Khoa Tâm thần Nội trú Đại học McMaster, một ngày năm 1986: Patricia Rosebush quay vào phòng và ngạc nhiên khi thấy bệnh nhân của mình đã biến mất. Chỉ mới một tiếng trước đó, vị bác sĩ phẫu thuật thần kinh đã chỉ định đưa một người phụ nữ vào nằm trên chiếc giường bệnh này.
Cô ấy bất động, không thể ăn uống hay nói chuyện. Người phụ nữ cũng không thể trả lời hay phản hồi bất kỳ câu hỏi nào của Rosebush, khiến cô ấy còn phải tự hỏi :”Liệu người này có còn thở hay không?”.
Vậy mà bây giờ, cái giường bệnh đã trống không.
"Tôi giật mình", Rosebush nhớ lại. Đó là bệnh nhân đầu tiên mắc một hội chứng rối loạn kỳ lạ có tên gọi là catatonia mà cô gặp trong đời. Catatonia sẽ biến một người đang bình thường bỗng dưng cứng đờ lại như một bức tượng, không thể cử động hay nói chuyện.
Khác với hội chứng sleep paralysis (hay còn gọi là bóng đè) khiến bạn bị bất động tạm thời trong khi ngủ, catatonia có thể biến bạn trở thành một bức tượng ngay khi còn đang thức.
Vì đã đọc một số báo cáo trường hợp về catatonia, Rosebush quyết định tiêm cho bệnh nhân một mũi lorazepam (loại thuốc thường được dùng để điều trị chứng lo âu). Sau đó, vị bác sĩ rời đi để chăm sóc các bệnh nhân khác. Cô không bao giờ tưởng tượng khi mình quay lại, người phụ nữ ấy có thể biến mất.
Như một phản xạ tự nhiên, Rosebush nháo nhác nhìn xung quanh và khi ánh mắt quét tới khu vực sảnh ngồi của khoa nội trú, cô thấy một nữ bệnh nhân đang ngồi ở đó, đọc báo. “Tôi đang chờ cô quay lại đây”, người phụ nữ nói với Rosebush bằng một giọng ra vẻ thiếu kiên nhẫn, như thể cô ấy chẳng vừa nằm bất động như một bức tượng.
“Tôi cần nói chuyện với cô”.
Catatonia là một rối loạn thần kinh có thể gợi cho bạn về một thời kỳ sơ khai của y học hiện đại. Gần 2.500 năm trước, Hippocrates từng mô tả những người phụ nữ mắc chứng cuồng loạn (Hysteria) và giải thích nó bằng lý thuyết bốn khí chất (Four humors).
Lý thuyết bốn khí chất cho rằng mọi con người đều sẽ biểu hiện ra ngoài 4 khí chất cơ bản: hiếu động, nóng giận, buồn rầu, lãnh đạm, hoặc một sự pha trộn giữa chúng.
Chứng cuồng loạn là một trạng thái của tâm thức, trong đó người mắc phải bị kích động thái quá và không thể kìm chế cảm xúc. Những người cuồng loạn thể hiện các khí chất nóng giận và hiếu động. Họ thường hay khóc cười vô cớ, thi thoảng tự nhiên la hét, giãy dụa, đập phá…
Trong khi đó, những người mắc hội chứng catatonia thì ngược lại, họ sẽ thể hiện các khí chất buồn rầu và lãnh đạm.
Catatonia thường khiến một người thu mình lại, làm thinh với mọi thứ xung quanh. Họ đơn giản nằm hoặc ngồi bất động và nhìn chằm chằm vào một thứ gì đó. Cơ thể họ mềm như đất sét và oặt ẹo giống như một hình nộm, đặt đâu ngồi đấy.
Những người mắc catatonia không chịu ăn uống. Và hội chứng được lý thuyết hóa như một rối loạn vận động, đi kèm với sự tê liệt ý chí, một hội chứng sợ hãi, hoặc kết quả của một hệ thống miễn dịch trở nên tồi tệ.
Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu não bộ của bệnh nhân catatonia, để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân gây ra nó. Nhưng hiện đó vẫn còn là một bí ẩn.
