt hàng thêm một số loại trái cây để sẵn dễ sử dụng và không phải cắt gọt nhiều như dâu, blueberry, chuối,... thường những loại quả này có thể để ở nhiệt độ phòng từ 1 đến 4 ngày.
Vì quen ăn ngoài nên N. không quan tâm nhiều đến việc mình nấu nướng ở nhà sao cho thích hợp và đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho khẩu phần ăn. N. sử dụng nhiều thực phẩm chức năng mang tính bổ trợ thêm như chất xơ, dầu cá, vitamin C dạng ống,... Cô gái này vẫn ăn đủ 3 bữa mỗi ngày theo thói quen ăn uống và điều kiện sống của mình.
ĂN CHAY TRONG LÚC NHÀ BỊ PHONG TỎA, SIÊU THỊ ĐÓNG CỬA, NHIỀU LÚC LƯỜI ĐẾN CHẲNG MUỐN NGHĨ
Ăn chay vốn dĩ không phải là một chủ đề xa lạ ở Sài Gòn. Nhưng làm sao để duy trì chế độ ăn này trong suốt mùa dịch khi rau, củ, quả cùng một số thực phẩm bổ sung protein, đạm,... bị hạn chế?
"Khu vực em đang sinh sống bị phong toả tạm thời, các siêu thị ở khu vực này cũng đã đóng cửa vì có ca F0. Em chỉ có thể đặt hàng trên mạng và phải chọn điểm ở cùng quận. Chỉ được xuống chốt phong toả lấy đồ 1 lần duy nhất trong tuần. Em ưu tiên đặt khoai, súp lơ, ớt chuông, dưa leo, cần tây,... Ngoài ra còn nhờ người mua đậu hũ, sữa ở các siêu thị tiện lợi", bạn B.T (22 tuổi, quận 2, TP.HCM) kể về tình huống của mình.
T. cho biết thời gian giãn cách cô tự làm các món chay ở nhà, mặc dù còn thiếu thốn nguyên liệu, không cầu kỳ như mọi khi nhưng nhìn chung vẫn đủ các dưỡng chất cần thiết...
Theo T., trước đó cô đã chuẩn bị tinh thần làm việc tại nhà suốt mùa dịch, để hạn chế ra ngoài, cô mua sẵn gạo, bún khô, chả lụa chay, nấm,... Bữa ăn mặc dù không cầu kỳ như mọi ngày nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo đủ các nhóm chất và điều này khiến T. cảm thấy thích thú, có thể an tâm vượt qua một mùa dịch khoẻ mạnh, an toàn.
Nhà T. có đầy đủ bếp núc, tủ lạnh, dụng cụ nấu nướng, đó được xem là một ưu điểm trong khoảng thời gian giãn cách này.
"Mỗi ngày em ăn đủ 3 bữa, ưu tiên những món thực dưỡng, ví dụ bún khô em chọn mua loại bún gạo lứt, gạo thì cũng chọn gạo lứt, rau củ quả thay vì xào nấu cầu kỳ thì nay chỉ luộc, hấp,... Buổi sáng thường uống nước ép cần tây để tăng cường sức đề kháng cả ngày. Trộm vía dù đã làm việc tại nhà suốt 2 tháng nhưng tình hình sức khoẻ em rất khả quan".
T. cho biết cô gặp khó khăn trong việc đặt hàng rau, củ, quả. Mặc dù được hỗ trợ đến mức tối đa nhưng vẫn thiếu trước hụt sau và khá bất tiện. Thế nhưng bằng cách trau dồi thêm vốn kiến thức về đồ ăn chay, tìm hiểu các chế độ ăn thực dưỡng khác nhau cô cảm thấy bữa ăn được cân bằng theo chiều hướng tích cực.
"LÀM CÔNG NHÂN TRƯỚC GIỜ NHÀ TRỌ CHỈ ĐỂ NGỦ, NÊN KHI GIÃN CÁCH CHẲNG BIẾT CHUẨN BỊ SẮM SỬA TỪ ĐÂU"
Cũng giống như N., chị T.N.L (35 tuổi) hiện đang làm công nhân tại một công ty may mặc ở TP.HCM.
Vì đời sống công nhân phần lớn phụ thuộc vào nhà máy, chị L. thường ăn khẩu phần công nhân của nhà máy, chỉ về phòng trọ ngủ khi hết giờ làm. Quen với đời sống đơn giản nên chị L. khá bối rối khi thành phố thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
"Ban đầu công ty hỗ trợ công nhân một khoản thu nhập và gạo, mì. Nhưng vì nhà không có bếp núc nên tôi nhờ phòng bên cạnh nấu hộ vài ngày đầu giãn cách. Một thời gian thì được hàng xóm hỗ trợ cho mượn nồi và dụng cụ nấu. Hiện tại bữa ăn của tôi đơn giản cơm, rau củ quả là nhiều, trứng luộc thỉnh thoảng được cho thịt".
Sống sao giờ?
N. hoặc T. không phải là 2 trường hợp cá biệt rơi vào thế khó trong thời điểm Sài Gòn thực hiện lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16. Trường hợp dễ gặp nhất là các bạn sinh viên, nhân viên văn phòng sống xa nhà.
N. "tuỳ cơ ứng biến" bằng cách mua thêm nồi cơm điện, gia vị và tham gia các hội nhóm, học thêm các món ăn nấu bằng nồi cơm điện. Sao cho tiện, nhanh và gọn nhất.
T. sáng tạo thêm những món chay từ bún khô và rau củ quả, trên các hội nhóm nấu đồ ăn chay, cô cũng học được rất nhiều "bí kíp".