Dịch Covid-19 bùng phát khiến các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới, hạn chế các chuyến bay đến. Isabel Lo hiện đang là thai phụ dự sinh vào tháng 7 sắp tới đã phải đứng giữa 2 sự lựa chọn: một là ở lại và tin tưởng vào hệ thống y tế của nước Mỹ và hai là bỏ chồng ở lại đây để trở về quê nhà ở Úc.
Isabel là người Hoa kiều đến từ Úc. Cô làm freelance trong lĩnh vực viết lách ở thành phố New York. Đứng trước 2 sự lựa chọn, Isabel đã chọn rời đi bất chấp việc này sẽ khiến cô phải trải qua những ngày tháng cuối thai kì và lúc lâm bồn không có chồng bên cạnh. Cũng giống như những người ngoại quốc đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, cô lựa chọn đặt hết niềm tin tưởng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ở quê nhà.
"Tôi nghĩ là khi khủng hoảng xảy ra, bảo hiểm dù giá trị bao nhiêu cũng không thể đảm bảo bạn có được một chiếc giường trong bệnh viện" - Isabel nói.
Mỹ nhanh chóng trở thành tâm dịch Covid-19 khi số lượng người nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên. Lúc này, những người tứ xứ từng lựa chọn đến đây học tập, trải nghiệm và tìm kiếm những cơ hội phát triển đã quyết định từ bỏ cuộc sống và "giấc mơ Mỹ" mà họ đang gây dựng ở xứ sở cờ hoa. Trong số đó có những người đã nộp đơn để xin visa dài hạn và trải qua vô số những cuộc phỏng vấn để chớp lấy cơ hội việc làm ở Mỹ. Họ lo sợ rằng hệ thống sức khỏe Mỹ sẽ đặt họ vào những tình huống dễ bị tổn thương hơn nữa.
Những người quyết định rời đi tin rằng họ may mắn. Tuy nhiên, một bộ phận khác lại có ít cơ hội hơn. Đó là những người bị mất việc, nơi có thể đảm bảo cho họ bảo hiểm sức khỏe, hoặc những người làm freelance, không đủ khả năng chi trả mọi khoản thuế phí hàng tháng.
Phần lớn những người rời đi là người trẻ ở New York. Thành phố này hiện tại đã bị virus tấn công với số người chết vượt quá 1.000 và những người ở đây đã nhanh chóng tháo chạy khỏi thành phố hoa lệ bậc nhất nước Mỹ, tìm mọi cách để có được tấm vé trở về nhà hoặc đi đến nơi khác.
Một trong những người đó là Em Bartlett, giám đốc marketing người Úc đã sống và làm việc ở New York được 9 năm. Cô thừa nhận quyết định rời đi rất đau lòng nhưng cô cảm thấy nhẹ nhõm khi được trở về Úc, nơi mà dịch bệnh vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát. Em Bartlett vô cùng lo lắng cho những người bạn của cô ở New York, đã và đang có biểu hiện bệnh.
Các hội nhóm dành cho người nước ngoài trên các phương tiện truyền thông, nơi dành để giới thiệu nơi ở và quảng cáo cho thuê nhà, giờ đã trở thành nơi để mọi người bày tỏ sự lo lắng về các căn hộ bị người thuê bỏ lại, những con thú cưng bị bỏ rơi, các khoản thuế phải trả và tình trạng visa.
Tuy vậy, không ít người chọn ở lại để giữ công việc.
"Nếu tôi trở về Úc, nhiều khả năng tôi không thể quay lại Mỹ. Tôi có thể sẽ bị mất việc" - Tara Kenny, 29 tuổi, hiện đang làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe tâm thần ở New York.
Trong khi đó, những người có thể rời đi thì buộc phải làm việc xuyên đêm vì chênh lệch múi giờ với Mỹ để bắt kịp tiến độ công việc của đồng nghiệp.