Catatonia không phải một di sản mơ hồ của thời Victoria, Rosebush nói. Hiện cô vẫn đang phải điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mắc phải nó. Trong một khoa tâm thần của bất kỳ bệnh viện nào cũng sẽ đều có 7-10% bệnh nhân mắc catatonia, một số bệnh viện ước tính con số còn có thể lên tới 25%.
Mặc dù phổ biến là vậy, nhưng chứng catatonia thường bị chẩn đoán sai hoặc các bác sĩ thậm chí không nhận ra nó. Một phần lý do vì khoảng 100 năm qua, catatonia thường bị coi là một dạng của bệnh tâm thần phân liệt chứ không phải là một hội chứng riêng biệt.
Điểm đặc biệt là ở chỗ, không giống như nhiều chứng rối loạn bí ẩn khác, catatonia là một tình trạng mà chúng ta có thể điều trị và nó tương đối dễ dàng. Với một tỷ lệ lớn bệnh nhân catatonia, chỉ cần một liều benzodiazepine như lorazepam đã có thể giúp họ tốt lên nhanh chóng.
Một người đang đóng băng như một bức tượng đá có thể trở lại bình thường chỉ sau một vài tiếng đồng hồ, như bệnh nhân đầu tiên của Rosebush vậy.
Vấn đề chỉ xảy ra nếu họ bị điều trị sai. Khi một người bất động trong một khoảng thời gian đủ lâu mà thường là không quá dài, các vấn đề y khoa khác bắt đầu xuất hiện như cục máu đông, tắc mạch phổi, mất nước, nhiễm trùng và còn nhiều hơn thế nữa.
Catatonia gây ra một tỷ lệ tử vong khoảng 35%.
Đó là một hậu quả khủng khiếp cho những bệnh nhân, đáng ra có thể dễ dàng được trị khỏi. Khoảng 70-80% những người khởi phát catatonia sẽ nhanh chóng trở nên tốt hơn ngay sau khi dùng thuốc benzodiazepin, đôi khi chỉ trong vài giờ.
Những bệnh nhân đó “đã từng bất động, câm lặng, thu mình và không chịu ăn hay uống, nhưng sẽ nhận được sự giải thoát hoàn toàn khỏi trạng thái 'đóng băng' của họ”, Rosebush đã viết vào năm 2010.
Trong khi các nhà khoa học vẫn đang cố tìm hiểu cho được những bí ẩn của catatonia, điều quan trọng nhất lúc này là phải làm cách nào giúp các bác sĩ lâm sàng phát hiện ra nó, để họ có thể kéo bệnh nhân của mình ra khỏi trạng thái hóa tượng đúng cách.
Khi được điều trị đúng, bệnh nhân catatonic có thể hồi phục trở lại. Và sự hồi phục đó đôi khi được gọi là hiện tượng Lazarus, hay người chết sống lại. Cái tên Lazarus là đặt theo một vị thánh phục sinh trong Công Giáo La Mã và Giáo hội Chính thống Đông Phương.
Trong cuốn sách “The Madness of Fear: A History of Catatonia” (tạm dịch là Sự sợ hãi diên dại: Lịch sử của hội chứng caratonia”, hai tác giả Edward Shorter và Max Fink đã kể rằng một số bệnh nhân catatonia còn được viết sẵn giấy tế bần đặt trên giường.
Và khi họ thức dậy, cảm giác sẽ không giống như một người tỉnh dậy sau cơn hôn mê. Nhiều bệnh nhân catatonia nhận thức được toàn bộ những gì họ đã trải qua và mô tả nó là một cảm giác vô cùng sợ hãi. Một số còn tin rằng trong khoảng thời gian bất động họ đã chết.
“Trạng thái tê liệt trong catatonia là một trải nghiệm đáng sợ", Shorter và Fink viết. “Nó không phải là một thoáng quên lãng nhẹ nhàng [như ai đó tỉnh dậy sau cơn hôn mê]".
Không cử động hoặc nói chuyện được là một dạng catatonia, bên cạnh việc mất khả năng ăn uống. Nhưng có những người mắc catatonia lại thể hiện những triệu chứng ngược lại: họ bị tăng động và ham muốn di chuyển, cử động. Những người này có thể vỗ tay và nhảy múa liên tục mà không cần có nhạc.
