"Trò chuyện với vĩ nhân" là một trong những cuốn sách tiêu biểu, có giá trị khai mở nhất của nhà hiền triết Ấn Độ - Osho (1931-1990).
Osho không dạy bảo hay kêu gọi người khác học theo mình mà chỉ chia sẻ các góc nhìn tỉnh thức. Một bậc thầy kỳ lạ không biểu dương tri thức, văn hoá nhưng lại truyền cảm hứng khai mở tâm trí; một bậc thầy tâm linh hiểu sâu sắc về tôn giáo, chính trị nhưng hoàn toàn phi tôn giáo, phi chính trị. Osho lật đổ thành quách sương mù của tín ngưỡng, văn hoá để mở một con đường khai tâm đưa con người hiện đại tìm về với tự nhiên.
Trong rất nhiều chia sẻ của Osho được ghi lại thành sách, cuốn "Trò chuyện với vĩ nhân" đã tạo nên một khái niệm thú vị - sống vượt lên trên thời gian. Osho nhận định: "Lịch sử chỉ biết về va chạm, lịch sử thường đề cập đến những mối nguy hại". Theo ông, lịch sử không có ghi chép nào về những con người tuyệt vời góp phần đưa nhân loại tới minh triết, ánh sáng. Chúng ta cũng đang sống theo dòng thời gian khô khan như lịch sử. Hãy vượt lên trên nó và sống trong tỉnh thức!
Trong cuốn sách "Trò chuyện với vĩ nhân", Osho không đề cập đến những nhân vật vang danh lịch sử như Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, Alexander Đại đế… mà bình luận, phân tích về cuộc đời và tư tưởng của những nhà hiền triết đã góp phần biến đổi tâm thức, mở đường cho sự trưởng thành của nhân loại – những người ít được lịch sử ghi nhận, nhưng sức ảnh hưởng của họ đến nhân loại vô cùng to lớn.
Đó là những vĩ nhân mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại như Đức Phật, Chúa Jesus, Bồ Đề Đạt Ma, Lão Tử, Trang Tử, Socrates hay những nhà tư tưởng lớn đã đặt nền móng cho triết học hiện đại như Pythagoras, J. Krishnamurti, Friedrich Nietzsche, Kabir…
20 câu chuyện và phân tích sâu sắc của Osho về cuộc đời và tư tưởng của những triết gia, nhà lãnh đạo tôn giáo lớn đều cô đọng và chạm thẳng đến cốt lõi của việc kiếm tìm minh triết, thông tuệ. Bằng sự uyên bác và thấu cảm đáng kinh ngạc, Osho mở ra cánh cửa để những người bình thường có thể bước vào chiêm ngưỡng, giải mã cuộc đời và tư tưởng của những vĩ nhân đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới.
Không huyễn hoặc, tất cả đều giản đơn đến tận cùng, đọc "Trò chuyện với vĩ nhân", ta có thể nhìn lại bản thân và cảm giác về một hành trình mới thực sự đáng sống. Nếu bông hoa tự nó xinh đẹp mà không cần nỗ lực vậy tại sao con người không thể? Con người cũng thuộc về tự nhiên giống như bông hoa, như các vì sao nhưng con người đang tự huỷ hoại sự sống và vẻ đẹp đích thực của việc sống. Qua cách nhìn khai mở của Osho, ta thấy các vĩ nhân sâu sắc nhất cũng trở nên gần gũi, họ là đại dương – ta là giọt sương nhưng cũng có thể vĩ nhân là giọt sương mà ta mới là đại dương. Với Osho, đại dương tan vào giọt sương chứ giọt sương không tan vào đại dương.
Osho có những nhận định sâu sắc về cuộc đời của những bậc thầy tư tưởng. Với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Osho nhận xét Đức Phật là bậc giác giả đã tạo ra dấu mốc lịch sử khi nhắc nhở thiền cần đi kèm với lòng trắc ẩn. Với Trang Tử, Osho ca ngợi: "Trang Tử là một hiện tượng hiếm có" khi đạt được sự minh triết mà không có thiền hay công cụ nào. Hay với Socrate, Osho cảm thán: "Không có Socrates, Hy Lạp sẽ chẳng là gì cả. Với Scorates, Hy Lạp có mọi thứ". Tuy nhiên, ông cũng chua chát viết: "Vào ngày Athens chọn cách đầu độc Socrates, đất nước này không bao giờ có thể đạt đến những tầm cao tương tự như thế một lần nào nữa".
Trong cuốn sách này, Osho cũng đưa ra những nhận xét thẳng thắn với những triết gia mà ông cho là có thiếu sót. Với triết gia Đức Nietzsche, Osho nhận xét: "Nietzsche có thể là một sự tự do vĩ đại, nhưng không có thiền, đó là một mối nguy hại lớn"; với nhà hiền triết Krishnamurti, Osho cho rằng những lời chia sẻ của ông là "quá nghiêm túc" và "chưa chạm đến trái tim con người".
Qua câu chuyện và cuộc đời của 20 nhà tư tưởng, Osho gửi gắm thông điệp chúng ta hãy không ngừng đấu tranh và làm mới chính mình, thừa nhận những nghịch lý đồng thời trân trọng những vẻ đẹp mà cuộc đời ban tặng. Sách cũng đề cập nhiều kiến thức về thiền định: Lý do mà ta cần thiền, ý nghĩa của sự sống và cái chết, lợi ích của thiền định đến cơ thể và tâm thức mỗi người.
Nhưng quan trọng hơn, Osho muốn thức tỉnh con người hướng đến những giá trị vĩnh hằng, hoàn thiện bản thân và tâm thức. Ông viết: "Con người có thể sống theo hai cách: Một là theo thời gian, hai là vượt lên trên thời gian. Lịch sử là tên gọi của cuộc sống mà chúng ta đang sống theo thời gian; nó để lại dấu ấn lên thời gian. Nhưng cũng có một cuộc sống mà chúng ta vượt lên trên thời gian – không để lại dấu vết nào cả. Cuộc sống của họ không có tác động hữu hình nào. Đó là ý nghĩa vượt ra ngoài giới hạn của lịch sử. Đừng sống trong các sự kiện, hãy sống trong sự tỉnh thức".
Osho tên thật là Chandra Mohan Jain, sinh ngày 11-12-1931, tại bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Ông tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Jain năm 1955 và lấy bằng M.A Triết tại Đại học Sagar năm 1957. Năm 1962, ông thành lập những trung tâm thiền đầu tiên ở vùng quê nơi ông sinh sống và nổi tiếng như một người khơi dậy phong trào thiền học "đánh thức sự sống" (Jivan Jagruti Adolan). Thời gian này, người ta biết đến ông với tên gọi Acharya Rajneesh.
Khoảng thời gian những năm 1980 là thời kỳ cao điểm, có khoảng 200.000 hội viên và 600 trung tâm tu học theo tinh thần của Osho trên toàn thế giới. Năm 1989, ông chính thức lấy tên Osho. Tờ Sunday Mid-Day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong những vĩ nhân đã thay đổi vận mệnh Ấn Độ.
Osho mất ngày 19-1-1990 tại thành phố Pune, Ấn Độ.
Cho đến thời điểm này, 30 năm sau ngày ông mất, người ta đã phải thừa nhận rằng Osho đã góp phần kiến tạo nên tâm linh nhân loại mà thế kỷ XX chính là điểm khởi đầu mới cho hành trình tỉnh thức.