Tiểu thuyết đồ hoạ hay tiểu thuyết hình ảnh là một thể loại sách tiểu thuyết được viết và vẽ theo kiểu truyện tranh. Hiện tại ở Việt Nam, đây vẫn là một thể loại khá mới mẻ. Mới đây, chàng trai Gen Z - Phan Hữu Khánh (SN 1999) trở thành người Việt đầu tiên phóng tác truyện cổ Grimm kinh dị thành tiểu thuyết đồ hoạ.
Vốn là một lĩnh vực còn khá nhiều khoảng trống, lại từng tiếp xúc với những tiểu thuyết đồ hoạ của nước ngoài nên Phan Hữu Khánh quyết tâm thử sức. Anh chàng lựa chọn "Cây bách xù" - câu chuyện được mệnh danh là có nhiều tình tiết kinh dị nhất của hai anh nhà Grimm. Qua những nét vẽ và bố cục hình ảnh, Hữu Khánh kể lại câu chuyện theo một hướng ma mị, huyền bí, vừa lạ nhưng cũng vừa quen. Họa sĩ Gen Z sử dụng màu tranh u tối và mờ ảo, hiệu ứng chữ tả thanh được làm mờ, khiến độc giả có cảm giác nửa thực, nửa mơ.
Tác phẩm của Hữu Khánh đã chính thức lên kệ tại nhà xuất bản Kim Đồng và nhận được nhiều lời khen ngợi từ độc giả. Đặc biệt, trong các hội nhóm chuyên về vẽ minh hoạ trên Facebook, những bức tranh truyện của Hữu Khánh được đông đảo bạn trẻ đón nhận, chia sẻ rầm rộ bởi hình hoạ xuất sắc.
Thủ khoa ĐH Kiến trúc mê đọc truyện
Chàng hoạ sĩ trẻ là cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ hoạ của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Năm 2021, Hữu Khánh tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và trở thành Thủ khoa đầu ra của trường. Với thành tích học tập "khủng" cùng tài năng sẵn có, anh chàng hiện đang làm thiết kế sáng tạo cho một công ty về trò chơi điện tử và vũ trụ giả tưởng.
Chia sẻ về sở thích vẽ tranh, Hữu Khánh kể: "Từ nhỏ mình đã thích vẽ và có lẽ khởi đầu là việc anh trai cho mình biết về Pokemon. Mình còn nhớ hồi tiểu học mình đã dùng rất nhiều cuốn vở để vẽ Pokemon. Thấy vậy, mẹ bắt đầu cho mình đi học thêm hội họa cho tới tận lúc vào đại học. Có thể nói mình cực kì mê vẽ, mình có thể vẽ mỗi ngày nhưng chính thức đi theo con đường này là năm lớp 11, khi bắt đầu phải xác định trường đại học".
Cũng ngay từ khi còn nhỏ, anh chàng được mẹ mua và đọc cho nghe rất nhiều câu chuyện cổ tích. Vì vậy, niềm đam mê với những truyện cổ đã ngấm dần, trở thành thói quen mỗi ngày. Tuy nhiên đến khi học cấp 2, Hữu Khánh bắt đầu tìm hiểu về trào lưu creepypasta (tiểu thuyết kinh dị). Khi đó, anh chàng bị cuốn hút bởi những dị bản của truyện cổ tích.
"Mình vốn là người ưa thích thể loại mang tính hư cấu, kỳ ảo và cả những đề tài có phần hơi ma mị một chút nên những truyện cổ tích mang màu sắc này đều hấp dẫn mình", Hữu Khánh nói.
Từ một người yêu thích vẽ tranh, đọc truyện cổ kinh dị, Hữu Khánh giờ đã là hoạ sĩ trẻ với tác phẩm đầu tay "Cây bách xù". Nói về hành trình này, anh chàng cho biết từng đọc một dị bản của "Cây bách xù" và từ đó tìm hiểu thêm về thế giới truyện cổ Grimm.
"Mình thật sự bị đắm chìm vào nó vì màu sắc đen tối và ma mị. Khi vào đại học, mình đã luôn nung nấu ý định có thể làm một cuốn sách cổ tích mang màu sắc huyền bí. Nhưng cho đến tận năm 3, khi mình học đồ án truyện tranh và được giảng viên giới thiệu về Tiểu thuyết đồ hoạ, mình đã choáng ngợp bởi sự tự do và cách sáng tạo của các tiểu thuyết hình ảnh nước ngoài, và mong muốn thực hiện tiểu thuyết đồ hoạ từ đó", hoạ sĩ Gen Z chia sẻ.
Hoàn thiện tác phẩm trong 5 tháng, vẽ liên tục 14 tiếng mỗi ngày
Một điều thú vị, tác phẩm được Hữu Khánh thực hiện vào tháng 4 năm ngoái, cũng là thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội. Anh chàng đã dành toàn bộ thời gian ở nhà để vẽ, hoàn thiện tác phẩm.
