Hơn một thập kỷ trước, Kính viễn vọng Không gian Hubble phát hiện ra một hành tinh kích cỡ tương đương Sao Mộc đang quay quanh Fomalhaut, một ngôi sao cách Hệ Mặt Trời 25 năm ánh sáng. Khám phá này đánh dấu mốc lần đầu tiên, các nhà thiên văn học phát hiện ra ngoại hành tinh - những hành tinh trong một hệ sao khác Mặt Trời - bằng cách thức phân tích bước sóng ánh sáng hữu hình. Trước thời điểm này, các nhà khoa học sử dụng cách thức quét hệ sao nhằm tìm ra khoảnh khắc ánh sáng sao bị hành tinh bay ngang qua che mờ.
Nhưng khi András Gáspár, một trợ lý thiên văn học công tác tại cơ sở Kính viễn vọng Steward thuộc Đại học Arizona, nghiên cứu những hình ảnh mới nhất về hệ sao này, có được do Hubble chụp lại hồi 2013-2014, anh phát hiện ra hành tinh Fobalhaut b đã biến mất.
Ảnh minh họa do NASA thực hiện mô tả vụ va chạm giữa hai tiểu hành tinh.
“Tôi ngạc nhiên khi thấy nó không xuất hiện trong loạt ảnh mới nhất”, anh Gáspár viết trong email. “Vì thế tôi rà soát tất cả dữ liệu, phân chính chúng và nhận thấy một mẫu hình cho thấy ngôi sao đang mờ đi”.
Hóa ra, hình ảnh vốn được biết tới là “ngoại hành tinh Fomalhaut b” không phải là một hành tinh; nhiều khả năng đó là ánh sáng phát ra từ một vụ nổ, xuất hiện khi hai thiên thạch băng va chạm với nhau. Theo nghiên cứu mới được Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đăng tải, mỗi khối thiên thạch có đường kính ít nhất 100 kilomet.
Việc các tiểu hành tinh va chạm, gây ra vụ nổ lớn không có gì mới, nhất là khi hệ sao Fomalhaut vẫn còn rất “trẻ”, nhưng hiếm khi ta có thể chụp được chúng trong Vũ trụ bao la. Hơn nữa, khám phá này của anh Gáspár chỉ là ngẫu nhiên.
Gáspár không chủ đích tìm dữ liệu về Fomalhaut b, mà đang giúp NASA phát triển Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST), thiết bị nhìn xa thế hệ mới với sức mạnh gấp 100 lần Hubble hiện tại. Anh đang lấy dữ liệu của Hubble để tinh chỉnh lại thấu kính của JWST thì nhận ra Fomalhaut không còn xuất hiện trong loạt ảnh.
Fomalhaut b mờ dần theo năm tháng.
Vụ va chạm giữa hai khối thiên thạch đã xuất hiện ngay trước khi Hubble tiến hành quan sát khu vực này hồi năm 2004, đó là lý do tại sao đốm sáng lại trông giống một hành tinh đến vậy. JWST sẽ tiếp tục công việc của Hubble là quan sát hệ sao Fomalhaut khi được phóng vào năm 2021.
Nó có thể quan sát Fomalhaut với những hình ảnh chi tiết hơn, thập chí tìm được thêm những ngoại hành tinh khác trong hệ sao mới hình thành.
Nhà nghiên cứu Gáspár nhấn mạnh về tầm quan trọng của các vụ va chạm trong một hệ sao trong quá trình nghiên cứu thiên văn. Hãy cứ lấy Trái Đất làm ví dụ, một vụ va chạm lớn đã tạo ra Mặt Trăng để rồi khối cầu khổng lồ kia, theo giả thuyết, trở thành một phần thiết yếu của sự sống trên Trái Đất.
Những cú va chạm giữa các hành tinh, tiểu hành tinh là một phần không thể thiếu trong nghiên cứu quá trình hình thành một hệ sao.