Là gia đình mê "xê dịch", gia đình chị Lê Trang (35 tuổi, sống và làm việc tại Hà Nội) thường xuyên "xách vali" lên đường. Dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão năm nay, cả nhà chị quyết định lên Mộc Châu để du xuân. Mới đây mẹ trẻ đã chia sẻ những khoảnh khắc đẹp trong chuyến đi du lịch đầu năm của gia đình. Trong chuyến du xuân này, gia đình chị đã được mãn nhãn chiêm ngưỡng sắc hoa tớ dày nhuộm hồng núi rừng Mộc Châu. Đây là loài hoa "đặc sản" của Tây Bắc đầu xuân.
Chị Trang chia sẻ: "Nhà mình đi 2 ngày 1 đêm. Từ 5 giờ sáng ngày mùng 2 Tết, 5 người nhà chúng mình (2 bố mẹ và 3 bạn nhỏ) đã di chuyển rồi. Đi ngày tết thì giá cả có đắt đỏ hơn, từ giá phòng nghỉ cho đến giá đồ ăn. Nhưng đổi lại là cả được trải nghiệm ở những nơi có cảnh đẹp, những nơi có hoa quả ngon và gặp những người bạn hiếu khách".
Kinh nghiệm của gia đình nhỏ lên Mộc Châu du xuân ngắm hoa tớ dày
1. Di chuyển
Theo mẹ trẻ, lên Mộc Châu mọi người có thể đi xe khách hoặc xe giường nằm cũng rất tiện. Tuy nhiên vì gia đình chị đi du xuân vào dịp Tết, nên cả nhà chủ động đi bằng xe riêng để tiện di chuyển, cũng ngại Tết khó gọi xe đi lại ở địa phương hơn.
2. Chuẩn bị hành lý Mộc Châu
"Là chuyến đi du xuân ngắn ngày nên đồ đạc chuẩn bị thì cứ như mọi khi: quần áo ấm, đồ dùng cá nhân, chia 2 người đựng 1 túi du lịch cho dễ tìm khi cần. Mọi người nên chú trọng nhất là mang đồ ăn vì dịp Tết các nhà hàng sẽ ít mở cửa hơn. Ngoài ra nhà mình còn mang theo lều trại, bàn ghế và bếp cồn, bếp than để sẵn sàng camping nếu phù hợp" - chị Trang cho hay.
3. Lên Mộc Châu du xuân ở đâu?
Mẹ trẻ cho biết: "Nhà mình book phòng trước ở Hoa Mộc Lan homestay. Giá phòng ngày Tết tăng đáng kể. Phòng ngày thường giá 700.000 đồng, thứ 7, chủ nhật tăng lên 950.000 đồng, ngày Tết thì 1,4 triệu. Ở đây có không gian bên ngoài đẹp, có chỗ đốt lửa trại và có nhà ăn nhưng không rộng lắm, được độ 5-7 mâm 6 người thôi. Tiện ích phòng thì có đủ nóng lạnh, điều hoà 2 chiều, wifi,… nhưng không sang xịn như khách sạn đâu mọi người nhé. Ưu điểm là có 2 giường, lại có gác xép nên trẻ con nhà mình khá thích".
4. Ăn và chơi gì ở Mộc Châu?
Ngay khi đến homestay, cất đồ đạc xong là gia đình chị Trang di chuyển ra huyện uỷ ngay gần homestay (cách tầm 7-800m) để chụp ảnh check in hoa mai anh đào. Sau đó cả nhà di chuyển đi hái dâu. Theo mẹ trẻ, nếu đến Mộc Châu mà không hái dâu thì rất phí. Vì thế nhà chị dành hẳn 2 buổi để đi hái dâu.
Mẹ Hà Nội chia sẻ: "Lần 1 thì hái ở vườn của nhà 1 người bạn, đường đi hơi khó và gập ghềnh, nhưng không uổng công. Dâu vừa to, vừa chín mọng rất là thích mắt. Nhưng nắng quá nên cả nhà mướt mồ hôi, hái được 6 hộp thôi, tầm hơn 3kg.
Lần 2 nhà mình di chuyển đến Chimi farm theo review của các bạn, nhưng đến vườn hơi thất vọng. Dâu bé mà quả chín không nhiều (chắc do họ mở dịch vụ, đông người đến nên mọi người đã hái vãn hết). Lần này bọn mình hái chưa được 1kg. Giá dâu hái tại vườn vẫn 300k/kg, không mất phí thăm quan, không được ăn dâu tại vườn".
