Là một freelancer, làm sao Vũ Dino có thể cân bằng được cuộc sống, hay nói cách khác, làm thế nào để duy trì được lối sống khoa học ngay cả khi bạn là người làm tự do?
Đa phần các freelancer khi bắt đầu bước vào cuộc sống tự do, tự tại sẽ bị mất đi nhịp độ, tiết tấu sống trước đây của mình. Lịch trình của họ dễ bị đảo lộn và mê đắm vào giấc ngủ. Tâm lý của freelancer là làm việc bất cứ khi nào trống thời gian hoặc khi có hứng, còn bản thân Vũ, là một "ông già khó tính" nên khá linh hoạt và nghiêm khắc trong việc sắp xếp thời gian. Vũ cố gắng vạch ra thói quen mỗi ngày và quyết tâm duy trì nó.
Quan điểm của Vũ là luôn luôn phải có weekend và nếu được lựa chọn thì không bao giờ nhận lịch làm cuối tuần, trừ khi có việc bắt buộc không thể thay đổi. Lịch làm việc trong ngày của Vũ gần giống với làm việc văn phòng, dồn sức, dồn lực làm gói gọn trong 8 tiếng.
Vũ có phải người giỏi quản lý thời gian không?
Vũ có thể tự tin nói rằng trong số các bạn Vlogger, Vũ thuộc top quản lý thời gian tốt nhất: Luôn kết thúc công việc trước 6 giờ tối, luôn có sự ổn định về giải trí trong tinh thần. Nhiều bạn freelancer mất ổn định tâm lý, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, còn Vũ cố routine gần như tuyệt đối.
Vũ nhận thấy, khi mọi thứ không có chu trình, quỹ đạo thì sức khoẻ dễ bị giảm sút, tinh thần mệt mỏi, bị động. Đừng vì lý do nọ, lý do kia mà đảo lộn nhịp sinh học của bản thân, bởi khi còn trẻ nếu chúng ta duy trì được quỹ đạo, thói quen tốt bao nhiêu thì về già sẽ hưởng quả ngọt bấy nhiêu.
Thời gian rảnh, Vũ thường làm gì?
Suy nghĩ của Vũ hơi già. Ví dụ, buổi tối các bạn đi club, đi bar… còn Vũ, cùng lắm đi xem phim, nhưng lý tưởng nhất vẫn là ở nhà nấu nướng, mời bạn bè tới ăn tối và trò chuyện. Vũ không được sống gần gia đình, nhưng cố gắng kết nối, xây dựng một gia đình nho nhỏ với những người bạn – cùng nương tựa, cùng dựng nghiệp ở một thành phố lớn, cùng chia sẻ với nhau mọi chuyện trong cuộc sống!
Người ta nói nhiều về khủng hoảng độ tuổi. Bản thân Vũ Dino đã từng trải qua cuộc khủng hoảng nào chưa?
Năm 27 tuổi, Vũ rơi vào khủng hoảng rất nặng. Và Vũ tin rằng, những năm tháng đó, nhiều người sẽ cùng chung nỗi hoang mang, hoài nghi ấy. Những câu hỏi lặp đi lặp lại trong đầu mỗi ngày: Tôi là ai? Tôi cố gắng cho điều gì? Rốt cuộc tôi muốn trở thành ai? Con người trong tương lai của mình thế nào? Dù lúc ấy công việc đang đi lên, nhưng luôn hỏi liệu đây có phải là con đường mình gắn bó tới cuối đời không? Nó có xứng đáng với bao năm đèn sách hay không? Liệu mình có gắn bó với mảnh đất này hay không, hay sẽ là một nơi chốn khác? Những câu hỏi ấy tại thời điểm ấy không có câu trả lời, Vũ nhận ra chỉ có một cách duy nhất thôi: Chúng ta phải đi tiếp. Chỉ có đi tiếp mới dần tìm mở được những đáp án cần thiết.
Và sắp tới, những năm 30, 35 tuổi gần đến, có thể Vũ và các bạn sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng và có thể khủng hoảng lần tới sẽ là khủng hoảng về trách nhiệm. Nhưng khủng hoảng độ tuổi sẽ không quá đáng sợ nếu mỗi ngày bạn cố gắng thêm một chút, nỗ lực thêm một chút, tiến về phía trước thêm một chút... Khi bạn đủ mạnh, đủ chín, đủ tự tin... thì việc đối mặt với khủng hoảng độ tuổi sẽ ít bầm dập, ít thương tích hơn rất nhiều.
Trong hiện tại, Vũ hướng về cuộc sống như thế nào?
Sống cân bằng là điều Vũ đang hướng tới, nhưng độ tuổi này thật khó để đạt được, bởi cuộc sống mỗi ngày của Vũ vẫn còn rất nhiều áp lực, việc vấp ngã, sai lầm, khủng hoảng… không thể tránh khỏi. Đôi khi sẽ phải gồng mình lên gánh vác, thực hiện những mục tiêu ngắn và dài hạn và sau mỗi lần gồng mình đó, thấy biên độ cân bằng lệch giảm đi một chút. Nhưng, Vũ là người dám Vươn Lên, nên những trở ngại đó vừa là thử thách, vừa là chất kích thích thôi thúc Vũ không được phép từ bỏ!
Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện ngắn này!