Anh Nguyễn Cao Cường đã có quyết định mà nhiều người gọi là "điên rồ" cách đây 11 năm: Nghỉ công việc và chức vụ nhiều người mơ ước, để đi tìm đáp án cho câu hỏi: Mình đang cần gì. 11 năm vừa làm vừa rong ruổi trên những chặng đường đèo, xóm bản vùng cao, anh bảo những gì mình đã làm được vẫn chưa thấy hài lòng và vẫn đang cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Anh Nguyễn Cao Cường từng làm chức vụ cao trong một trung tâm truyền hình
Chán cuộc sống nơi mọi thứ lặp đi lặp lại
Từ năm 2010, sự thôi thúc nghỉ việc đã bắt đầu khi anh Cường cảm thấy công việc đều đều, lặp đi lặp lại, không còn khơi dậy trong anh nhiều hứng khởi. Để đổi môi trường làm việc, tìm không gian khác, anh xin cơ quan sang Mỹ, làm dự án 3 kênh truyền hình của người Việt tại Mỹ.
Nhưng rồi cảm giác bị cuốn vào guồng máy công việc, cứ chạy đua hối hả và không ngừng nghỉ vẫn không thuyên giảm. Ở Mỹ một thời gian ngắn, anh về nước và nghỉ việc năm 2011.
Với anh Cường, cuộc đời là những chuyến đi
Anh nhớ lại: "Thời điểm đó, nhiều người bảo ông này bị điên, một vị trí như thế, công việc như thế mà nghỉ. Mình cũng không giải thích làm gì cả, chỉ cần cảm thấy thế nào nó phù hợp với mình là được.".
Sau đó, anh về Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí truyền thông của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn làm giảng viên, phụ trách một số lớp đào tạo thực hành báo chí cho sinh viên. "Mình mong muốn mang kiến thức thực tế vào môi trường sư phạm mà trước đây mình đã học, nói sâu hơn về thực hành, thực nghiệp. Sau đấy 6 năm về trường, mình đã đem được một số kỹ năng trong công việc thực tế để hỗ trợ sinh viên và cảm thấy rất vui.''.
Tâm sự về ý tưởng khởi nghiệp bằng du dịch vùng cao cùng dân bản, anh nói đó là cơ duyên rất tình cờ, đến khi anh đi phượt nơi địa đầu Tổ quốc.
Đem ý tưởng, cùng dân bản phát triển điểm du lịch
Cuối tuần, anh Cường có thời gian để mình làm các việc mình cảm thấy thích thú như đi du lịch ở nông thôn, miền núi. Một trong những địa điểm anh đã đi chính là Lũng Cú. Ở đó có một bản tên Lô Lô Chải, cách cột cờ Lũng Cú tầm 1km, phần đông dân cư là người dân tộc Lô Lô.
Khi anh Cường đến lần đầu tiên là khoảng năm 2012 - 2013, cuộc sống của người dân ở Lô Lô Chải rất nghèo nàn.
Bản Lô Lô Chải, phía xa là cột cờ Lũng Cú
Anh Cường cho biết, lúc bấy giờ, những người đi du lịch chỉ đến cột cờ Lũng Cú mà không đi vào bản, vì không chỗ để ăn và ngủ lại. Sau những ngày dài ở cùng dân bản, anh Cường phát hiện ra là càng ngày xu hướng du lịch càng phát triển, đặc biệt là đón khách nước ngoài; nhưng phải biết cách quảng bá.
Có giới thiệu được với khách du lịch trong nước và ngoài nước thì phải giữ được bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa, bản sắc về mặt kiến trúc, con người,... đồng thời tạo cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Anh nói chuyện với trưởng thôn và nêu ý tưởng cùng dân bản xây dựng dịch vụ du lịch homestay. Lúc đấy, phần lớn người dân chưa hiểu khái niệm homestay là gì.
Anh bắt đầu làm những cái gian hàng trên ứng dụng Airbnb. Ứng dụng Airbnb hầu như ở Việt Nam rất ít, chỉ nước ngoài dùng. Đến năm 2016 mới có những khoản thu nhập đáng kể đầu tiên. Trưởng thôn cũng như người dân bản rất chịu khó và lắng nghe những góp ý, những định hướng của anh Cường.
Đến bây giờ, sau chừng nấy năm, cả thôn có gần 100 nhà thì hơn 20 nhà làm homestay. Phần lớn đều làm rất tốt, thậm chí có những doanh nghiệp nước ngoài cũng đến đây đầu tư.
''Bây giờ, ngoài cột cờ Lũng Cú ra thì bản Lô lô Chải đã trở thành điểm đến rất là tốt. Tới đây, khu vực địa đầu tổ quốc chắc chắn sẽ được đầu tư thành các địa điểm ví dụ như đồi vãn cảnh, điểm check-in cực Bắc,... Đấy là những cái yếu tố sẽ khiến bản Lô Lô Chải có thể sẽ phát triển bền vững nhờ vào du lịch được. Sau dự án hỗ trợ cho bà con ở Lô Lô Chải, mình khá hài lòng với những cái mà mình đã giúp được cho bà con.''.
Khát vọng về những khu homestay vùng cao
Anh Cường đang ấp ủ làm dự án mới ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Bản Nậm Nghiệp cao hơn 2000m so với mực nước biển, đường đi lên rất là khó khăn, kể cả xe máy hay ô tô hai cầu. Những người tiếp cận đến bản này cũng đang còn rất hiếm.
Cái bản này có khoảng độ 175 nóc nhà, chia làm hai phân khu, một khu bản trên, một khu bản dưới, tức là bản cũ và bản mới. Tuy nhiên đặc sản làm du lịch ở nơi đây chính là những khu rừng táo mèo trùng trùng điệp điệp.
Cách bản Nậm Nghiệp này khoảng 3km là đỉnh núi Tà Chì Nhù - một địa điểm tiếp đón rất nhiều đoàn đi leo núi. Để lên núi, mọi người đều đi qua bản Nậm Nghiệp nhưng không muốn dừng lại vì chưa có dịch vụ cung cấp thực phẩm hay chỗ nghỉ.
''Mình nhìn thấy tiềm năng du lịch ở đây chính là việc cùng bà con cung cấp những dịch vụ, đầu tiên là cho những người đi leo núi, sau đó là cung cấp dịch vụ cho những người thích trải nghiệm cắm trại ở rừng táo mèo.'' anh Cường chia sẻ.
Hiện tại, anh Cường đang cùng các gia đình tham gia cải thiện đường ở trong bản, san lấp mặt bằng để làm các chỗ nghỉ chân, khu cắm trại và cung cấp các dịch vụ cơ bản như điện nước, đồ ăn nhanh, thịt nướng, xôi… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Khi tôi hỏi anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại chưa, Cường cười bảo: ''Thực ra mình cũng chưa hài lòng với cuộc sống như bây giờ, mình muốn nó sẽ tốt hơn, mình muốn có thể hỗ trợ được cho nhiều bản như thế hơn nữa. Những gì đang làm hiện nay nhỏ bé quá, mình muốn thành công nhiều hơn và mở rộng nó trong tương lai.".
Hiện tại, anh chọn công việc nhẹ nhàng hơn, nhiều thời gian hơn ở Hà Nội. Cuối tuần, anh vi vu cùng vợ con trên những chặng đường xa và cùng người dân vùng cao mở thêm nhiều điểm du lịch, nhiều homestay hơn nữa. Anh coi đó là cuộc đời đáng sống.