Trước đây lúc chuẩn bị nghỉ làm ở RMIT, ba mình khuyên bảo ghê lắm. Bao nhiêu người ước mơ được làm việc ở một nơi ‘quốc tế’ như thế mà mình lại đi nghỉ ra ngoài làm tự do. Đến bây giờ mình thấy bản thân may mắn vì đã không quyết định đi theo con đường ‘mọi người nghĩ’ như vậy.
Việc không đi theo một lộ trình ‘ổn định’ sau khi ra trường chắc chắn sẽ khiến nhiều bạn giống như mình, nhận được cái nhíu mày hoặc khuyên bảo từ gia đình. Tuy nhiên từ kinh nghiệm cá nhân của mình cho thấy, chính việc bạn trải nghiệm các kiểu công việc khác nhau như vậy sẽ tạo bạn thành một phiên bản đặc biệt trong mắt nhà tuyển dụng.
Là một người trải qua nhiều công việc từ cả các tập đoàn lớn, start-up cho đến việc làm việc tự do, mình đã học được một vài bài học về chuyện nghề nghiệp như thế này.
1. Đừng quá thần tượng những công ty lớn
Bạn đừng hiểu nhầm rằng mình đang kỳ thị các công ty lớn hay các tập đoàn đa quốc gia nhé. Làm việc cho những công ty lớn như vậy sẽ rất tốt để phát triển sự nghiệp, đặc biệt ở giai đoạn đầu khi mới ra trường. Các công ty lớn có nhân lực, nguồn lực và cả kinh nghiệm trong việc đào tạo bạn. Tuy nhiên nếu bạn đang muốn phát triển bản thân theo hướng tự chủ và phát triển nhanh, việc dành thời gian cho một công ty lớn chưa chắc đã là một hướng đi hợp lý. Kinh nghiệm làm ở các công ty lớn cho mình thấy rằng, nhiều cá nhân dành nhiều thời gian trong ngày cho những cuộc họp, những đấu đá nội bộ cá nhân hơn là tập trung vào giải quyết thực tế công việc. Những công ty lớn đồng nghĩa với bộ máy tổ chức phức tạp, không thể tránh khỏi những chuyện chính trị khi đi làm. Mặc dù làm việc ở công ty lớn lương sẽ cao và sẽ oai để khoe với người khác, nhưng có thể một mặt nào đó bạn sẽ không được trực tiếp làm nhiều và trải nhiều trong công việc.
Ví dụ, là một người làm hướng nghiệp, khi làm ở các công ty nhỏ mình có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn với khách hàng, còn khi làm công ty lớn rất nhiều thời gian trong đó mình cần phải dành cho các cuộc họp, phối hợp với các phòng ban khác...
Mình viết ở đây một lần nữa không phải để nói rằng bạn nên bỏ công ty lớn làm công ty nhỏ, mà hãy hiểu rõ mặt trái của từng bên để đưa ra lựa chọn phù hợp với mong muốn của bạn.
2. Nghiêm túc suy nghĩ về chuyện cân bằng thời gian công việc và cuộc sống cá nhân
Điều thứ nhất mình muốn nói rằng, cân bằng không nhất thiết là cứ phải đi làm 8 tiếng, đi chơi 8 tiếng bù lại. Cân bằng với mỗi người khác nhau, miễn sao bạn cảm thấy thật nhiều năng lượng khi làm việc và thật thoải mái khi vui chơi. Khi bạn đi làm trong trạng thái bơ phờ, bạn đi chơi mà đầu óc vẫn giải quyết công việc, như vậy là chưa có cân bằng.
Tuổi trẻ mình thường nhận được nhiều lời khuyên rằng, hãy dành thật nhiều thời gian để làm và hi sinh chút thời gian của bản thân để phát triển sự nghiệp. Một phần nào đó mình đồng ý, bạn có thể bớt chút việc hưởng thụ, chơi ít hơn hồi còn là sinh viên để tập trung đi làm kiếm tiền, nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn không nên hưởng thụ và cảm thấy có lỗi khi không làm việc vào cuối tuần hay buổi tối.
Mình thấy chúng ta thường xuyên đặt lịch hẹn cho khách hàng, đối tác – vậy bạn đã đặt lịch hẹn trong ngày trong tuần cho chính bản thân mình để nghỉ ngơi hay chưa?
Bạn nói rằng bây giờ còn trẻ bạn sẽ hi sinh thời gian để xây dựng sự nghiệp, sau này có sự nghiệp rồi bạn sẽ bớt bận hơn và có nhiều thời gian cho bản thân hơn? Bạn có chắc không?
3. Không chỉ học riêng từ một người nào cả
Quan điểm của mình là: không có ai giỏi tất cả mọi thứ. Mỗi người chỉ giỏi ở một vài mảng chuyên môn nhất định của họ thôi.
Mình có lẽ là một người may mắn, khi được học và làm từ nhiều kiểu người lãnh đạo khác nhau. Có người rất kỹ tính, bắt lỗi từng dấu chấm dấu phẩy. Có người bắt mình làm gì cũng phải có quy trình, mục tiêu. Có người thì không quản lý kỹ nhưng khả năng điều phối con người lại rất giỏi.
Chính vì vậy mỗi khi có cơ hội làm việc cùng một người sếp, dù họ có khó đến đâu – dở hơi đến mức nào, bạn hãy biết rằng chắc hẳn họ cũng sẽ có điều gì đó để bạn học hỏi nhé. Hãy xem điểm mạnh của họ là gì và học từ điều đó.
4. Làm những việc không phải phận sự của mình
Thời gian đầu khi mới đi làm, để có được sự tin tưởng của đồng nghiệp, rất cần bạn phải làm thêm những phần việc có thể không phải là của bạn. Hỗ trợ đưa hồ sơ giấy tờ, viết email, tham gia những cuộc họp – tất cả những điều này có thể làm bạn khó chịu nhưng là cách tốt nhất để bạn thể hiện trách nhiệm của mình trong công việc.
Khi bạn chưa giỏi một chuyên môn nào đó, hãy bắt đầu bằng việc hỗ trợ mọi người. Trong quá trình hỗ trợ bạn sẽ thấy có những đầu việc bạn làm tốt và thoải mái hơn so với đầu việc khác, hãy dành thời gian để học hỏi thêm đầu việc đó.
5. Học cách làm việc với sự lo lắng
Trong công việc, chắc hẳn sẽ có những lúc bạn phải lo lắng rất nhiều: trước một dự án, trước một buổi thuyết trình, khi nhận một nhiệm vụ mới... Lo lắng và stress dù muốn hay không cũng sẽ trở thành một phần của cuộc đời đi làm.
Trong nhiều năm qua, mình học được rằng không có cách nào để hết lo lắng hết – chỉ có cách để chúng ta học sống chung với lo lắng, coi lo lắng là một cảm xúc bình thường như bao cảm xúc khác. Mình học được việc này thông qua việc thiền mỗi ngày để học cách tĩnh tâm và quay về bên trong mỗi khi sự lo lắng xuất hiện.