Một số người thì có triệu chứng negativism, nghĩa là họ sẽ làm ngược lại bất kỳ những gì họ được yêu cầu.
“Ví dụ, nếu tôi tiếp cận một ai đó và cố gắng bắt tay họ để nói xin chào, người này sẽ quay lưng vào tường và không nói bất cứ chuyện gì với tôi”, Sebastian Walther, một bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đại học Bern, Thụy Sĩ cho biết.
Trong sự nghiệp của mình, Walther đã chữa trị cho rất nhiều người mắc hội chứng catatonic. “Nếu bạn yêu cầu họ ngồi xuống, thì họ sẽ đứng dậy”, ông nói.
Các triệu chứng của catatonia
Catatonia có thể tiến triển rất nhanh, nhưng nó cũng có thể diễn biến chậm trong khi tích tụ các triệu chứng, Walther cảnh báo. Rosebush cho biết khi cô nhớ lại khoảng thời gian nội trú của mình, lúc nào ở đó cũng có các bệnh nhân catatonic: những người không ăn uống, không cử động, không nói chuyện được, hoặc cư xử rất kỳ quặc.
Khi ai đó bắt đầu cử động chậm lại, hoặc họ giữ cơ thể mình đứng yên vài phút ở trong một tư thế kỳ lạ - đóng băng như một bức tượng rồi sau đó cử động trở lại đó có thể là lúc catatonia khởi phát. Đôi khi, bệnh nhân nói rằng họ có cảm giác như bị đóng khuôn lại, không thể cử động trong một khoảng thời gian, rồi cái khuôn biến mất và họ có thể cử động trở lại.
Khi bị bất động, nhiều người sẽ nói rằng đó là bởi họ thấy sợ hãi. “Khuôn mặt của bệnh nhân thường lộ rõ vẻ sợ hãi, và sau đó họ nói mình đã nghĩ đến một thảm họa đã xảy ra”, leo Shorter và Fink viết trong cuốn sách.
“Những bệnh nhân này thường bị bủa vây bởi nỗi lo lắng, kinh hoảng và sợ hãi. Họ tưởng tượng rằng ngôi nhà của họ đã bị thiêu rụi hoặc những kỵ binh cưỡi ngựa bay đang đến. Một số người thổ lộ cảm giác rằng họ đã chết và không thể di chuyển”, Rosebush nói.
Một cuốn sách năm 1913 của người Đức ghi lại đoạn mô tả về một bệnh nhân catatonic như thế này: “Đôi khi có thể hình dung bệnh nhân như một cái máy ảnh đã chết: Anh ta nhìn thấy mọi thứ, nghe thấy mọi thứ, hiểu mọi thứ nhưng không có khả năng phản ứng, không biểu cảm gì và không hành động được. Mặc dù có hoàn toàn nhận thức, anh ta bị tê liệt vì hiệu ứng tinh thần”.
“Bệnh nhân sợ hãi một điều gì đó đến mức không thể tin được”, Rosebush nói. “Đôi khi họ có thể nói ra điều đó, đôi khi họ không thể”.
Năm 1874, Karl Ludwig Kahlbaum đã mô tả các triệu chứng vận động khác nhau mà ông thấy ở 26 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần và đặt cụm từ catatonia trong chuyên khảo của mình, “Die Katatonie”. Trong khi Kahlbaum là người đầu tiên đặt tên cho nó, các triệu chứng giống như catatonia trước đó cũng đã được mô tả từ lâu.
Một trong những bệnh nhân của Kahlbaum - Benjamin L. nam giới, 27 tuổi, cần người khác mặc và cởi quần áo cho mình mỗi ngày. Ông ấy không phản ứng với bất cứ điều gì, thậm chí cả những cú chích kim vào cơ thể. Benjamin hoàn toàn bất động:
"Anh ta chỉ ngồi hoặc đứng một chỗ ... Ánh mắt cứng nhắc ... hai chi trên lơ lửng", Kahlbaum viết. "Khi ngồi, anh ta là nguyên mẫu giống hệt một trong những bức tượng Ai Cập khổng lồ: anh ấy ngồi thẳng mình hàng giờ liền, đặt cẳng tay trên đùi, cố định ánh mắt thẳng về phía trước. Biểu cảm trên khuôn mặt anh ta… chỉ là sự lạnh lùng và trống rỗng”.