Clare Rawlinson, 33 tuổi, nhà sản xuất podcast, cùng với người yêu và 2 người bạn cùng nhà khác đã đáp chuyến bay trở về Úc từ New York vào tháng trước. Họ vừa kết thúc thời gian cách ly 14 ngày và hiện đang sống cùng nhau ở một căn hộ cho thuê. Cả 4 người buộc phải làm việc từ 3-5h sáng để phục vụ công việc ở New York.
"Chúng tôi chỉ có 24 tiếng để quyết định đi hay ở và lên máy bay" - Clare nói. Cô cho biết thêm rằng việc rời đi buộc cô phải chấp nhận những sự bất tiện và những rủi ro không mong muốn. Clare cùng những người bạn hy vọng họ có thể trở lại Mỹ càng sớm càng tốt.
Về phía Isabel, cô không chắc liệu dịch bệnh có nhanh chóng đi qua và các quốc gia sẽ mở cửa trở lại trước khi cô lâm bồn vào 4 tháng tới hay không.
"Khi đưa ra quyết định, vợ chồng tôi chưa tính đến khả năng tôi có thể sinh con mà không có anh ấy bên cạnh. Thật sự điều này rất khó chấp nhận" - Isabel nói, chồng cô buộc phải ở lại Mỹ vì công việc của anh.
Khi có thông tin một nữ y tá ở một bệnh viện New York qua đời vì Covid-19, vợ chồng Isabel lập tức đưa ra sự chọn lựa của mình.
Đối với nhiều người nước ngoài, bảo hiểm y tế tại chỗ là yếu tố then chốt để họ quyết định đi hay ở. Anna Inglis, 38 tuổi, làm freelance sản xuất hình ảnh ở Brooklyn, cho biết cô đã chọn trở về quê nhà New Zealand bởi vì công việc tự do của cô không được cung cấp bảo hiểm y tế.
Hệ thống bảo hiểm y tế tư nhân của Mỹ hoàn toàn khác với những nơi khác như New Zealand, Úc và Anh, nơi chính phủ sẽ trợ cấp một phần các chi phí khám và chữa bệnh. Nhiều người nước ngoài cho biết bảo hiểm y tế của họ ở Mỹ khá kém nên hầu hết họ đều sử dụng bảo hiểm du lịch làm bảo hiểm chính. Những người khác, bao gồm Anna, chỉ có bảo hiểm sức khỏe cơ bản ở New York nhưng khi trở về quê nhà, họ không cần phải lo lắng quá nhiều về điều này.
"Tôi cảm thấy yên tâm với hệ thống chính sách ở New Zealand. Tôi hy vọng hệ thống y tế này có thể đối phó với tình hình dịch bệnh tốt hơn ở Mỹ" - Anna nói.
Theo Adam Kamradt-Scott, chuyên gia an ninh y tế toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế thuộc Đại học Sydney, Úc, với tình hình hiện tại thì hệ thống y tế ở Mỹ buộc phải ưu tiên cư dân của họ hơn là người nước ngoài. Nhiều bệnh viện ở Mỹ, đặc biệt là New York, đang "bị quá tải bởi vì mọi người chỉ đến đây khi bệnh tình của họ đã trở nên nghiêm trọng" gây ra cứu chữa chậm trễ.
Nhưng dù sao đi nữa thì những người này còn có sự lựa chọn, đối với những người nhập cư Mỹ thì họ buộc phải ở lại bởi vì không ít trong số họ đến từ Ý, Tây Ban Nha... - những quốc gia đang gồng mình để chiến đấu với dịch Covid-19 với số ca nhiễm và người chết cao hơn Mỹ.
Shelly Wilcox, đến từ Úc, đang sống ở New York cùng bạn trai người Anh chọn ở lại đây nhưng họ đã sớm lên kế hoạch dự phòng. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, Shelly, hiện đang mang thai cặp song sinh, và bạn trai sẽ bay đến Canada, nơi họ đã có quốc tịch công dân.
"Tôi không lo bị nhiễm bệnh mà việc hệ thống y tế ở đây đang sụp đổ mới đáng quan ngại hơn" - Shelly chia sẻ.
(Nguồn: NYTimes)