Hữu Khánh cho hay: "Mình nhớ khi đó, mình ngồi vẽ liên tục suốt từ 9h sáng tới 11 giờ tối. Đôi khi nghĩ lại, mình thấy thời điểm đó thật sự thích hợp, thuận lợi để bắt đầu làm điều mình yêu thích. Mình không bị phân tâm vì cả ngày chẳng đi đâu cả nên cứ vậy thỏa thích thử nghiệm, áp dụng những kiến thức được học vào tác phẩm. Đến tháng 9/2021 mình hoàn thiện, tổng cộng là 5 tháng.
Tuy vậy, mình cũng gặp một vài khó khăn trong lúc thực hiện. Dù đã có cái nhìn trước về tác phẩm, khi phóng tác mình cũng phải làm khá kỹ để tránh bị sạn và cũng phải đủ để tăng độ hấp dẫn so với nguyên tác. Và trong lúc vẽ khó chịu nhất có lẽ là phải cố gắng tìm ra một bố cục phù hợp để khi đọc mình cảm nhận được chính xác những gì mà mình tưởng tượng ra. Có nhiều trang mình đã phải mất rất lâu, phải làm đi làm lại bố cục để có thể tìm được một cách sắp xếp phù hợp, sao cho nó truyền tải đúng cảm xúc mà mình muốn. Tuy nhiên sau những điều đó, mình thực sự học thêm được rất nhiều kiến thức mới mẻ".
Hoạ sĩ trẻ cũng thừa nhận, những trang truyện đầu tiên đã có rất nhiều bản phác thảo bỏ đi bởi phải thử nghiệm rất nhiều từ khung thoại, cách tô và lên nét. Cho đến hiện tại khi nhìn lại những phiên bản ban đầu, Hữu Khánh cho biết tự bản thân cảm thấy buồn cười bởi sự ngô nghê, chưa tìm ra phong cách riêng.
Hữu Khánh cho biết thêm, vốn dĩ anh muốn thực hiện tác phẩm đầu tiên này cho riêng mình để thoả mãn đam mê cá nhân. Hơn nữa, khi ấy đang còn là sinh viên năm cuối nên Hữu Khánh sợ rằng sau khi tốt nghiệp sẽ không còn khả năng và thời gian để thực hiện điều này. Tuy nhiên, khi gửi cho bạn bè đọc, nhiều người khuyên rằng anh nên xuất bản thành một tác phẩm hoàn chỉnh, lúc đó Hữu Khánh mới nghĩ xa hơn cho "đứa con" tinh thần của mình.
"Mình gửi cho nhà xuất bản Kim Đồng và phải chờ đợi vài tháng mới được phản hồi cũng như thông báo truyện có thể xuất bản. Thực sự lúc đó mình như vỡ oà, mình cảm thấy may mắn nhưng cũng xứng đáng vì đã dồn tâm huyết cho tác phẩm", Hữu Khánh kể lại.
Sau thành công của tác phẩm, Hữu Khánh mong muốn tiểu thuyết đồ hoạ được biết đến rộng rãi hơn: "Mình có gửi truyện được xuất bản về tặng thầy cô tại trường Đại học. Mình không nghĩ tác phẩm sẽ được đưa vào giảng dạy nhưng mình vui vì đã góp phần giúp tiểu thuyết đồ hoạ được biết đến rộng rãi hơn. Trong quá trình học tập, các thầy cô cũng đang giới thiệu về tiểu thuyết đồ hoạ cho sinh viên, cũng có nhiều bạn trẻ hứng thú về nó nên mình nghĩ trong tương lai thể loại này sẽ phát triển và phổ biến hơn nữa".
Chia sẻ thêm về công việc hiện tại, một người thiết kế sáng tạo, Hữu Khánh cho biết: "Được tạo ra các ý tưởng mỗi ngày là điều thú vị trong công việc của mình. Mỗi khi tạo ra một bản phác thảo nào, mình đều phải đi nghiên cứu từ mọi đề tài. Điều này giúp mình biết thêm rất nhiều về những điều kỳ thú trên thế giới cũng như tăng thêm tư liệu hình ảnh cho bản thân. Hơn nữa, đây cũng là công việc đúng với sở thích, ngành học của mình. Ngoài ra, cuối tuần mình cũng nhận thêm những công việc tự do khác nữa, nhưng vẫn xoay quanh vẽ, sáng tạo và đồ họa thôi.
Còn thu nhập mình nghĩ là tùy vào trình độ. Nếu kỹ năng của bản thân cao thì sẽ nhận được mức thu nhập xứng đáng. Mình thấy ngành nào cũng sẽ đúng với điều này, nhưng quan trọng hơn được làm điều mình thích và giỏi sẽ là thứ đáng mơ ước nhất".
Phan Hữu Khánh cho biết ngoài công việc chính, anh còn nhận làm thêm khá nhiều việc vào cuối tuần nên rất ít thời gian rảnh. Tuy nhiên, khi được nghỉ ngơi, Hữu Khánh vẫn vẽ và ấp ủ dự định tạo ra thêm các tác phẩm cổ tích phóng tác khác: "Mình mong rằng một ngày nào đó mình có thể tạo ra một thế giới cổ tích của riêng mình, nơi mình có thể phóng tác những câu chuyện theo phong cách huyền bí và ma mị hơn".
Ảnh: NVCC