Kahlbaum cảm thấy rằng catatonia là một rối loạn riêng biệt, không có liên kết với bất kỳ căn bệnh cụ thể nào. Nhưng hai nhà tâm lý học, Emil Kraepelin, giáo sư tâm thần học ở Heidelberg, và sau đó là Eugen Bleuler, giáo sư tâm thần học ở Zurich, đã gán sự liên quan của catatonia với bệnh tâm thần phân liệt. Và suốt một trăm năm sau, đó là cách mà catatonia đã tồn tại.
Trên thực tế, Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần Hoa Kỳ (DSM) đã định nghĩa catatonia là một dạng phụ của bệnh tâm thần phân liệt. Cho đến tận năm 2013, người ta mới thừa nhận rằng catatonia xuất hiện kèm theo nhiều tình trạng bệnh tâm thần, y tế và thần kinh.
Mặc dù có thể xảy ra ở những người bị tâm thần phân liệt, catatonia cũng xuất hiện cùng với các bệnh tâm thần khác, như trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực, cũng như các vấn đề y tế như nhiễm trùng hoặc rối loạn tự miễn dịch.
Có lẽ đó là một trong những lý do chúng ta biết rất ít về tình trạng này. Niềm tin rằng catatonia có liên quan đến tâm thần phân liệt đã cản trở nhiều tiến bộ của việc nghiên cứu catatonia trong nhiều năm, Walther nói.
Các triệu chứng của nó có thể bị chẩn đoán nhầm, khi bác sĩ cho rằng bệnh nhân của mình chỉ đang cố tình làm vậy, vì họ mắc một vấn đề hành vi hoặc rối loạn tâm thần nào đó. Ngược lại, khi catatonia không đi kèm với chẩn đoán tâm thần phân liệt, bác sĩ có thể nhầm nó với một số bệnh lý khác như bệnh về não hoặc cho rằng bệnh nhân đang bị hôn mê.
Và nếu tính tới sự có mặt của các biện pháp điều trị, tình hình còn trở nên phức tạp hơn nữa. Thuốc chống loạn thần - được kê toa cho bệnh tâm thần phân liệt cũng có thể gây ra rối loạn vận động. Và các triệu chứng và chuyển động kỳ lạ của bệnh nhân catatonia thường sẽ được giải thích là một tác dụng phụ của thuốc.
Điều đó che khuất tầm nhìn và sự chú ý của các bác sĩ đến catatonia, đến mức vào những năm 1990, các nhà nghiên cứu đã tự hỏi liệu catatonia đã bị xóa sổ hoàn toàn trong dân số hay không. Walther viết trong một bài báo năm 2019 rằng:
“Các bác sĩ lâm sàng thường gặp nhầm lẫn [khi chẩn đoán] catatonia, nghĩ rằng đó chỉ là các dấu hiệu và triệu chứng của một căn bệnh khác, hoặc thậm chí không bao giờ để tâm đến chúng”.
Năm 1990, một báo cáo trường hợp kể về câu chuyện của một nữ bệnh nhân da đen 45 tuổi với tên viết tắt là H. Bệnh nhân này mắc catatonia, nhưng trong suốt 24 năm đi khám không hề được chẩn đoán.
Kể từ năm 21 tuổi, cô ấy đã nhập viện tâm thần tổng cộng 18 lần, và bất cứ khi nào bệnh nhân này ở trong bệnh viện, cô ấy sẽ từ chối cho ăn và không làm theo bất kỳ mệnh lệnh nào của bác sĩ.
Giữa các tập hồ sơ về catatonia, báo cáo cho biết bệnh nhân này là một người phụ nữ nổi tiếng và thích ăn chơi, nhưng khi có mặt tại bệnh viện, cô "duy trì vẻ mặt tỉnh táo trống rỗng, đôi mắt mở theo láo nhưng không hề có sự giao tiếp với người khác".