Các bé nhà chị Trang rất thích hoạt động hái dâu.
Buổi trưa gia đình nhà chị Trang ăn ở nhà hàng Đông Hải. Theo chị nhận xét, đồ ăn ở đây chế biến khá ngon, có bảng giá niêm yết trên tường nhưng ngày Tết thì có tăng giá khoảng 20.000-30.000 đồng/món. Các món nhà chị Trang gọi hầu hết là những món ăn ngày thường như ba chỉ ràn cháy cạnh, canh chua, trứng rán, cá suối chiên giòn, bê xào lăn, gà quay lu, rau cải chấm xì dầu trứng… Ở đây có phục vụ cả lẩu cá, gà… Nhưng Tết nên nhân viên nghỉ hết, phục vụ hơi bị chậm.
Buổi chiều gia đình chị về lại homestay để nghỉ ngơi, tắm giặt. Sau đó di chuyển qua Hoa Sữa homestay (cách chỗ gia đình chị ở 900m) ăn lẩu buổi tối. "Đồ ăn bên Hoa Sữa khá ngon, nước lẩu đậm vị, đồ nướng sẵn ướp hơi cay chút (nếu có con nhỏ thì nhớ dặn nhà bếp). Đặc điểm của các homestay ở Mộc Châu là có nhận khách ngoài vào ăn, nên mọi người cứ gọi đặt trước là được nhé" - mẹ trẻ cho biết.
Sau khi ăn tối, cả nhà chị đi chợ đêm với giá vé khoảng 50.000/người. Chợ đêm bán đồ thổ cẩm, đồ chơi trẻ con nhưng chủ yếu là hàng Trung Quốc. Ở đây có dãy hàng ăn đêm, cafe nhưng không rộng lắm. Ngoài ra ở chợ có khu bày các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, đi cà kheo, đẩy gậy, đốt lửa sưởi ấm… Trẻ con khá là hào hứng, chơi đến muộn mới về.
Vườn mận hoa nở rất đẹp, tuy nhiên, hoa đã ít đi, vì đã kết trái.
Sang sáng ngày mùng 3, gia đình chị ăn sáng tại chỗ nghỉ đêm của cả nhà. Trưa lại ăn uống ở nhà hàng Đông Hải. Buổi chiều nhà chị ghé thăm vườn mận cách quán ăn tầm 30km. Chị Trang kể: "Vào đây thì bạt ngàn mận nhé, nhưng hoa bắt đầu ít rồi, vì mận đã ra quả. Giá vé qua cửa là 30.000/người, trẻ con được miễn phí vé. Tuy có mang đủ lều, đồ ăn, bếp nướng, bàn ghế nhưng vì thời tiết quá lạnh nên nhà mình không dựng lều nữa. Các bạn nhỏ mặc đồ dân tộc ở đây rất dễ thương. Nhà mình bỏ bàn ghế ra ngồi, nhờ các bạn cầm giúp, bê giúp thì các bạn rất nhiệt tình và thân thiện. Chúng mình mừng tuổi cho các bạn thì các bạn rất vui".
Đặc biệt trong chuyến đi này gia đình chị được ngắm hoa tớ dày. Đây là loại hoa rừng, thuộc họ hoa đào, chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000 m. Vì loài hoa này cũng chỉ nở rộ vào đầu xuân, sắc hoa cũng màu hồng như hoa đào nên mọi người thường gọi nó với cái tên thân mật là "đào rừng". Gia đình nhà chị Trang đã rất thích thú và có cảm giác thật tuyệt khi được ngắm loài hoa này. Con trai của chị còn "check in" được rất nhiều ảnh đẹp tại đây.
5. Các bé thu về được gì sau chuyến đi?
"Các con thích nhất là hái dâu và quan sát, trò chuyện với các bạn dân địa phương mặc đồ dân tộc ở vườn mận Nà Ka. Các bạn nhỏ ấy rất dễ thương và vui vẻ. Du xuân ngắm hoa nên đi vậy thôi, 2 ngày chơi trọn vẹn và ngủ 1 đêm" - chị Trang bộc bạch.