Fujiko F. Fujio là cái tên huyền thoại gắn bó với tuổi thơ thế hệ 8X, 9X và cả 10X bây giờ. Doraemon - chú mèo ú đáng yêu đã trở thành một đại diện văn hóa của Nhật Bản, là người bạn thân của mọi trẻ em toàn châu Á. “Cha đẻ” của Doraemon đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp sáng tác manga.
Doraemon ban đầu đã thất bại
Fujiko F. Fujio sinh ngày 1 tháng 12 năm 1933 tại tỉnh Toyama. Tên thật của ông là Hiroshi Fujimoto. Ở trường tiểu học, ông đã quen biết Motoo Abiko - người sau này đã đồng hành cùng ông trong việc sáng tác truyện tranh. Kể từ khi còn học trung học, Hiroshi và Motoo đã vẽ truyện tranh gửi các tạp chí và có những tác phẩm đầu tay.
Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1952, chàng trai tỉnh lẻ Hiroshi khi ấy đã vào làm việc tại một công ty bánh kẹo vì thực tế cơm áo gạo tiền, tạm gác ước mơ họa sĩ truyện tranh thời bấy giờ có vẻ rất hão huyền. Nhưng ông nhanh chóng phải bỏ việc vì tai nạn nghề nghiệp. Cùng người bạn thân Motoo, Fujiko F. Fujio vẫn miệt mài vẽ truyện tranh dưới bút danh chung là Ashizuka Fujio.
Ước mơ manga của Hiroshi và Motoo ngày càng lớn đến mức họ cùng nhau lên Tokyo tìm cơ hội và vẽ ngày vẽ đêm. Sau đó, họ đổi bút danh thành Fujiko Fujio. Nhờ nỗ lực bền bỉ, các tác phẩm của họ dần được đón nhận. Nhưng hành trình này không phải toàn quả ngọt và vẫn bấp bênh. Có lúc họ đã bị mất việc vì không kịp hoàn thành bản thảo và lang bạt khắp nhiều tỉnh thành Nhật Bản. Năm 1962, Hiroshi kết hôn với Masako Fujimoto. Họ có ba cô con gái.
Năm 1970, Fujiko F. Fujio bắt đầu viết Doraemon mà không hề nghĩ rằng chú mèo xanh mất tai đó sẽ trở thành một huyền thoại. Ý tưởng được Fujiko F. Fujio nảy ra "sau khi vấp phải món đồ chơi của cô con gái nhỏ, nghe thấy tiếng mèo trong xóm đánh nhau, và ước gì mình có một chiếc máy để tạo ra một khái niệm truyện tranh mới”. Được truyền cảm hứng từ hình dạng của món đồ chơi, tiếng mèo kêu và niềm khao khát một cỗ máy để giải quyết vấn đề của mình, họa sĩ đã nghĩ ra một con mèo máy có túi chứa đủ loại bảo bối thần kỳ. Và thế là Doraemon được sinh ra đời.
Thế nhưng ban đầu, Doraemon không thu hút nhiều sự chú ý của trẻ em. Phải đến 3 năm sau, khi Doraemon được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình chiếu trên TV thì nó mới trở thành nhân vật nổi tiếng trên toàn quốc.
Năm 1988, Hiroshi và Motoo kết thúc hợp tác và sau đó, họ hoạt động độc lập. Fujiko F. Fujio được coi là “cha đẻ” của Doraemon vì đây là ý tưởng của ông và do ông sáng tác chính, Motoo - người có bút danh Fujiko A. Fujio chỉ làm việc bổ trợ cho bộ truyện này.
Từ năm 1980 cho đến khi qua đời, Fujiko F. Fujio tập trung vào Doraemon. Ông vẽ cả tập truyện ngắn cùng một loạt manga dài Doraemon. Các bộ truyện tranh được đưa lên màn ảnh và các bộ phim hoạt hình năm nào cũng là “mỏ vàng” cho ngành công nghiệp điện ảnh xứ Phù Tang. Năm 1989, ông giành được hai giải thưởng cho phim Doraemon (Film Special Merit Prize và Golden Gloss Prize).
Tập truyện Doraemon dang dở cuối cùng
Ngày 23 tháng 9 năm 1996, ở tuổi 62, họa sĩ nổi tiếng qua đời vì bệnh ung thư gan lâu năm. Những ngày tháng cuối cùng của Fujiko F. Fujio tất nhiên không hề dễ dàng khi phải chống chọi với bệnh tật, với bệnh viện và mùi thuốc men. Thế nhưng, ông đã cầm bút vẽ Doraemon cho đến ngày cuối cùng, vì ước mơ của chính mình, vì ước mơ của hàng triệu bạn nhỏ.
Theo chia sẻ của con gái cố họa sĩ và trợ lý Shintaro Mugiwara, vào những ngày tháng cuối đời, dù sức khỏe rất yếu, ông vẫn miệt mài sáng tác. Trong ngày trút hơi thở cuối cùng, trên bàn làm việc của Fujiko F. Fujio là bản nháp dang dở của tập truyện dài “Nobita ở thành phố dây cót”. Các trợ lý, đồng thời cũng là học trò của ông sau đó đã cố gắng hoàn thành nốt tập truyện này để tri ân người thầy của mình.
Dù giống Doraemon đem lại niềm vui và ước mơ cho độc giả, Fujiko F. Fujio lại cho rằng mình là nhân vật Nobita: “Tôi chính là Nobita. Tính cách yếu đuối của cậu bé giống hệt tôi khi còn học tiểu học. Hầu hết mọi đứa trẻ đều có “một Nobita” trong mình. Tôi nghĩ đó là lý do độc giả đồng cảm khi đọc Doraemon. Thế nhưng có một điều rất đáng ngưỡng mộ ở cậu bé ấy. Nobita không giỏi giang, hay gây chuyện, thế nhưng cậu ấy biết cách nhìn nhận lại những sai lầm của mình. Nobita thường nghĩ “Mình vẫn chưa đủ tốt”. Cậu bé mong muốn trở thành một con người tốt hơn, bất chấp mình thất bại bao nhiêu lần. Tôi nghĩ điều đó rất tuyệt vời”.
Doraemon thành công vì nó đã chạm đến trái tim mọi đứa trẻ
Để vinh danh Fujiko F. Fujio, vào năm 2012, chính quyền thành phố Kawasaki, công ty sản xuất Fujiko và góa phụ của ông đã cùng thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng Fujiko F. Fujio ở quê hương. Bảo tàng này hiện trưng bày hơn 40.000 hiện vật những món đồ liên quan đến cố tác giả Doraemon. Nó đã trở thành điểm hút khách du lịch của thành phố và là điểm đến ao ước của mọi fan của chú mèo máy.
Mặc dù Fujiko F. Fujio đã ra đi và vĩnh viễn không hoàn thành bộ truyện tranh, nhưng điều đó cũng giúp Doraemon mãi mãi không bao giờ kết thúc. Thế giới tươi đẹp của Nobita, Doraemon, Shizuka, Suneo, Jaian,... vẫn mãi sống và trường tồn trong lòng mọi đứa trẻ, và tất cả những ai đã từng là những đứa trẻ.
Nguồn: Ddnavi