Những lần điều trị nội trú ở bệnh viện trước đây của cô ấy có thể kéo dài trong 3 ngày cho đến 4 tuần liên tiếp. Nhưng cô không bao giờ gặp ảo tưởng hay ảo giác, và thuốc chống loạn thần không giúp ích gì cho các triệu chứng.
Mặc dù mang các triệu chứng rõ ràng của catatonia, nhưng tất cả các bác sĩ từng khám và chẩn đoán cho cô chỉ nghĩ rằng cô bị tâm thần. Mãi cho đến khi cô ấy được tiêm thuốc lorazepam thì người ta mới nhận ra đó là catatonia, bởi các triệu chứng ngay lập tức được cải thiện.
Trớ trêu là ở chỗ, thuốc chống loạn thần dùng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt có thể làm cho catatonia trở nên tồi tệ hơn. Còn thuốc benzodiazepin giúp điều trị catatonia lại có thể làm cho bệnh tâm thần phân liệt trở nặng.
Chẩn đoán lẫn lộn hai căn bệnh này có thể gây ra hậu quả đáng tiếc. Ngay cả những trường hợp catatonia nặng nhất cũng có thể được điều trị bằng lorazepam hoặc liệu pháp chống co giật (ECT), nhưng đó không phải là phương pháp điều trị mà những người bị tâm thần phân liệt thường nhận được.
Kết quả là những người mắc catatonia thường bị bỏ quên nhiều năm, cho đến hàng chục năm mà lẽ ra họ có thể được chữa khỏi ngay lập tức.
Giống với tất cả các căn bệnh khác, thời gian cửa sổ để điều trị catatonia hiệu quả nhất là ngay khi nó được phát hiện. Năm 1994, Rosebush đã điều trị cho một bệnh nhân mắc catatonia cấp tính, và ngay sau đó, anh ấy đã có thể nói chuyện trở lại.
Bệnh nhân này nói với Rosebush rằng ở nhà anh còn một người anh trai nữa cũng gặp phải các triệu chứng tương tự từ 5 năm trước, và người anh trai này hiện vẫn còn đang ở trong bệnh viện.
Nhờ đó, Rosebush đã tìm thấy người anh trai bị bỏ quên và điều trị cho anh ta bằng lorazepam. Thật không may, các triệu chứng của người anh không được cải thiện lập tức như người em. Phải mất khoảng một năm anh ấy mới được phép xuất viện.
Trong sự nghiệp làm việc với các bệnh nhân catatonic, Rosebush đã phát triển một thang đo để xác định xem một bệnh nhân có bị catatonia hay không, dựa trên những mô tả bệnh nhân của Kahlbaumftime trong thế kỷ 19.
Mặc dù thang đo này đã hướng dẫn các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán catatonica tốt hơn, nhưng trong thâm tâm mình, cô ấy vẫn nghĩ đó là một hội chứng, không phải là một căn bệnh - vì chúng ta vẫn không thực sự biết điều gì gây ra nó.
“Chúng ta chỉ hiểu nó biểu hiện như thế nào và nó có thể phản ứng với loại thuốc gì”, Rosebush nói.
Anthony David, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh và giám đốc của Viện Sức khỏe Tâm thần Đại học London, cho biết ông nghĩ catatonia là một vấn đề với hệ thống thần kinh vận động. David cho biết cũng có thể có điều gì đó không ổn đã xảy ra với các hóa chất trong não, giống như việc một chất dẫn truyền thần kinh gọi là dopamine đột ngột bị cạn kiệt ở một số phần của não.
Các nhà khoa học khác đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa catatonia và phản ứng bất động giả chết của một số loài động vật khi chúng phòng thủ để đối phó với nỗi sợ hãi. Có một giả thuyết cho rằng catatonia là một phản ứng sợ hãi bẩm sinh và nguyên thủy của con người.
Rosebush cho biết điều cô thấy thú vị là thuốc benzodiazepin giúp điều trị hội chứng lo âu đã hoạt động với catatonia. Một giả thuyết khác gần đây nghi ngờ hệ thống miễn dịch có thể đóng vai trò với tình trạng hóa tượng của bệnh nhân, giải thích tại sao một số người mắc phải nó khi bị nhiễm trùng.
