Mua sắm bí mật
“Secret shopping” hay “Mystery shopping” (Tạm dịch: mua sắm bí mật) là một phương pháp được các doanh nghiệp hoặc tổ chức tiếp thị sử dụng khi muốn đo lường chất lượng bán hàng và dịch vụ, hiệu suất công việc, tuân thủ quy định… của cơ sở kinh doanh hoặc để thu thập thông tin về thị trường và đối thủ cạnh tranh.
Những website như Secret Shopper hoặc BestMark sẽ trả tiền cho người dùng để kiểm tra trải nghiệm khách hàng tại các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, hoặc các doanh nghiệp khác. Theo Sidehus.com, họ thường trả từ 10 đô đến 20 đô cho một cửa hàng. Những người đánh giá sẽ được yêu cầu đến salon để xem nơi đó có trân trọng khi họ sử dụng những coupon miễn phí hay không, hoặc sẽ được cử đến một cửa hàng bán trò chơi điện tử để xem liệu họ có bán trò chơi dành cho người trưởng thành cho trẻ em chưa đủ tuổi hay không.
Khi nói đến công việc đánh giá nhà hàng, “đối với Gen Z, đó là một lựa chọn tốt vì có đồ ăn miễn phí”, “Chuyên gia làm thêm” Kevin Ha chia sẻ. Anh cũng nói thêm rằng “Khi còn trẻ, bạn có thể linh hoạt hơn khi đi ăn ngoài”. Bản thân Ha cho biết anh đã kiếm được 1.700 đô la vào năm 2022 bằng cách sử dụng trang web mua sắm bí mật Market Force.
Người đàn ông chỉ tốn 25 đô mỗi tháng cho thức ăn
Baldwin, người kiếm được một khoản tiền sáu con số từ công việc hàng ngày của mình và đã xây dựng danh mục đầu tư bất động sản trị giá 4,4 triệu đô la cùng với vợ Angela, nhưng mặt khác cũng là một “người mua sắm bí mật” và được trả tiền khi đi ăn ngoài.
Anh nói với CNBC Make It: “Có rất nhiều doanh nghiệp ngoài kia muốn biết nhân viên của họ đang làm việc như thế nào và thị trường phản ứng thế nào với các sản phẩm của họ. Những công ty đó sẽ thuê các công ty mua sắm bí ẩn tìm những người làm việc độc lập như tôi để đến cơ sở kinh doanh của họ với tư cách là khách hàng thường xuyên, mua sản phẩm hoặc dịch vụ và sau đó báo cáo về nó.” Báo cáo thường đòi hỏi phải hoàn thành một cuộc khảo sát trực tuyến trong một khung thời gian nhất định.
Nhờ mua sắm bí mật, Baldwin chỉ chi khoảng 25 đô la một tháng cho thực phẩm: “90 đến 95% ngân sách dành cho việc ăn uống tại nhà hàng của chúng tôi được chi trả bởi Mua sắm bí mật,” anh nói. “Thỉnh thoảng, chúng tôi sẽ muốn đến một nơi nào đó kỳ lạ hơn một chút mà không có chương trình mua sắm bí ẩn.” Nhưng đối với những món cơ bản như cà phê, thức ăn nhanh, chuỗi nhà hàng và nhà hàng cao cấp thì đều được chi trả.
Baldwin thậm chí còn được trả tiền để mua đồ dự trữ cho tủ lạnh và tủ đựng thức ăn của mình, “Tôi sẽ được trả 350 đô sau khi mua đủ ít nhất 70 đô từ cửa hàng Trader Joe’s”, anh cho biết. Tuy nhiên, đó không phải điều thường xuyên xảy ra. “Thường bạn sẽ được trả tầm 35 đô khi mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa. Và một vài nơi sẽ yêu cầu bạn phải đến một số khu vực khác nhau của cửa hàng, như khu bán thịt hoặc nông sản. Nhưng bạn được quyền tự do lựa chọn những gì mình sẽ mua”, anh bổ sung.
Nói rõ hơn, “mua sắm bí mật” không phải là cách tôi trở nên giàu có,” Baldwin nói trong một video giải thích mua sắm bí mật trên kênh YouTube của mình. “Tôi trở nên giàu có nhờ đầu tư vào bất động sản và nhờ tìm kiếm nhiều nguồn thu nhập khác nhau.”
Có thể nói rằng, nếu bạn muốn tiết kiệm tiền cho việc mua thực phẩm hoặc giải trí, đây là một cách tương đối dễ dàng để thực hiện nếu bạn có thời gian linh hoạt và không phải là người kén ăn. Khi bạn đăng ký nhận nhiệm vụ, bạn phải “mua sắm” trong một khung thời gian cụ thể, chẳng hạn như 11:15 sáng đến 3:45 chiều hoặc 4:15 chiều đến 9 giờ tối.
Theo CNBC Make It