Có một khả năng nữa, catatonia thực ra còn có thể được chia ra thành nhiều căn bệnh nhỏ hơn, chúng chỉ có triệu chứng giống nhau mà thôi, David nói. Rosebush đã phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tâm thần phân liệt và catatonia độc lập dường như không đáp ứng tốt với điều trị lorazepam, một phát hiện khác đã lặp lại kết quả này của cô.
“Điều đó khiến cho việc nhóm các bệnh nhân này lại với nhau khá khó khăn, bởi vì chúng tôi không chắc chắn liệu họ có thực sự trải nghiệm điều tương tự hay không, mặc dù từ bên ngoài có vẻ là vậy”, Walther nói.
Ông hiện đang tiến hành các nghiên cứu hình ảnh não, để thử hiểu sâu hơn về cơ chế sinh lý cơ bản của caratonia.
Thực tế là, catatonia đang khiêu vũ trên một ranh giới mong manh giữa cơ thể và tâm trí. Nó có bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, lo lắng? Hay nó là một rối loạn vận động, hoàn toàn về mặt cơ học? Có phải nỗi sợ tồn tại để giải thích cho hiệu ứng sinh lý? Ai nên điều trị catatonia: một nhà thần kinh học? Một nhà tâm lý học? Hay một nhà miễn dịch học?
Ngay cả sau khi đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu về nó, Rosebush nghĩ rằng câu hỏi catatonia là bệnh thể chất hay tinh thần không thực sự có ích. “Hỏi như vậy thì giống như nói ‘Hôm nay là thứ ba hay hôm nay trời mưa”, cô nói.
Hiện Rosebush đang tập trung vào việc nghiên cứu giải pháp, để trả lời cho câu hỏi tại sao chỉ một liều thuốc đơn giản có thể giúp người bệnh catatonia tốt lên ngay lập tức. Điều này khác hẳn với những căn bệnh tâm thần bí ẩn khác vẫn thường được mô tả trong DSM.
“Điều khiến tôi áy náy nhất, đó là hầu hết các trường hợp mắc catatonia đã không được chẩn đoán”, Walther đồng ý. Nó có nguy cơ bị bỏ quên hoặc chẩn đoán sai vì mọi người, ngay cả các bác sĩ lâm sàng cũng không được giáo dục để biết đến nó.
Một nghiên cứ cho thấy các bác sĩ chỉ chẩn đoán được 2% bệnh nhân catatonia trong một nhóm 139 người mắc bệnh tâm thần, trong khi nhóm nghiên cứu cho biết con số thực là 18%.
Một bệnh nhân đã đến gặp Walther và thổ lộ rằng anh ta không bao giờ quên dù chỉ một chi tiết xảy ra trong những lần mình bị hóa tượng, nhưng tất cả các bác sĩ của anh ấy đã không tìm ra căn bệnh.
"Họ không biết về tiền sự bệnh của anh ta, từ khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi cho đến lúc họ không cử động nữa. Cuối cùng họ đã chuyển anh ta đến một đơn vị chăm sóc đặc biệt", Wather nói.
"Họ đang cố gắng cải thiện tình trạng của anh ấy nhưng họ không nhận ra đó là catatonia. Người đó đã ngừng ăn. Anh ấy bị viêm phổi vì anh ấy không nuốt thức ăn đúng cách. Tất cả các loại biến chứng tiếp theo xảy ra chỉ vì không ai thấy anh ấy đã mắc catatonia”.
Và chỉ có một dịp tình cờ mà Walther và các đồng nghiệp của mình được gọi để hỏi về bệnh nhân này. Sau đó chỉ mất 10 ngày điều trị, ông đã giúp bệnh nhân mắc catatonia này có thể đi lại, nói chuyện và ăn uống. Trước đó, anh ta đã phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt đến 8 tuần.
“Vấn đề quan trọng là hội chứng này rất nhạy cảm”, Rosebush nói. “Trong vòng vài tiếng đồng hồ, bệnh nhân có thể đi từ trạng thái như thể họ không còn sống đến mức đứng dậy và nói chuyện được. Và nếu được chữa trị đúng, họ có thể hoàn toàn bình phục”.
Tham khảo Tonic, Newcastleuniversity, Sciencesource